Sự cộng hưởng giữa công nghệ và giáo dục
Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Tổng Công ty Viễn thông MobiFone và Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam mới diễn ra tại Hà Nội với sự hiện diện và chứng kiến của lãnh đạo cấp cao hai đơn vị.
Về phía Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đại diện bởi ông Nguyễn Tiến Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, ông Phạm Vĩnh Thái, Tổng biên tập, ông Phạm Văn Thắng, Ủy viên Hội đồng thành viên, ông Nguyễn Chí Bính, Phó Tổng Giám đốc.
Về phía Tổng công ty Viễn thông MobiFone, tham dự chương trình có ông Nguyễn Hồng Hiển, Chủ tịch Hội đồng thành viên, ông Tô Mạnh Cường , thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, ông Nguyễn Đình Tuấn, thành viên Hội đồng thành viên.
Tại buổi lễ ký kết, phát biểu của lãnh đạo hai đơn vị đã làm nổi bật tầm nhìn và sự quyết tâm trong việc hợp tác để thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục. Sự kết hợp giữa Tổng công ty Viễn thông MobiFone và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hứa hẹn mang lại những đột phá tích cực trong việc cung cấp nội dung giáo dục chất lượng và tạo ra môi trường học tập hiện đại, hấp dẫn hơn cho học sinh, nhà giáo và nhà trường.
Trong bài phát biểu, ông Nguyễn Hồng Hiển, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Viễn thông MobiFone, đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc kết hợp giữa công nghệ và ngành giáo dục trong việc thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục. Ông Hiển cho biết rằng MobiFone cam kết hỗ trợ việc áp dụng những công nghệ mới vào giáo dục, tạo ra môi trường học tập hiện đại và tiên tiến. Ông cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của công nghệ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và tạo ra cơ hội giảng dạy và học tập công bằng.
Sự chia sẻ của 2 nhà lãnh đạo cấp cao nhấn mạnh giá trị chung về tầm nhìn và mục tiêu chiến lược mà cả hai đơn vị đang hướng tới nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác giảng dạy và học tập cho học sinh, nhà giáo và nhà trường.
Sự kiện ký kết này không chỉ đánh dấu bước tiến của riêng hai đơn vị uy tín và tiềm lực trên thị trường mà chắc chắn sẽ tạo ra sự cộng hưởng giữa công nghệ và giáo dục trong triển khai các sản phẩm, giải pháp giáo dục chất lượng cao, đóng góp tích cực cho sự phát triển xã hội học tập đáp ứng xu thế chuyển đổi số, hội tụ công nghệ mang tính toàn cầu.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nỗ lực trong chuyển đổi số
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, thị trường sách điện tử, học liệu điện tử, kéo theo sự suy giảm nhu cầu sử dụng của các loại sách giáo dục truyền thống, in trên giấy. Do vậy, việc triển khai chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ được thực hiện theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo mà còn là nhu cầu tự thân, tất yếu của đơn vị.
Nhà xuất bản xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm nhằm phục vụ người sử dụng. Trong đó học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh là những người được thụ hưởng nhiều nhất.
Từ nhiều năm nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đưa sách giáo khoa, học liệu điện tử kèm theo sách giáo khoa và các tài liệu hỗ trợ triển khai dạy, học trên website phục vụ miễn phí giáo viên, học sinh, các cơ sở giáo dục.
Năm 2020, Nhà xuất bản cung cấp sách giáo khoa, học liệu điện tử trên hai nền tảng là taphuan.nxbgd.vn và hanhtrangso.nxbgd.vn. Các tài liệu điện tử được đưa lên trang web gồm: Sách học sinh; sách giáo viên, sách bổ trợ, tài liệu bồi dưỡng giáo viên, kế hoạch bài dạy; slide giới thiệu sách, bồi dưỡng giáo viên; video giới thiệu sách; tài liệu giới thiệu thiết bị dạy học; video giới thiệu thiết bị dạy học.
Từ năm 2020 đến năm 2024, công tác giới thiệu sách giáo khoa, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý được triển khai bằng phương thức trực tuyến. Nhờ đó, đơn vị đã tập huấn sử dụng sách giáo khoa cho tất cả giáo viên, cán bộ quản lý của 63 tỉnh, thành phố với chất lượng tốt, hiệu quả cao.
Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục cung cấp sách giáo khoa điện tử, phát triển học liệu điện tử trên internet, đơn vị sẽ tăng cường số hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ người dùng khai thác sách giáo khoa hiệu quả hơn, từng bước giảm sản lượng sách in giấy, tăng cường sử dụng sách điện tử trên mạng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nha-xuat-ban-giao-duc-viet-nam-ky-ket-hop-tac-chien-luoc-de-chuyen-doi-so-185241214233152906.htm