Thứ hai, Tháng Một 27, 2025
HomePháp LuậtNhìn lại những Luật được nhiều người quan tâm đã được thông...

Nhìn lại những Luật được nhiều người quan tâm đã được thông qua trong năm 2024

Trong năm 2024, số lượng Luật, Nghị quyết được Quốc hội khoá XV thông qua có số lượng nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ với 31 Luật, 42 Nghị quyết (chiếm gần 50% tổng số nhiệm vụ lập pháp đã hoàn thành từ đầu nhiệm kỳ).

Riêng tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua 18 luật, chiếm gần 1/3 tổng số luật được thông qua từ đầu nhiệm kỳ.

Với rất nhiều chính sách, nội dung quan trọng đã được thông qua, tác động đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Pháp Luật TP.HCM điểm lại những nội dung nổi bật trong những Luật được nhiều người quan tâm trong năm 2024, đã và sắp tới có hiệu lực trong năm 2025.

Khơi thông nguồn lực đất đai

Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025 sau đó được điều chỉnh có hiệu lực sớm hơn 5 tháng) cùng với đó là luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản được thông qua đã khơi thông được nguồn lực đất đai, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và bảo đảm nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả. Đồng thời, ổn định tình hình thị trường bất động sản và nhà ở phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Luật được nhiều người quan tâm
Luật đất đai 2024 được thông qua đã tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai. Ảnh: PLO

Theo đó, Luật đất đai 2024 đã bỏ quy định về khung giá đất, giá đất sẽ được định giá theo nguyên tắc thị trường. Bốn phương pháp định giá đất mới gồm: So sánh, thu nhập, thặng dư và hệ số điều chỉnh.

Hằng năm UBND cấp tỉnh xây dựng, trình HĐND cùng cấp quyết định bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 1-1-2026. Hằng năm UBND cấp tỉnh trình HĐND quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để áp dụng từ ngày 1-1 năm tiếp theo. Việc quy định việc ban hành bảng giá đất hằng năm, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để bảo đảm giá đất ban hành theo nguyên tắc thị trường.

Cạnh đó, Luật mới cũng quy định cụ thể điều kiện, thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó phân cấp toàn bộ thẩm quyền chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho HĐND cấp tỉnh.

Đối với đất đai không có giấy tờ trước 1-7-2014 cũng được xem xét cấp sổ hồng nếu như được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp.

Về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, luật mới đã nâng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất. Trong khi đó, theo luật cũ quy định hạn mức nhận chuyển QSDĐ nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất đối với mỗi loại đất. Bổ sung thêm hai quy định mới là tập trung đất nông nghiệp và tích tụ đất nông nghiệp để tạo điều kiện để nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn.

Luật riêng cho người chưa thành niên phạm tội

Luật Tư pháp người chưa thành niên được thông qua đã tạo hành lang pháp lý để quản lý, quy định đối với với người chưa thành niên phạm tội.

Luật đã quy định 16 nguyên tắc nhân văn, tiến bộ; 12 biện pháp xử lý chuyển hướng; 10 biện pháp ngăn chặn; 2 thủ tục tố tụng riêng biệt đối với người chưa thành niên (người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội; bị hại, người làm chứng); cải cách chính sách hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên theo hướng nhân văn, tiến bộ hơn…

Luật quy định thời hạn điều tra, truy tố, xét xử đối với người chưa thành niên không quá 1/2 thời hạn đối với người trưởng thành, trừ trường hợp vụ án có tính chất phức tạp.

Giảm mức phạt tù tối đa đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi còn chín năm tù, đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi còn 15 năm. Đồng thời, quy định trại giam riêng, phân trại hoặc khu giam giữ dành riêng cho người chưa thành niên là phạm nhân trong trại giam…

Đổi mới về tổ chức, nâng cao vai trò của toà án

Luật tổ chức TAND 2024 đã có những thay đổi căn bản về tổ chức bộ máy cũng như vị trí, vai trò và nhiệm vụ của hệ thống TAND.

Theo đó, Luật bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn mới đối với tòa án là xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật và giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc (giải thích về căn cứ áp dụng pháp luật, về quyền và nghĩa vụ của đương sự; giải thích về lý do hoãn hay không hoãn phiên tòa…)

Luật mới cũng đã bỏ quy định tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa và quy định toà án không có nghĩa vụ trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc mà chỉ hỗ trợ các bên đương sự trong trường hợp cần thiết.

Luật Tổ chức TAND 2024 bổ sung quy định về việc thành lập các TAND sơ thẩm chuyên biệt về Hành chính, Sở hữu trí tuệ và Phá sản.

Sửa đổi, bổ sung quy định về ngạch, bậc Thẩm phán theo hướng chỉ quy định Thẩm phán gồm hai ngạch là Thẩm phán TAND tối cao và Thẩm phán TAND (quy định cũ gồm có Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp).

Thí điểm xử lý vật chứng, tài sản khi chưa có bản án hình sự

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 15 đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

Theo đó, Nghị quyết quy định về năm biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, gồm: (1) Trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý; (2) Nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa vật chứng, tài sản; (3) Mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng; (4) Giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng; (5) Tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản…

Tạo hành lang pháp lý cho chuyển đổi số toàn diện

Luật Dữ liệu 2025 được thông qua với 6 chương, 46 điều, quy định những nội dung cơ bản về dữ liệu số; việc xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu số; trung tâm dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu số; quản lý về dữ liệu số; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu số…Tạo tiền đề và là cơ sở pháp lý để thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Infographic: 18 Luật vừa được Chủ tịch nước công bố
Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Nguồn: https://plo.vn/nhin-lai-nhung-luat-duoc-nhieu-nguoi-quan-tam-da-duoc-thong-qua-trong-nam-2024-post831787.html

PLO Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay