Sáng nay 4.11, tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo khoa học “Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Trác”, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh nhà cách mạng Nguyễn Trác, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, nguyên Phó bí thư Xứ ủy Trung Kỳ (4.11.1904 – 4.11.2024).
Hội thảo nhằm tôn vinh và khẳng định công lao của ông Nguyễn Trác với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng. Đồng thời, sưu tầm và bổ sung tư liệu về thân thế, sự nghiệp, quá trình hoạt động cách mạng của ông Nguyễn Trác để làm cơ sở bổ sung, làm sáng tỏ thêm truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng…
Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Xuân Ca, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, cho biết ông Nguyễn Trác sinh ra và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống đấu tranh yêu nước, cách mạng tại làng Hà Thanh.
Ngay sau khi học hết năm thứ hai bậc trung học, tháng 6.1927, ông vào Sài Gòn – Gia Định làm công nhân cho hãng buôn Charner. Tại đây, ông tham gia Công hội đỏ, tháng 7.1930 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại Chi bộ hãng Charner – trực thuộc Thành ủy Sài Gòn. Đến cuối tháng 10.1930, ông được Thành ủy Sài Gòn chỉ định làm Bí thư Chi bộ Charner.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông nhiều lần bị địch bắt giam tại nhiều nhà tù của bọn thực dân, đế quốc. Ra tù, ông lại nhanh chóng bắt tay vào hoạt động cách mạng.
Cuối năm 1936, ông chủ trì hội nghị thành lập Tỉnh ủy lâm thời và được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Cuối năm 1937, Xứ ủy Trung Kỳ được lập lại, ông được bầu giữ chức vụ Phó bí thư Xứ ủy Trung kỳ kiêm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.
Trong những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa hồi tháng 7.1945, sau khi được trả tự do, ông Nguyễn Trác nhanh chóng móc nối với cơ sở tiếp tục hoạt động. Trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Đà Nẵng, ông được phân công Phó chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa TP.Đà Nẵng phụ trách quân sự, binh vận và tiếp quản Tòa án thành phố. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được phân công giữ nhiều chức vụ.
“Suốt cuộc đời mình, dù ở cương vị nào, hoàn cảnh nào, đồng chí Nguyễn Trác vẫn luôn một lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Võ Xuân Ca nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các tham luận và ý kiến đã tập trung làm rõ thêm những vấn đề về vai trò của quê hương, gia đình… trong việc hình thành nhân cách, ý chí cách mạng của nhà cách mạng Nguyễn Trác. Những đóng góp của ông đối với cách mạng dân tộc dân chủ và quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng cũng được phân tích làm rõ từ những ngày đầu tham gia cách mạng, đến các giai đoạn lịch sử, từ khi bị địch bắt tù đày đến khi ra tù…
Phát biểu kết luận tại hội thảo, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, cho biết tại hội thảo các nhà nghiên cứu khoa học đã điểm lại khá đậm nét hoạt động cách mạng của ông Nguyễn Trác trong giai đoạn lịch sử quan trọng 1936 – 1939. Đồng thời, cung cấp thêm cho hội thảo thông tin hết sức mới về nhà cách mạng Nguyễn Trác.
Các nội dung tham luận trình bày tại hội thảo đã tập trung làm rõ các yếu tố tác động đến sự hình thành tư tưởng, tinh thần yêu nước, sự nhiệt huyết cách mạng, sự dấn thân của nhà cách Nguyễn Trác; làm rõ những đóng góp to lớn của ông với phong trào cách mạng quê hương.
“Những đóng góp của đồng chí Nguyễn Trác đối với phong trào cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam, Đà Nẵng là vô cùng to lớn, đã được các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân khắc ghi vào trang sử truyền thống của Đảng bộ tỉnh nhà với những dòng trang trọng nhất. Lịch sử cách mạng Việt Nam mãi khắc ghi công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Trác – người con kiên trung của quê hương Quảng Nam; người cán bộ tận tụy, công tâm; người cộng sản trọn nghĩa, vẹn tình”, ông Triết khẳng định.
Nhà cách mạng Nguyễn Trác (bí danh Thiều), sinh ngày 4.11.1904, tại làng Hà Thanh, tổng Hạ Nông, phủ Điện Bàn (nay là làng Hà Tây, xã Điện Hòa, TX.Điện Bàn, Quảng Nam).
Ông mất ngày 11.8.1986, hưởng thọ 82 tuổi.
Với những công lao, đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nhà cách mạng Nguyễn Trác đã được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nha-cach-mang-nguyen-trac-nguoi-con-kien-trung-cua-que-huong-quang-nam-185241104123910752.htm