Thứ bảy, Tháng hai 22, 2025
HomeSức KhỏeNhững thói quen giúp phòng ngừa 'thối não'

Những thói quen giúp phòng ngừa ‘thối não’

Giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội, thực hành chánh niệm, tập thể dục, đọc sách, góp phần giảm tác động tiêu cực đến tinh thần và trí não.

Brain rot – “thối não”, “hại não” hay “mục não” được Từ điển Oxford chọn làm từ của năm 2024, chỉ tình trạng suy giảm trí tuệ và sức khỏe tinh thần do xem nhiều nội dung nhỏ nhặt, độc hại trực tuyến. Theo Health, sử dụng internet và mạng xã hội quá mức có thể làm giảm trí nhớ, khả năng tập trung, chú ý, tư duy phản biện và kết nối giữa con người với nhau, là yếu tố dẫn đến suy giảm nhận thức và tăng nguy cơ lo âu, trầm cảm, sa sút trí tuệ.

Một số thói quen lành mạnh dưới đây có thể góp phần ngăn ngừa tình trạng “thối não”.

Giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội: Lướt mạng xã hội trong thời gian dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự tập trung, sức khỏe tinh thần, tăng mức độ lo âu, trầm cảm và giảm hiệu suất học tập cũng như công việc. Người trưởng thành cần giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội bằng cách đặt thời gian sử dụng thiết bị điện tử cố định, tắt thông báo từ ứng dụng mạng xã hội. Cha mẹ nên quản lý thời gian lướt mạng xã hội cũng như cách tiếp cận thiết bị điện tử của con, tránh sử dụng quá đà.

Thực hành chánh niệm: Chánh niệm là tập trung hoàn toàn vào hiện tại và quan sát suy nghĩ, cảm xúc mà không phán xét. Duy trì thực hành chánh niệm thường xuyên có thể giúp rèn luyện khả năng tập trung của bộ não, ngăn thói quen lướt mạng xã hội vô thức. Một số bài tập chánh niệm đơn giản bạn có thể thử như hít thở sâu, đi bộ chánh niệm, ăn uống chánh niệm, quét cơ thể (tập trung vào từng bộ phận trên cơ thể để nhận biết cảm giác và giảm căng thẳng).

Tập thể dục: Hoạt động thể chất giúp tăng lưu lượng máu lên não đồng thời thúc đẩy khả năng thích nghi và phát triển của não. Bạn nên tập ít nhất 150 phút hoạt động thể chất vừa phải mỗi tuần như đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe hoặc tập luyện sức mạnh.

Người dân tập thể dục ở Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Giang Huy

Người dân tập thể dục ở Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Giang Huy

Đọc sách: Đọc sách đòi hỏi sự tập trung lâu dài và kích thích não bộ tham gia vào các hoạt động nhận thức phức tạp. Người đọc sách 30 phút mỗi ngày ít có nguy cơ suy giảm nhận thức hơn người lười đọc sách. Tư duy trong khi đọc sách không chỉ cải thiện trí nhớ, khả năng hiểu mà còn góp phần giảm ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội, internet.

Kết nối xã hội trực tiếp: Thay vì dán chặt vào màn hình điện thoại, máy tính, bạn hãy dành thời gian gặp gỡ bạn bè, gia đình và tham gia các hoạt động cộng đồng. Điều này hỗ trợ xây dựng các kết nối cảm xúc, chống lại sự cô lập thường thấy khi lướt mạng xã hội.

Học kỹ năng mới: Học một kỹ năng mới như chơi nhạc cụ, học ngoại ngữ hoặc nấu ăn giúp bạn rời xa mạng xã hội. Học kỹ năng mới là một trong những cách thúc đẩy não bộ thích nghi và phát triển, cải thiện trí nhớ, khả năng giải quyết vấn đề, bảo vệ khỏi nguy cơ suy giảm nhận thức.

Tiếp xúc với thiên nhiên: Đây là cách giúp giảm căng thẳng, nâng cao tâm trạng và cải thiện nhận thức. Người lớn có thể dành 30 phút ngoài trời mỗi ngày để cải thiện hoạt động của não. Nếu bạn không có điều kiện tiếp xúc với thiên nhiên nên mua thêm cây xanh đặt vào không gian sống hoặc làm việc để hỗ trợ mang lại lợi ích cho nhận thức.

Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ giúp bộ não tự sửa chữa, củng cố trí nhớ và loại bỏ độc tố. Người lớn cần ngủ đủ 7-9 giờ mỗi đêm để bảo vệ sức khỏe não bộ. Một số cách để xây dựng thói quen ngủ lành mạnh bao gồm đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, tránh sử dụng các thiết bị điện tử ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ, giữ phòng ngủ tối, mát mẻ và yên tĩnh.

Anh Chi (Theo Health)

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn: https://vnexpress.net/nhung-thoi-quen-giup-phong-ngua-thoi-nao-4850365.html

VnExpress Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay