TP – Bạn viết trong Nam ra. Cái tiết chót thu Hà Thành như xui nguyên giục bị lắm thứ… Như đương ngồi trà lá. Trong âm thanh hỗn tạp phố phường vẫn mồn một giọng rao bán rươi như hát của một bà hàng rong.
“Nghe kỳ quá hén…”. “Gì mà kỳ với lạ? Thì cái con rươi đó…”. Ông bạn thốt lên rồi với cái dáng dáo dác, lão giục tôi đi… Mà đi đâu? Lão giọng chắc khừ giục lên phố Hàng Rươi. Bạn nói mới chợt nhớ ra? Hình như đương mùa rươi. Tháng chín đôi mươi tháng mười mồng năm.
Rươi nuôi ở Hải Dương
Báo hại bạn mình. Phố Hàng Rươi Hà thành từ năm nảo năm nao làm gì còn bán rươi. Cũng như 2/3 phố cổ có chữ “hàng” nay kinh doanh thứ khác. Hàng Rươi bên hông chợ Đồng Xuân bao năm nay bán tuyền các thứ hoa giả, hoa nhựa.
Tuyệt chẳng có nơi nào trong nội thành bày bán thứ rươi. Nhưng tôi đưa mấy lão miền Nam đang háo hức khoản rươi tươi miền Bắc vào một nhà hàng ở phố Hàng Chiếu. Nhà hàng khá bề thế. Lại như một hõm nứt ra của đoạn tường thành gối vào Ô Quan Chưởng. Thu xếp đợi chờ một hồi rồi cũng đủ chỗ ngồi.
Để ý nhà hàng này có đến nửa thực khách là Tây. Họ đương tò mò thích thú chú mục vào cái thau nhôm to tướng mà nhà hàng đang ngào rươi. Chả thấy vị nào tỏ ra ngại sợ cái đám côn trùng con xanh con đỏ đương ngọ nguậy vừa được trút, chuyền từ thùng xốp ra. Cô nhà hàng cho hay những khay xốp đựng rươi này vừa được chuyển thẳng từ Hải Dương, Hải Phòng lên.
Chả. Thứ nấu. Thứ om… Tất thảy đều từ rươi. Những thức rươi tươi qua chế biến dậy lên một mùi vị khá hấp dẫn. Nhà hàng có khoản bia tươi bia hơi Hà Nội. Nhưng hóa ra mấy lão bạn mình rất kết với cái khoản rượu trắng hạ thổ của giống nếp Kim Sơn nặng đô rất bắt miệng khi nhậu với món rươi.
Bỗng một thứ hương quen thuộc dậy lên. Đám người đang chuyền tay những bao tải từ một cái xích lô lặc lè vừa dạt vào. Để ý thì ra những bao quýt Lạng Sơn. Cái giống quýt Lạng Sơn không phải quýt ngọt thanh mà là quýt hôi. Người ta dùng vỏ là chính. Cái giống rươi thiếu chi thì thiếu nhưng dứt khoát phải có thứ vỏ quýt hôi này thì mới nổi vị.
Cái giống Kim Sơn bện quện các món rươi như đương dẫn dắt tôi về với một quá vãng rươi. Chẳng phải chợt mà là mồn một cái lần được sơ kiến giống rươi. Cũng cữ chót thu này ghé ông bạn Đoàn Văn Tuyến bạn cùng lớp Văn Tổng hợp làm ở báo Hải Hưng. Cùng với Kiên bạn báo với Tuyến nữa nhoay nhoáy xe đạp về Tứ Kỳ. Ghé nhà bạn nghèo ở quê nghèo. Nhưng thoắt như thân thuộc vì quê mình cũng tõa tượi của cái thời bao cấp khốn khó ấy.
Nhưng có thứ lạ lần đầu được thấy. Ấy là rươi. Đương đêm, Kiên thúc cả lũ dậy mò mẫm ra chân ruộng cách hai con ao nhà chỉ chục mét đi xúc rươi. Cái đèn pin trong tay Kiên như cây cọ tài hoa nhoáng nhoàng những lia, những quết mở ra vô số những bức họa bắt mắt. Tiết heo may, những khoảnh chân rạ nước thoắt trong leo lẻo. Và gì thế kia, khoảng trong vắt ấy hình như đang chao động đang sùng sục cái gì không rõ. Lại như ùng ục đùn lên những mảng màu hồng hồng. Ngó kỹ cái mảng hồng ấy là trăm là ngàn những con rươi nhỉnh hơn đầu đũa tua tủa lông như thứ rết con, con xanh con hồng trắng khi quấn lấy nhau khi tỏa ra.
Triển vọng nuôi rươi ở vùng bãi bồi
Kiên nói thứ xanh là con cái. Thứ hồng trắng là đực. Để ý khi đám rươi ấy tỏa ra, con xanh mê mải quấn lấy con hồng nom khá bắt măt. Phải gọi xúc rươi chứ chẳng phải bắt. Giá như có cái vợt. Nhưng trong tay chúng tôi chỉ có cái rổ thưa. Chỉ việc nhanh tay lùa rổ nhẹ vào cái giống nhung nhúc đang mải mê tình ái kia là đã có một vốc. Tôi thoáng nghĩ đến cái cảnh bắt ếch ở quê những đêm mưa rào. Bên những rãnh lắp xắp nước, những đôi ếch ép sát nhau, con đực bé nhưng dưới là con cái to mập, béo mầm. Trong cơn giao hoan, có dẫm lên, chúng cũng thây kệ nên rất dễ bắt. Kể cũng khốn nạn, dễ bị tóm, bị chộp bị phát hiện thường là trong hoàn cảnh tình ái? Kể cả cái giống người, nữa là rươi với ếch?
Bửng tưng mặt người đã ăm ắp một cái xô tôn tướng. Bà nội của Kiên hơn 70 lưng đã còng rạp ngó cái xô rươi nặng chịch cười móm mém tay vòng ra sau đấm đấm ý chừng như dịu đi cơn đau mỏi khẽ lầm bầm “hèn gì mấy nay cái lưng nhức nhức là. Kẻ ăn rươi, người chịu bão” Thấy là lạ nghe bà gọi rươi là lông đất là thứ giời cho cứ mỗi năm cữ “tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm” lại nổi lên. Bão là bão rươi. Cái thứ bão không trông thấy gió máy gì nhưng lặn vào người già đau nhức lắm. Ở đây yên hàn nhưng trên đồng rừng mạn bể là có gió, có mưa đấy. Kẻ ăn rươi người chịu bão là thế.
Trang bìa Tạp chí Khoa học do Nguyễn Công Tiễu chủ trương.
Cô em gái Kiên khá khéo tay. Em nhoay nhoáy các công đoạn làm món quen. Rươi nhặt sạch rác rửa sạch. Đôi đũa nhỏ thoăn thoắt thành thứ máy nghiền khiến những con rươi vàng, xanh thành một thứ như hồ loãng. Hành rau răm và mấy thứ lá thơm ngắt ngoài vườn, cô băm nhỏ ngào kỹ. Lại thêm túm vỏ quýt khô trên giàn bếp. Nhà không có mỡ. Cô lấy tấm lá chuối đặt trên cái nồi gang đổ thứ hồ loãng ấy lên. Đợi mặt dưới se se, cô lại lật lại. Mẻ rươi áp chảo không mỡ. Rồi món rươi nấu lá gấc, củ niễng. Và món rươi kho nồi đất… Qua bàn tay lam làm khéo léo ấy của em khiến những doãng cách trong bữa cơm đoàn tụ gần lại thành những cự ly ấm áp.
Hôm về, Đoàn Văn Tuyến dẫn cả bọn ghé chỗ ông Vũ Tuyên Hoàng chủ cơ ngơi Viện cây lương thực thực phẩm. Ông Hoàng vốn là chỗ quen biết của Tuyến và báo Hải Hưng. Đó là lần đầu tôi được gặp vị Viện sĩ bộn bề học vấn nhưng dung dị dễ gần. Bữa cơm trưa đãi khách ở Viện lại cũng món chả rươi nhưng được rán bằng mỡ nên dư vị có khác áp chảo lá chuối.
Ông viện sĩ đang nói về mùa rươi xứ tỉnh Đông như một chuyên gia rươi lẫn ẩm thực rươi. Bất ngờ, đang chuyện, viện sĩ Hoàng trỏ vào ông bạn Đoàn Văn Tuyến quê ở Phù Cừ kể một chuyện lạ về rươi. Chuyện một nhà khoa học, nhà nông học quê gần làng ông bạn Tuyến của tôi. Vị đó là Nguyễn Công Tiễu. Mà nhà nông học đàn anh này cùng thời với thân phụ Vũ Tuyên Hoàng, nhà văn Vũ Ngọc Phan. Hai cụ có quen biết nhau. Viện sĩ đang kể chuyện con rươi của thung thổ nhiệt đới nước Việt lần đầu tiên được nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu đưa ra trong một hội thảo khoa học quốc tế từ năm 1929!
Nhưng thời gian cứ vùn vụt. Bao thứ lãng quên cùng vô tình. Mãi khi người bạn cùng lớp Khoa văn ĐHTH Đoàn Văn Tuyến và Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng về cõi, tài liệu về sự kiện con rươi ở Hội thảo quốc tế ấy mới đến được tay tôi.
Đó là công trình có tên là Con rươi của nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu, đăng trên bán nguyệt san Khoa-hoc Tạp-chí số 2 (15.7.1931) và số 3 (1.8.1931). Đây có lẽ là bài báo khoa học đầu tiên về con rươi Hải Dương, dịch từ bản tiếng Pháp tham luận của tác giả tại Hội nghị khoa học Thái Bình Dương (Java, 1929). Tiếp cận với công trình này như nối dài nối thêm cái xuýt xoa khâm phục năm xa ấy của nhà nông học Vũ Tuyên Hoàng đối với thế hệ nông học đàn anh. Thời điểm đó Nguyễn Công Tiễu là người bản địa duy nhất được mời làm hội viên “Hội Đồng Nghiên Cứu Khoa Học ở Đông Dương” của người Pháp.
Con rươi vùng duyên hải phía Bắc, vùng Hải Dương khu vực cửa sông Thái Bình và ở những vùng có nước thủy triều lên xuống mà nước lại hơi mặn và những ruộng ở gần sông sinh sắc sống động dưới ánh nhìn khoa học của Nguyễn Công Tiễu. Những thổ nhưỡng, những tập quán sinh trưởng, thành phần dinh dưỡng… này khác đã thuyết phục các nhà khoa học thời ấy ra sao.
Tôi có cảm giác nhà xã hội học thấp thoáng trong con người trong nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu. Rằng dân An Nam họ như tiên phong trong đời sống văn minh hiện đại với thứ thức ăn bổ dưỡng lại có cả tác dụng chữa bệnh. Rằng tạo hóa đã đoái thương người xứ mình thường quanh năm tứ mùa thiếu ăn thiếu mặc, nên hằng năm cung đốn cho người nông dân nghèo đói thứ thực phẩm bổ dưỡng từ cái giống rươi ngó như thô lậu? Cái công đối ngoại, quảng bá sản vật nước Nam của nhà khoa học không nhỏ. Niềm ao ước nhỏ nhoi giản dị trong ca dao một thưở một thời Bao giờ cho đến tháng mười/ Bát cơm thì trắng bát rươi thì đầy.
Tôi đang nghĩ đến cái vị rươi cùng quýt bện quện từ thuở vời xa cách nay hơn 700 năm trong sử Đại Việt. Đại Việt sử ký toàn thư từng dẫn ra sự kiện vua Trần Nhân Tông sau chiến thắng quân Nguyên đã giữ gìn mối đoàn kết nội bộ khéo léo. Nhân việc hai viên quan cao cấp (Đinh Củng Viên- Lê Tòng Giáo) hục hặc chỉ vì một chuyện nhỏ. Vua thân gặp, ân cần “Củng Viên là Văn quan, nhà ngươi là Trung quan, có việc gì mà không hoà hợp với nhau đến thế? Nhà ngươi làm lưu thủ ở ThiênTrường, Rươi có, Quýt có, đi lại tặng biếu cho nhau để giữ hòa khí thân gần thì có hại gì?”
Mối bất hòa sau đó được cởi.
Sử còn chép một vị quan thanh liêm, một quan Ngự sử ấy là Phạm Công Trứ. Trong hơn một trăm điều từ thụ yếu quy (những điều, những thứ tuyệt đối không được nhận và có thể được) để chống nạn hối lộ, tham nhũng, chỉ có vài điều có thể “ thụ” (nhận). Tỷ như dùng sản vật địa phương, sản vật tùy từng mùa biếu tặng nhau giữa bạn bè thân thích giữa bệnh nhân với thày thuốc… Có thấp thoáng hình ảnh con rươi và trái quýt đỏ tươi của thổ ngơi, thổ nhưỡng Đại Việt!
Của giời cho cũng có hạn. Rươi bây giờ được khoanh nuôi cẩn thận như tôm cá bao năm nay đang rộ lên nạn khai thác bừa bãi. Lại thêm nạn thuốc trừ sâu, nhan nhản các loại thuốc bảo vệ thực vật lan tràn. Mà giống rươi cực kỳ nhạy cảm. Khoảng ruộng nào, khu vực nào dùng bất kỳ thứ hóa chất này là rươi biến mất.
Tôi xin trích ra đây báo cáo khoa học trong một Hội thảo khuyến nông làm giàu từ con rươi ở Hải Phòng mới đây.
…Trước đây dân ta vẫn tưởng vớt lên sau mỗi mùa nước rươi “Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm” là cả thân mình con rươi nhưng đúng ra đó chỉ là… hệ thống sinh sản của rươi.
Phần đuôi chiếm đến hai phần ba cơ thể rươi mùa giao phối bị đứt đoạn nằm dưới bùn và tự hủy để hi sinh cho hệ thống sinh sản theo con nước nổi lên như một cái phao. Với con cái, hệ thống đó gồm cả buồng trứng, con đực gồm cả túi tinh. Điều kỳ diệu là chúng vẫn di chuyển được bình thường vì có nhiều chân bơi ở hai bên và có “não” chỉ huy ở phía đầu.
…
Đáng buồn là nguồn lợi rươi đang được khai thác triệt để vào chính mùa sinh sản của chúng. Sản phẩm rươi đang sử dụng làm thực phẩm là những cá thể mang trứng. Trung bình mỗi mảnh ruộng nuôi rươi thu hoạch được từ 90-100kg với giá bán từ 4-500.000-600000/kg. Và với cái đà được giá và ưa chuộng rươi, chúng ta càng đẩy loài đặc sản này vào chỗ tuyệt chủng nếu chỉ phụ thuộc vào khai thác tự nhiên.
Nguồn: https://tienphong.vn/nho-ruoi-post1687996.tpo