Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Nga Putin đã có cuộc điện đàm vào tối 12.2, trong đó 2 bên thống nhất sẽ khởi động ngay các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine. Ngay sau đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã trao đổi với Tổng thống Trump.
AFP dẫn lời một quan chức Liên minh châu Âu (EU) tiết lộ rằng cả NATO lẫn EU đều không được Washington báo trước về cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin, đồng nghĩa với việc châu Âu gần như đã bị gạt ra bên lề trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Ukraine.
Ông Trump điện đàm lãnh đạo Nga và Ukraine, nói có thể gặp ông Putin
Ngay sau đó, Cao ủy EU về chính sách đối ngoại Kaja Kallas đăng thông điệp nhấn mạnh “châu Âu phải giữ vai trò trung tâm trong mọi cuộc đàm phán” về an ninh khu vực, đồng thời khẳng định “độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine là vấn đề không thể thương lượng”.
Reuters ngày 13.2 đưa tin ngoại trưởng các nước Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Ba Lan, Anh, đại diện Liên minh châu Âu và Ukraine hôm 12.2 tham dự cuộc họp cấp Bộ trưởng tại Paris (Pháp). Trong tuyên bố chung sau đó, các ngoại trưởng nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho đến khi đạt được một nền hòa bình công bằng, toàn diện và bền vững, một nền hòa bình đảm bảo lợi ích của Ukraine và của chính chúng tôi”.
![Chiến sự Ukraine ngày 1.086: Nhiều bên tìm 'suất' ngồi vào bàn đàm phán hòa bình- Ảnh 1. Chiến sự Ukraine ngày 1.086: Nhiều bên tìm 'suất' ngồi vào bàn đàm phán hòa bình- Ảnh 1.](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/Nhieu-ben-tim-suat-ngoi-vao-ban-dam-phan-hoa.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin (từ trái sang)
Các nước châu Âu khẳng định khối này mong muốn thảo luận hướng đi tiếp theo với đồng minh Mỹ: “Ukraine và châu Âu phải tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào. Ukraine cần được đảm bảo an ninh vững chắc. Một nền hòa bình công bằng và bền vững tại Ukraine là điều kiện tiên quyết cho an ninh xuyên Đại Tây Dương”.
Bên cạnh tuyên bố chung, các đại diện từ nhiều quốc gia châu Âu cũng lần lượt đưa ra quan điểm về vấn đề đàm phán hòa bình Ukraine. “Hòa bình ở châu Âu đang bị đe dọa, đó là lý do tại sao chúng tôi, những người châu Âu, cần phải vào cuộc”, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh Deutschlandfunk ngày 12.2.
Khi đến dự cuộc họp của NATO tại Brussels (Bỉ) ngày 12.2, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot tuyên bố sẽ không có nền hòa bình công bằng và bền vững ở Ukraine nếu thiếu sự tham gia của châu Âu. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Litva Dovile Sakaliene cảnh báo rằng châu Âu không nên “ảo tưởng rằng ông Trump và ông Putin sẽ tìm ra giải pháp cho tất cả chúng ta” vì đó sẽ là một “cái bẫy chết người”.
![Chiến sự Ukraine ngày 1.086: Nhiều bên tìm 'suất' ngồi vào bàn đàm phán hòa bình- Ảnh 2. Chiến sự Ukraine ngày 1.086: Nhiều bên tìm 'suất' ngồi vào bàn đàm phán hòa bình- Ảnh 2.](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1739601871_46_Nhieu-ben-tim-suat-ngoi-vao-ban-dam-phan-hoa.jpg)
Các bộ trưởng quốc phòng NATO chụp ảnh tại Brussels (Bỉ) ngày 13.2.2025
Bộ trưởng châu Âu của Ba Lan Adam Szlapka chia sẻ với Đài TVN24 mối lo ngại sau thông điệp của Tổng thống Trump. Ông Szlapka so sánh cuộc điện đàm giống như cuộc mặc cả giữa những nước lớn vào thế kỷ 19, khi họ tự thỏa thuận các điều khoản với nhau và buộc phần còn lại của thế giới tuân theo.
Tuy nhiên, không phải lãnh đạo châu Âu nào cũng phản đối kế hoạch của Tổng thống Trump. Theo Politico, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto hoan nghênh cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Nga và Mỹ, lưu ý rằng châu Âu đã phải “sống dưới bóng đêm chiến tranh suốt ba năm qua” và mọi nỗ lực tiến đến hòa bình đều đáng hoan nghênh.
Tổng thống Ukraine có đề xuất bất ngờ về lãnh thổ Nga
Trước diễn biến trên, Mỹ đã có động thái trấn an đồng minh. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth ngày 13.2 tiếp tục nhấn mạnh lập trường từ Washington về “trách nhiệm của châu Âu” trong tình hình an ninh hiện nay. Theo AFP, ông Hegseth nói các nước châu Âu cần “thức tỉnh” trước mối đe dọa cấp bách và tham gia củng cố sức mạnh toàn thể liên minh. Bộ trưởng Hegseth nhấn mạnh Tổng thống Trump là “nhà đàm phán giỏi nhất hành tinh” vì đã đưa cả Moscow và Kyiv đến bàn đàm phán để tìm kiếm hòa bình, đồng thời bác bỏ quan điểm cho rằng Mỹ đang “phản bội” Ukraine.
Về phần mình, Tổng thống Zelensky ngày 13.2 khẳng định sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận hòa bình Ukraine mà không có sự tham gia của nước này, đồng thời kêu gọi châu Âu tham gia vào các cuộc đàm phán chấm dứt cuộc chiến vốn kéo dài gần 3 năm.
Nga chuẩn bị phái đoàn sang Mỹ
![Chiến sự Ukraine ngày 1.086: Nhiều bên tìm 'suất' ngồi vào bàn đàm phán hòa bình- Ảnh 3. Chiến sự Ukraine ngày 1.086: Nhiều bên tìm 'suất' ngồi vào bàn đàm phán hòa bình- Ảnh 3.](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1739601872_254_Nhieu-ben-tim-suat-ngoi-vao-ban-dam-phan-hoa.jpg)
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov
Điện Kremlin ngày 13.2 cho biết Nga đã bắt đầu lập phái đoàn đàm phán với Mỹ về các vấn đề, trong đó có giải pháp cho cuộc chiến ở Ukraine. “Việc thành lập phái đoàn đàm phán đã bắt đầu. Ngay sau khi tổng thống đưa ra các quyết định liên quan, chúng tôi sẽ thông báo cho các bạn”, The Kyiv Independent dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov.
Ông Peskov từ chối tiết lộ liệu quan chức nào sẽ dẫn đầu phái đoàn của Nga. Vị quan chức Nga cho rằng cuộc điện đàm có ý nghĩa vô cùng quan trọng sau những gì xảy ra trong những năm qua khi không có liên hệ cấp cao giữa Nga và Mỹ.
Ông Peskov nhấn mạnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có quan điểm “phải làm mọi thứ để chấm dứt xung đột và đạt được hòa bình”. “Chúng tôi ấn tượng hơn nhiều với quan điểm của chính quyền hiện tại và chúng tôi sẵn sàng đối thoại”, theo ông Peskov.
Trên chiến trường miền đông Ukraine: Tiến bộ công nghệ Ukraine không ngăn được bộ binh Nga
Trung Quốc đề xuất tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nga?
Theo The Wall Street Journal ngày 13.2 dẫn các nguồn thạo tin, Trung Quốc đã đưa ra đề xuất tổ chức Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Trump để giúp chấm dứt xung đột tại Ukraine.
Tuy nhiên, khi được hỏi về thông tin trên tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 13.2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Khôn cho biết ông “không có thông tin nào để cung cấp”. “Trung Quốc vui mừng khi thấy Nga và Mỹ tăng cường trao đổi về một loạt các vấn đề quốc tế. Nga và Mỹ đều là những nước lớn có ảnh hưởng”, ông Quách nói thêm.
“Trung Quốc luôn tin rằng đối thoại và đàm phán là cách duy nhất khả thi để giải quyết khủng hoảng và luôn nhấn mạnh vào việc thúc đẩy hòa bình và đối thoại. Trung Quốc ủng hộ mọi nỗ lực có lợi cho việc giải quyết khủng hoảng một cách hòa bình và sẽ tiếp tục duy trì liên lạc với các bên liên quan và tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng”, theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Nguồn: https://thanhnien.vn/chien-su-ukraine-ngay-1086-nhieu-ben-tim-suat-ngoi-vao-ban-dam-phan-hoa-binh-185250213191803258.htm