Vụ giới chức Nhà Trắng bàn bạc chiến dịch quân sự chống lực lượng Houthi ở Yemen hôm 15.3 trên ứng dụng nhắn tin Signal và vô tình có thêm nhà báo Jeffrey Goldberg vào cuộc trò chuyện mà không hề hay biết đang gây ra phản ứng ngày càng nghiêm trọng, khiến chiếc ghế của một số quan chức hàng đầu bị lung lay.
Yêu cầu điều tra
Sau khi vụ việc vỡ lở vào đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth lập tức phủ nhận chuyện bàn bạc “kế hoạch chiến tranh” trong nhóm trò chuyện đó. Giám đốc Cục Tình báo trung ương (CIA) John Ratcliffe và Giám đốc Tình báo quốc gia (DNI) Tulsi Gabbard, hai người tham gia nhóm nhắn tin, tại phiên điều trần trước quốc hội ngày 25.3 khẳng định không có thông tin mật nào được chia sẻ trong cuộc trò chuyện. Đáp lại, Tổng biên tập tạp chí The Atlantic Jeffrey Goldberg ngày 26.3 công bố cụ thể những tin nhắn trong nhóm. Theo đó, ông Hegseth đã thông tin chi tiết về mục tiêu, thời gian và vũ khí mà quân đội Mỹ triển khai trong chiến dịch, chỉ 2 giờ trước khi bom bắt đầu rơi tại Yemen.
Bộ trưởng Mỹ lộ thời gian kế hoạch diệt thủ lĩnh Houthi qua tin nhắn
Theo chuyên san Foreign Policy, thông tin về chiến dịch quân sự đều được coi là tình báo mật theo phân loại của Lầu Năm Góc, DNI cũng như Nhà Trắng. Nghị sĩ Mark Warner, quan chức cao nhất của đảng Dân chủ tại Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ, cáo buộc các quan chức chính quyền đã nói dối khi điều trần tại quốc hội và yêu cầu Bộ trưởng Hegseth cùng Cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz, người mời ông Goldberg vào nhóm nhắn tin, từ chức.

Cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth tại Nhà Trắng hôm 24.2
Ngay cả các nghị sĩ đảng Cộng hòa, gồm thượng nghị sĩ Lisa Murkowski, cũng đang kêu gọi điều tra vụ việc vì lo ngại có thể trở thành vấn đề chính trị nghiêm trọng, theo The Hill. Chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng viện Roger Wicker cho biết sẽ yêu cầu tổng thanh tra Bộ Quốc phòng điều tra bê bối trên. Nhiều nhân vật truyền thông nổi tiếng với quan điểm ủng hộ ông Trump như Piers Morgan, Laura Loomer hay Tomi Lahren cũng công khai chỉ trích cách xử lý của Nhà Trắng sau vụ khủng hoảng, trong đó ông Morgan kêu gọi lãnh đạo Mỹ cách chức ông Waltz, người đã “nhận hoàn toàn trách nhiệm”.
Sai lầm lớn
Trước làn sóng phẫn nộ từ đảng Dân chủ, chủ nhân Nhà Trắng vẫn công khai bảo vệ các thuộc cấp của mình. Trả lời báo chí hôm 26.3, Tổng thống Trump chỉ trích truyền thông đang làm quá vấn đề và mô tả đây là “cuộc săn phù thủy”, từ quen thuộc mà nhà lãnh đạo hay dùng để chỉ trích những cuộc điều tra trước đây nhắm vào ông. Tổng thống Mỹ khẳng định Bộ trưởng Hegseth “không liên quan gì” và trước đó nói rằng ông Waltz là “người tốt và đã học được bài học”.
Tuy nhiên, tờ Politico dẫn nguồn tin tiết lộ Tổng thống Trump đã rất tức giận về sai lầm của ông Waltz khi mời nhà báo vào nhóm và bối rối vì vụ bê bối này. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt tuyên bố tổng thống vẫn hoàn toàn tin tưởng ông Waltz cùng đội ngũ an ninh quốc gia, đồng thời cho hay nhóm của cố vấn Elon Musk đang điều tra làm thế nào nhà báo được thêm vào nhóm nhắn tin.
Đảng Dân chủ đòi cố vấn, bộ trưởng của ông Trump từ chức vì lộ thông tin mật
Trong bình luận đầu tiên từ khi khủng hoảng bùng phát, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio thừa nhận “ai đó đã mắc sai lầm lớn và thêm vào một nhà báo”. Tuy nhiên, nhà ngoại giao cho hay không có thông tin tình báo nào được chia sẻ trong nhóm và vụ việc không đe dọa tính mạng của người tham gia nhiệm vụ. Trong khi đó, ông Goldberg nói nếu thông tin chiến dịch khi đó bị rò rỉ, các phi công Mỹ tham gia cuộc không kích có thể chịu hậu quả thảm họa.
Khảo sát của YouGov cho thấy có 74% người Mỹ coi đây là vụ việc nghiêm trọng và 53% cho rằng “rất nghiêm trọng”. Theo tờ The Washington Post, con số trên cao hơn so với vụ án ông Trump mang hồ sơ mật cất ở nhà riêng sau khi mãn nhiệm năm 2021 (40 – 42%), cũng như vụ cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton sử dụng email cá nhân cho việc công (30%).
Mức độ hài lòng về nhân sự của ông Trump
Theo khảo sát của NBC News, có 52% người Mỹ thất vọng về những lựa chọn nhân sự của Tổng thống Trump cho các vị trí bộ trưởng và lãnh đạo cơ quan liên bang, trong khi 45% hài lòng. Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 7 – 11.3, trước khi vụ rò rỉ thông tin về chiến dịch chống Houthi được Tổng biên tập The Atlantic công bố. Tỷ lệ không hài lòng nói trên cao hơn so với những lựa chọn nhân sự của ông Trump sau khi đắc cử nhiệm kỳ 1 (44%) cũng như đầu nhiệm kỳ của ông Barack Obama (16%), ông George W. Bush (17%) và ông Bill Clinton (14%). NBC News không đưa ra cùng câu hỏi khảo sát vào đầu nhiệm kỳ của ông Joe Biden.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nha-trang-giua-cuoc-khung-hoang-lo-mat-185250327222524912.htm