TP – Điều chỉnh tổ hợp môn, giảm phương thức xét tuyển, thậm chí là bỏ xét tuyển bằng học bạ… là những thay đổi được các trường đại học gấp rút chuẩn bị cho kỳ xét tuyển đại học để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết, từ năm 2025 trường sẽ duy trì ba phương thức xét tuyển chính gồm: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT (40-50% chỉ tiêu); tổ chức và xét điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt (40-50% chỉ tiêu theo ngành); xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển (10-15% chỉ tiêu).
Như vậy, từ năm 2025, Trường ĐH Sư phạm TPHCM sẽ bỏ hình thức xét kết hợp với điểm học bạ và xét điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt do trường tổ chức. Thay vào đó, kỳ thi này sẽ sử dụng xét tuyển độc lập cho hơn 30 ngành học của trường.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại TPHCM Ảnh: Nguyễn Dũng
Tương tự, ĐH Quốc gia TPHCM từ năm 2025 cũng xác định giảm còn 3 phương thức tuyển sinh ĐH gồm: Xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức, xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT. Đồng thời, ĐH Quốc gia TPHCM khuyến khích các đơn vị xây dựng phương thức xét tuyển kết hợp. Điều này đồng nghĩa với một số phương thức đánh giá kết quả điểm học bạ THPT của học sinh sẽ không còn được sử dụng.
Trường ĐH Công thương TPHCM cũng dự định có nhiều cải tiến trong cách thức tuyển sinh năm 2025. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông trường cho hay, trường dự kiến dành từ 50-60% chỉ tiêu xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
“Đáng chú ý, trường giảm chỉ tiêu xét kết quả học tập THPT theo 5 học kỳ xuống còn 15-20% và tăng chỉ tiêu xét điểm thi đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM và điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt Trường ĐH Sư phạm TPHCM”, ông Sơn thông tin.
Trong khi đó, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Bách khoa TPHCM… dự kiến giữ ổn định các phương thức xét tuyển độc lập như năm 2024.
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho biết, với việc có thêm các môn học mới trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và khi học sinh có thể tùy chọn 2 môn bất kỳ trong 4 môn thi tốt nghiệp THPT thì việc xây dựng tổ hợp môn trong xét tuyển phải vừa đảm bảo kiến thức nền của học sinh khi vào học ĐH ở từng ngành cụ thể, vừa tương thích và phù hợp với sự lựa chọn đa dạng của học sinh.
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có nhiều thay đổi. Dự kiến tất cả thí sinh đều có thể đăng ký trực tuyến, gồm cả thí sinh tự do.
Về môn thi, mỗi thí sinh thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là ngữ văn, toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (hình thành 36 tổ hợp môn).
Xét công nhận tốt nghiệp bằng sử dụng kết quả điểm thi và kết quả đánh giá quá trình 3 năm học theo tỉ lệ 50-50; phương thức xét công nhận tốt nghiệp: kết hợp giữa kết quả thi và đánh giá quá trình.
Nguồn: https://tienphong.vn/tuyen-sinh-dh-nam-2025-nhieu-truong-dai-hoc-bo-xet-hoc-ba-post1688893.tpo