Thứ bảy, Tháng Một 25, 2025
HomeThời SựNhững "cột mốc sống" nơi biên giới

Những “cột mốc sống” nơi biên giới

Giữa trưa, ở mốc biên giới 584 (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), có một người đàn ông cặm cụi chỉnh trang, lau dọn vệ sinh cho cột mốc. Đó là già làng Hồ Văn Tỉu – người con của bản Cù Bai, có 45 năm tuổi Đảng. Ông âm thầm làm công việc này bao năm qua bằng tất cả trách nhiệm của người con núi rừng nơi biên cương.

Công việc thầm lặng

Chúng tôi tháp tùng những người lính biên phòng Đồn Biên phòng Hướng Lập đi tuần tra, lên tận mốc 584. Trong đoàn có thiếu tá Hồ Văn Lừa, thượng úy Phan Thanh Vũ, thượng úy Nguyễn Đức Hoàng – Đội trưởng Đội Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Đồn Biên phòng Hướng Lập.

Cuộc thi viết về chủ quyền: Những

Già làng Hồ Văn Tỉu bên mốc quốc giới 584. Ảnh: Hồng Nhi

Già làng Hồ Văn Tỉu cũng có mặt. Cái nóng hầm hập không làm chậm bước chân của ông. Trên đường lên nương, những người đàn ông, phụ nữ cõng gùi kính cẩn chào già làng, vẫy tay chào các chiến sĩ. Đối với dân bản, hình ảnh già Tỉu cùng bộ đội biên phòng đi thăm mốc quốc giới giữa Việt Nam và nước bạn Lào đã quá quen thuộc.

Sau quãng đường dài, lội qua con suối rộng là nhìn thấy cột mốc trên đỉnh đồi, vững chãi uy nghi dưới bầu trời biên giới. Bên cột mốc thiêng liêng, già Tỉu quỳ xuống, cùng bộ đội biên phòng kính cẩn chỉnh trang, lau chùi đến không còn hạt bụi nào. Những ngón tay thô ráp quen trỉa lúa, ngô nâng niu dòng tên đất nước, khắc trên cột mốc bằng sơn đỏ.

Cuộc thi viết về chủ quyền: Những

Già làng Hồ Văn Tỉu trong một lần cùng bộ đội biên phòng Đồn Biên phòng Hướng Lập bên mốc biên giới 584

Già làng Hồ Văn Tỉu nguyên là Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hướng Lập. Ông từng cõng gạo luồn rừng, giúp bộ đội khảo sát cắm mốc biên giới. “Trên địa bàn Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sĩ. Chỉ riêng 2 nghĩa trang quốc gia có hơn 6 vạn anh hùng liệt sĩ yên nghỉ. Trong những cánh rừng kia, còn biết bao liệt sĩ đã nằm lại. Đất đai, núi rừng này đã được giữ bằng xương thịt, bằng máu của cha anh. Mỗi cột mốc chủ quyền có hồn thiêng của những người đã hy sinh vì Tổ quốc” – già Tỉu bộc bạch.

Nói về công việc âm thầm cùng bộ đội biên phòng canh giữ, bảo vệ cột mốc biên cương, già Tỉu trải lòng: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã có rất nhiều bộ đội hy sinh để giữ cho biên cương, núi rừng này được bình yên. Đồng bào Bru – Vân Kiều chúng tôi cất tiếng khóc chào đời ở đây, được núi rừng, nương rẫy chở che, nuôi sống, càng phải có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới”.

Với già Tỉu, cột mốc chủ quyền và mảnh đất biên giới quê hương như một phần cơ thể không thể tách rời. Năm tháng nối nhau, chẳng thể đếm hết những lần già Tỉu một mình vượt núi, băng đồi, qua dòng Sê Băng Hiêng và nhiều khe suối đến thăm những cột mốc giữa rừng. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường trên hệ thống đường biên, cột mốc, già Tỉu sẽ báo tin cho bộ đội biên phòng.

Dọc hành trình đi thăm cột mốc, gặp bà con đi làm rẫy, làm rừng, già Tỉu dặn dò không được khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép, càng không được khai thác, canh tác bên đất bạn. Gặp cột mốc giữa rừng phải phát quang bụi rậm xung quanh, dọn dẹp tinh tươm. Gặp người có hành động khả nghi, phải báo tin ngay cho bộ đội biên phòng.

Điểm tựa tinh thần của dân bản

Ở Tà Păng, bản xa xôi nhất của xã Hướng Lập, bước chân già làng Hồ Trung cũng mòn trên các nẻo đường biên, thăm cột mốc như thăm người thân. Là bản còn rất nhiều khó khăn nhưng Tà Păng đẹp yên bình khi dân bản cõng gùi trở về và từ những chái bếp nhà sàn tỏa lên làn khói lam chiều.

Năm 2018, khi bà con tiễn ra đầu bản, già Trung đã mang theo những bước chân lam lũ hiền lành nhưng rắn rỏi ấy của người dân Tà Păng, ra thủ đô Hà Nội tham dự chương trình “Điểm tựa của bản làng” – tôn vinh những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới trên toàn quốc.

Cuộc thi viết về chủ quyền: Những

Các chiến sĩ bộ đội biên phòng trao đổi với già làng Hồ Trung. Ảnh: HỒNG NHI

Già làng Hồ Trung biết ơn vì bà con đã nghe theo lời mình và bộ đội biên phòng khuyên nhủ. Những năm về trước, nhiều rẫy sắn, ngô tại khu vực các cột mốc 580, 581, 582 vi phạm vào hành lang an toàn thuộc quy định cấm canh tác gần đường biên, cột mốc của hai quốc gia Việt Nam – Lào. Nhờ già làng Hồ Trung vận động, giải thích bà con mới hiểu. “Thấm biết bao mồ hôi mới thành nương, rẫy; sắn, ngô mới tốt tươi. Bỏ thì tiếc lắm. Nhưng già Hồ Trung bảo máu của liệt sĩ các thế hệ đã thấm xuống mảnh đất này để đổi lấy cuộc sống yên bình của Tà Păng hôm nay, cho bà con làm nương rẫy. Bộ đội biên phòng lặn lội gian khó, để giữ biên giới hòa bình, hữu nghị” – ông Hồ Phất, dân bản Tà Păng, xúc động nhớ lại, bản thân ông và tất cả hộ dân có rẫy vi phạm tự nguyện trả lại mặt bằng, lùi khỏi khu vực cấm, luôn giữ đúng khoảng cách với đường biên, cột mốc khi canh tác.

Ở Tà Păng, già làng Hồ Trung là điểm tựa tinh thần của người dân, là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân trong các phong trào thi đua yêu nước. Trong những ngày ở thủ đô, giây phút xúc động nhất đối với già làng Hồ Trung là khi được vào Lăng viếng Bác. Trước người Cha già kính yêu, già làng nơi bản làng biên giới Tà Păng kính cẩn thầm báo với Người: Nhờ ơn Đảng, sự quan tâm của chính quyền, bộ đội, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Tà Păng ngày càng no ấm.

“Tai mắt” cho bộ đội

Trung tá Nguyễn Công Trình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hướng Lập, nói đồng bào dân tộc thiểu số rất tin tưởng, nghe theo, làm theo những già làng, như già Tỉu, già Trung. Các già làng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9-1-2015 về phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Trung tá Nguyễn Công Trình cho hay những năm qua, các già làng, thành viên của tổ tự quản đường biên, mốc giới, đã rất tích cực cùng bộ đội biên phòng Đồn Biên phòng Hướng Lập tuần tra đường biên, cột mốc, bảo vệ an ninh biên giới.

Cuộc thi viết về chủ quyền: Những

Trung tá Nguyễn Công Trình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hướng Lập, chia sẻ về những đóng góp đáng trân trọng của các già làng trong bảo vệ đường biên, cột mốc, bảo vệ trật tự an toàn nơi biên giới. Ảnh: Hà Lê

Trung tá Trình chia sẻ: “577, 578, 579 là những cột mốc xa xôi, cheo leo giữa rừng, đường đi hiểm trở; để đến được phải vượt qua nhiều dốc dựng đứng, vực sâu, thác nước. Khi đứng trước cột mốc khẳng định chủ quyền Tổ quốc, trước hai chữ Việt Nam vững chãi, ai nấy đều cảm thấy rất tự hào”. Những chuyến tuần tra, cùng hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, nguy hiểm, tình cảm giữa bộ đội biên phòng với thành viên tổ tự quản càng gắn bó keo sơn, tình quân dân ngày càng bền chặt. Cao hơn nữa, đó là tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tinh thần trách nhiệm đối với cột mốc chủ quyền và mảnh đất biên giới quê hương càng sâu đậm trong tình cảm của bà con”.

Từ những “cột mốc sống” như già Tỉu, già Trung, giờ đây, mỗi người dân trên dải đất biên giới Hướng Lập cùng nêu cao ý thức trách nhiệm, bảo vệ bình yên cho thôn bản. Người dân, đồng bào dân tộc thiểu số luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, đoàn kết bảo vệ an ninh biên giới, trở thành “tai mắt” cho bộ đội biên phòng.

“Nhờ những thông tin từ người dân, chúng tôi đã đấu tranh thành công, phá nhiều vụ án lớn, ví dụ như vụ vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam, thu giữ 46 kg ma túy đá năm 2021. Sau đó, năm 2022, trong quá trình tuần tra, kiểm soát và nhận được tin báo của người dân đã phát hiện chiếc xe Innova cùng 3 đối tượng vận chuyển gần 2.000 viên ma túy tổng hợp, chúng tôi đã bắt giữ các đối tượng cùng toàn bộ tang vật tại cầu Sê Băng Hiêng ở thôn A Xóc, xã Hướng Lập” – trung tá Trình cho biết.

Rời núi rừng xa xôi nhưng trong tâm trí chúng tôi, Pà Tăng, Cù Bai và những bản làng trên dải đất biên giới Hướng Lập vẫn thật gần gũi bởi tấm lòng mộc mạc mà sắt son của những “cột mốc sống” nơi đây. Trong chiến công triệt xóa đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam tiêu thụ, bắt 8 đối tượng quốc tịch Lào, thu giữ 100 kg ma túy tổng hợp của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị vào tháng 4-2024 và những hoạt động bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới sau này, chắc chắn có sự giúp đỡ, đóng góp của những “cột mốc sống” nơi núi rừng. 

Trung tá Nguyễn Công Trình khẳng định: “Các già làng như già làng Hồ Văn Tỉu, già làng Hồ Trung đã và đang góp phần quan trọng, chung sức với lực lượng biên phòng giữ gìn đường biên, hệ thống mốc quốc giới, bảo vệ biên cương vững chãi, bình yên bằng tất cả trách nhiệm”.

Nguồn: https://nld.com.vn/nhung-cot-moc-song-noi-bien-gioi-196240907195602407.htm

NLD Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay