Chấm dứt dạy “chay”
Vòng vèo theo con đường nhỏ, một bên bám vách núi, một bên vực sâu thăm thẳm, chúng tôi đến điểm trường mầm non Háng Á (thuộc Trường mầm non Hoa Huệ) khi nơi đây vừa phủ sóng điện thoại được một tuần.
Con đường từ xã vào đến điểm trường vừa hoàn thành sau nhiều năm địa phương mỏi mòn chờ đợi. Con đường mới, giúp bà con đi nhanh hơn, an toàn hơn, chấm dứt cảnh phải quấn xích sắt vào bánh xe chống trơn hoặc đẩy bộ nếu trời mưa gió.
Điểm trường Háng Á có hai lớp học, một lớp ghép 3-4 tuổi và lớp nữa ghép học sinh 4-5 tuổi. Mặc dù hai lớp đã được kiên cố hóa nhưng điều kiện còn vô vàn khó khăn: chưa có điện lưới quốc gia, thiếu bếp ăn, không nhà công vụ và nhà vệ sinh tạm.
Vì không có sóng điện thoại, hàng ngày các cô giáo muốn liên lạc, trao đổi công việc với bên ngoài, chỉ có hai cách: chờ đầu đường xem có ai đi qua để gửi lời nhắn hoặc mang điện thoại đến các mỏm núi xa, cách trường khoảng 3km để “hứng sóng”.
Cô Nguyễn Minh Hiền, giáo viên lớp 4-5 tuổi cho biết, lớp có khoảng 30 học sinh. Trước đây cô trò toàn dạy “chay”, nghĩa là cần dạy bài gì, cô ra hàng photo lại các hình ảnh qua giấy A3 hoặc A0, dán lên bảng cho học sinh nhìn. Cô cứ nói, trò cứ nghe nhưng việc dạy như thế thiếu hấp dẫn.
Thế nhưng một tuần nay, việc dạy học của cô trò ở đây đã khác. Trên mặt bàn ở lớp ghép 4-5 tuổi, chiếc máy tính cũ đang mở, cổng kết nối giữa máy tính và tivi sáng lập lòe theo nhịp điệu bài giảng của cô Hiền. Đôi khi các cô giáo còn sáng tạo nhân vật từ AI khiến trẻ rất thích thú.
“Trước đây chúng tôi mất cả tuần để chuẩn bị học liệu bằng giấy nhưng nay nhàn hơn. Những ngày có nắng, có điện từ pin năng lượng mặt trời, chúng tôi phát wifi từ điện thoại để lên mạng tìm hình ảnh, video, sau đó phát lên ti vi, nhanh và rất thuận tiện.
Chẳng hạn trước đây chúng tôi chỉ in được hình ảnh cây bắp cải, nhờ kho học liệu số trên mạng, bây giờ chúng tôi có thể cho học sinh biết quá trình sinh trưởng của cây ra sao. Các bài giảng phong phú, trẻ thích thú hơn”, cô Hiền nói.
Cũng theo cô giáo này, hầu hết học sinh ở đây đều ở xa điểm trường 3-4km, có em ở cách trường 7-8 km, đường đèo đi lại khó khăn. Việc vận động các em khắc phục đến trường đã khó, việc duy trì mối liên hệ giữa gia đình và nhà trường nhiều khi còn khó hơn.
“Đôi lúc chúng tôi phải để một cô quản lớp, cô còn lại chạy đến nhà xem học sinh có vấn đề gì khiến hôm đó không đến trường.
Có lần học sinh ốm nhưng không liên lạc được với gia đình, tôi ở lại trông lớp còn cô Thắm chạy 7-8km đường rừng chở con về nhà. Đến nơi không gặp ai, cô giáo đành chở học sinh đang sốt quay trở lại lớp”, cô Hiền kể lại.
“Chúng tôi từng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc”
Được biết đây là năm thứ 14 cô Hiền công tác tại điểm trường Háng Á. “Hồi mới ra trường, lần đầu tiên khoác ba lô lên đến điểm trường này, tôi khóc. Tôi gọi về cho mẹ, hỏi: “Hay con bỏ cuộc”?
Mẹ tôi, một nhà giáo, động viên con gái: “Thôi cố thử vài năm, biết đâu sau có cơ hội về gần nhà”.
“Nếu mình thất nghiệp, bố mẹ sẽ ra sao?”, nghĩ vậy, tôi dằn lòng ở lại bám bản. Không ngờ, từ bấy đến nay, tôi chưa một lần nghĩ tới chuyện bỏ việc”, cô Hiền xúc động kể lại.
Cô Tòng Thị Thắm, dân tộc Thái, năm nay 31 tuổi. Từ khi tốt nghiệp ra trường đến nay, cô Thắm bám trụ tại điểm trường này. Những năm tháng thanh xuân trong cô đong đầy kỷ niệm khó quên về trường mầm non Háng Á.
“Từ trung tâm xã vào đến điểm trường khoảng 15km nhưng nhiều khi chúng tôi đi mất cả ngày trời. Ngày mưa, chúng tôi phải quấn xích vào bánh xe máy để trèo đèo. Lắm khi tuyệt vọng, không còn sức dắt nổi xe, nước mắt tôi giàn giụa, thả tay cho xe trôi tuột xuống dốc, lòng tự nhủ: Kệ, đến đâu thì đến”, cô Thắm kể.
Những tưởng cô giáo trẻ này không đủ kiên nhẫn để bám bản, bám trường. Thế nhưng nhiều năm nay, cô luôn là giáo viên dạy giỏi cấp trường. Tỷ lệ học sinh đến lớp của trường đạt 100%.
Cũng theo cô Thắm, ngoài nỗ lực vận động học sinh đến trường 100%, học sinh ở đây đều không biết nói tiếng phổ thông, khiến các giáo viên rất khó khăn.
“Nhiều khi các con nói mình không hiểu, mình nói các con cũng không nghe ra. Đôi khi học sinh xin đi vệ sinh nhưng cô cũng không hiểu.
Cứ như vậy, cô trò từng ngày đồng hành cùng nhau. Hiện, lớp mầm non 3-4 tuổi đã biết đọc thơ hoặc trả bài bằng tiếng Kinh”, cô Thắm vui vẻ cho biết.
Được biết ngoài việc mới được phủ sóng, bản Háng Á hiện vẫn chưa có điện lưới. Điểm trường mầm non Háng Á và một số nhà dân hiếm hoi ở đây sinh hoạt nhờ tấm pin năng lượng mặt trời. Thế nhưng bằng nỗ lực vượt bậc, các cô vẫn hàng ngày mày mò, áp dụng số trong giảng dạy.
Cô Bàn Thị Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Huệ cho biết, trường có 4 điểm lẻ và một điểm chính, trong đó Háng Á là một trong những điểm lẻ xa nhất của trường. Nhà trường hiện có 246 học sinh với 23 giáo viên, quản lý.
“Các điểm trường ở đây thường rất xa, có điểm cách 17-18km nhưng các giáo viên đều năng nổ, nhiệt thành bám bản, bám lớp.
Năm học vừa qua, cả 4 giáo viên đều đạt thành tích dạy giỏi cấp trường. Riêng cô Nguyễn Minh Hiền đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm học 2023-2024. Cô Hiền đồng thời cũng là Chủ tịch Công đoàn Trường mầm non Hoa Huệ”, cô Quỳnh chia sẻ.
Cũng theo cô Quỳnh, hiện điểm trường Háng Á đang phải học ghép hai độ tuổi vì thiếu phòng học. Chưa có nhà công vụ, chưa có bếp ăn, thiếu nhà vệ sinh nên hàng ngày các giáo viên phải đi về – có cô nhà cách trường 16km đường rừng.
Chia tay điểm Trường mầm non Háng Á, xã Hồ Bốn, chúng tôi nhớ mãi lời ông Sùng A Bình, Chủ tịch UBND xã Hồ Bốn: “Đây là xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bản có 114 hộ dân, 618 nhân khẩu, trong đó 78 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo.
Nơi đây khó khăn vì chưa có điện lưới quốc gia, mới có sóng điện thoại được một tuần, giao thông các bản còn cách trở và người dân gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, phát triển kinh tế xã hội”.
Cũng với quyết tâm cao trong việc kéo gần khoảng cách, không để người dân nào bị bỏ lại phía sau, ông Trần Huy Tuấn, Bí thư tỉnh ủy Yên Bái, cho rằng mặc dù rất khó nhưng sắp tới, tỉnh sẽ cố gắng hoàn thiện đường giao thông, phấn đấu ô tô có thể vào tận nhiều địa bàn xa xôi nhất của Yên Bái.
Đặc biệt, tỉnh phấn đấu kéo điện vào vùng sâu vùng xa, từ đó người dân có điều kiện tiếp cận với sóng, để phát triển kinh tế, bảo vệ đất nước.
“Hiện toàn tỉnh có trên 3.500 hộ dân chưa được sử dụng điện lưới, 26 thôn bản “lõm” sóng do chưa có điện lưới quốc gia.
Chúng tôi kỳ vọng sắp tới, công cuộc chuyển đổi số của tỉnh sẽ triển khai hiệu quả, là cầu nối giúp bà con nhanh chóng tiếp cận được chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đặc biệt là chính quyền số”, Bí thư tỉnh ủy Yên Bái nói.
Năm 2022, Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.
Mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2025, đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/nhung-giao-vien-gieo-chu-vung-lom-song-20241213233329945.htm