Tôi nhớ khi còn nhỏ, nhiều lần phải điền những tờ khai thông tin về gia đình và thường có thông tin về công việc của bố mẹ. Tôi điền bố tôi là “bộ đội” và không biết điền thông tin của mẹ ra sao. Mẹ tôi có những khoảng thời gian chỉ làm các công việc thời vụ, hoặc ở nhà bán hàng xén. Tôi hỏi mẹ nên điền công việc gì, mẹ nói cứ điền “thất nghiệp” hoặc “không việc làm”.
Hồi nhỏ tôi vô tư điền như vậy nhưng đến khi lớn và hiểu biết hơn, tôi tự hỏi liệu có đúng là mẹ tôi không có việc làm hay không? Hay những công việc mẹ tôi và hàng triệu người phụ nữ làm thường không được ghi nhận như một công việc “chính thống”, trong khi nền kinh tế vận hành được trơn tru cũng bởi có những người như mẹ tôi đang ở phía sau để làm những công việc không được trả lương đó?
Cách đây vài năm, báo chí phản ánh câu chuyện tòa án xét xử và tuyên một người chồng phải bồi thường cho vợ sau ly hôn, vì 5 năm anh không tham gia vào việc nhà, dưới phần bình luận là hàng loạt ý kiến (có lẽ của nam giới) so đo và phân bua, ngồi tính toán ra rằng “tôi cũng sửa ống nước” hay “thỉnh thoảng tôi cũng phải đón con”, và yêu cầu “vậy tôi có được trả tiền cho việc nhà không?”.
Những bình luận trên dựa trên trải nghiệm cá nhân, trong khi vấn đề bất bình đẳng trong việc nhà là một câu chuyện phổ quát. Tôi hiểu phản ứng của nhiều người – khi đã quen với đặc quyền thì “bình đẳng” giống như việc bị tước đoạt quyền lợi.
Tổ chức Lao động Quốc tế ILO ghi nhận tại các quốc gia châu Á và Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam, phụ nữ dành thời gian gấp 4,1 lần so với nam giới cho công việc chăm sóc không được trả lương – các công việc mà nếu bạn hỏi một người phụ nữ, nhiều người sẽ nói họ không có việc làm. Những công việc không được trả lương bao gồm chăm sóc người khác, nấu ăn, dọn dẹp… Cá biệt ở một số quốc gia, phụ nữ dành thời gian nhiều hơn nam giới 11 lần trong các công việc như vậy.
Trường hợp tòa phân xử chồng bồi thường tiền cho vợ như trên chỉ là hy hữu, nhưng cũng chỉ ra được 2 điều. Thứ nhất, nhiều nam giới không nhìn ra được những đặc quyền của bản thân trong câu chuyện về những công việc không được trả lương, và cho rằng trả lương cho vợ làm việc nhà là điều phi lý.
Thứ hai, các công việc không được trả lương như vậy hoàn toàn có thể lượng hóa để chúng ta thấy được tầm quan trọng của một nền kinh tế từ các công việc không được trả lương cũng như đóng góp của phụ nữ trong khía cạnh cụ thể như việc nhà, để những người như mẹ tôi hiểu rằng, bà có “việc làm” và đó là những công việc quan trọng.
Một bài báo trên tờ New York Times đăng tải nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 ước tính, nếu phụ nữ Mỹ kiếm được mức lương tối thiểu từ các công việc chăm sóc và làm việc nhà không được trả lương, họ sẽ kiếm được tổng cộng 1,5 nghìn tỷ USD trong năm 2019. Con số tương tự ước tính trên toàn cầu là 10,9 nghìn tỷ USD. Con số này lớn hơn doanh thu của 50 công ty lớn nhất thế giới cộng lại.
Trên thực tế, nhiều phụ nữ không chỉ không được ghi nhận với những công việc không tên như vậy, mà việc phải duy trì nhiều các công việc không được trả lương bên cạnh công việc toàn thời gian sẽ gây ra những tổn hại sức khỏe.
Ngày 10/10 là ngày Quốc tế Sức khỏe tinh thần thế giới. Năm nay, chủ đề được chọn là sức khỏe tinh thần ở nơi làm việc. Công việc gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe tinh thần mỗi người, đặc biệt là phụ nữ. Một nghiên cứu công bố năm 2017 tại Anh chỉ ra rằng, ở mọi lứa tuổi, phụ nữ có tỷ lệ căng thẳng, rối loạn lo âu, trầm cảm do công việc cao hơn nam giới.
Nghiên cứu cũng cho thấy, phụ nữ có tỷ lệ căng thẳng cao hơn nam giới 53%, đặc biệt ở nhóm tuổi 35 – 44. Cứ 100.000 nam giới thì ghi nhận 1.270 trường hợp gặp các vấn đề căng thẳng vì công việc, con số này ở phụ nữ là 2.250/100.000. Đây chỉ là một trong nhiều nghiên cứu với những kết quả tương tự.
Nhiều nam giới sẽ nghĩ, “căng thẳng vì sức chịu đựng kém”, nhưng thực tế phụ nữ phải “làm việc” nhiều thời gian hơn nam giới. Khi nói “làm việc” ở đây bao gồm cả những công việc không được trả lương trong gia đình mà mỗi khi đi làm về, nhiều chị em lại phải tất tả với các công việc thường nhật như nấu ăn, giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc người già và trẻ nhỏ.
Thời gian làm việc dài tỷ lệ thuận với mức độ căng thẳng. Đó chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn tới các vấn đề tâm lý xảy ra thường xuyên hơn ở phụ nữ.
Phải dành thời gian cho việc nhà cũng ảnh hưởng đến khoảng cách thu nhập giữa nam giới và phụ nữ ở nhiều quốc gia. Phụ nữ đôi khi không thể tập trung vào các công việc toàn thời gian. Thay vào đó, họ phải đảm nhiệm các vị trí bán thời gian, thời vụ. Cùng một công việc, các vị trí bán thời gian hay thời vụ thường được trả thấp hơn so với những vị trí toàn thời gian.
Người ta thường quên đi giá trị của những công việc không được trả lương của phụ nữ cho đến khi bị ảnh hưởng. Vào ngày 24/10/1975, 90% phụ nữ Iceland từ chối nấu ăn, dọn dẹp, hay chăm sóc trẻ nhỏ. Cả nước Ireland chao đảo. Đó là khi họ nhận ra vai trò của những công việc không được trả lương của phụ nữ quan trọng thế nào. Gần 50 năm đã trôi qua, Iceland giờ đây đã trở thành một trong những quốc gia có mức độ bình đẳng giới cao nhất thế giới.
Những công việc không được trả lương không được tính vào GDP của các quốc gia, hiếm khi được ghi nhận trong sự tăng trưởng kinh tế, thường bị bỏ qua bởi các nhà kinh tế. Một phần vì không dễ để lượng hóa những công việc không tên, nhưng phần quan trọng hơn khi nhiều người vẫn coi đó là nhiệm vụ, thiên chức tự nhiên của phụ nữ.
Nói về công việc không được trả lương của phụ nữ không phải để so đo với nam giới. Nói về công việc không được trả lương của phụ nữ để chúng ta thực sự nhìn nhận những đóng góp và cả hy sinh của phụ nữ, một điều không chỉ cần được tôn vinh mà cần hơn những kế hoạch hành động để thúc đẩy bình đẳng giới.
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!
Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/nhung-nguoi-phu-nu-khong-viec-lam-20241020074555923.htm