Cuối cùng, Phó Tổng thống Kamala Harris không bao giờ bước lên sân khấu trong bữa tiệc theo dõi đêm bầu cử tại khuôn viên trường Đại học Howard ở Washington DC. Khi người Mỹ dường như đã sẵn sàng chứng kiến cựu Tổng thống Donald Trump trở lại nắm quyền, đồng chủ tịch chiến dịch tranh cử của bà Harris, Cedric Richmond, lại xuất hiện thay thế ứng viên đảng Dân chủ.
Ông Richmond cố gắng đưa ra một thông điệp lạc quan, rằng vẫn còn nhiều phiếu bầu chưa được kiểm. Nhưng cảnh tượng này gợi nhớ đến thất bại của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton vào năm 2016, khi chủ tịch chiến dịch tranh cử của bà, chứ không phải ứng viên tổng thống, đứng ra phát biểu trước những người ủng hộ vào đêm bầu cử. Trong số này có những người phụ nữ và cô gái chờ đợi một kết quả mà nhiều người hy vọng sẽ là thời khắc lịch sử của nước Mỹ. 8 năm sau, họ vẫn đang chờ đợi.
Ông Richmond nói với đám đông ủng hộ bà Harris rằng họ sẽ không nghe thấy phó tổng thống phát biểu vào đêm bầu cử nữa. Nhưng ông cam kết bà sẽ trở lại trường để phát biểu trước những người ủng hộ – và người dân cả nước – vào ngày 6/11.
Đêm bầu cử bắt đầu với nhiều sự kỳ vọng. Bà Doreen Hogans, 50 tuổi, đã đến dự tiệc đêm theo dõi bầu cử của bà Harris tại Đại học Howard vào tối 5/11 với tâm trạng lạc quan thận trọng. Bà đưa tay vào túi, rút ra một chuỗi ngọc trai từng thuộc về người mẹ quá cố của mình. Bà nghĩ đến cảm giác của mẹ mình khi nữ phó tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ đang đứng trước thời khắc lịch sử.
Những người ủng hộ bà Harris tràn đầy hy vọng. Âm nhạc vang lên. Mọi người cùng nhau nhảy. Michele Fuller, người đã học tại Đại học Howard cùng thời điểm với bà Harris, đã vội vã tham gia sự kiện cùng một người bạn. “Cảm giác thật không thể tin được”, bà Fuller nói, người đã giúp vận động cho bà Harris ở Pennsylvania.
“Cô ấy đã làm rất tốt. Và cô ấy còn hơn cả đủ tiêu chuẩn. Tôi rất phấn khích”, bà Fuller chia sẻ.
Các sinh viên và những người ủng hộ đã đứng đầy bãi cỏ xung quanh sân khấu được dựng sẵn để bà Harris phát biểu. “Nếu bạn đã sẵn sàng tạo nên lịch sử của người da màu, hãy nói với tôi”, DJ gọi lớn.
Buổi tối trôi qua, đám đông đôi lúc ăn mừng vì nhận được tin tốt. Tiếng reo hò vang lên khi bà Harris giành chiến thắng tại bang quê nhà California. Điều này không quá bất ngờ, nhưng đã giúp thu hẹp khoảng cách phiếu bầu đại cử tri của bà so với đối thủ Donald Trump.
Nhưng bầu không khí nhanh chóng chuyển từ ăn mừng sang lo sợ. Những người tham dự bắt đầu cập nhật tin tức trên điện thoại của họ, nhìn chằm chằm vào số liệu thống kê ngày càng chỉ về hướng chiến thắng của ông Trump.
Thất bại của bà Harris ở North Carolina – bang đầu tiên trong 7 bang chiến trường – là điều khó tin, nhưng hầu như không có phản ứng nào từ đám đông, chỉ có những tiếng thở dài lo lắng.
Tuy nhiên, bầu không khí ngày càng nặng nề hơn khi kết quả kiểm phiếu không mấy khả quan với bà Harris. Nhiều người bắt đầu rời đi, trong khi những người khác tranh luận xem có nên ở lại và nghe chính phó tổng thống phát biểu hay không. Rốt cuộc, không có bài phát biểu nào từ nữ phó tổng thống.
Bầu không khí trầm lắng cũng xuất hiện ở nhiều khu vực khác, khi những người ủng hộ bà Harris tỏ ra thất vọng và tắt dần những tia hy vọng cuối cùng. Đối với những người sát cánh cùng chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Dân chủ, mọi cảm xúc dường như vỡ òa, nước mắt đã rơi khi ông Trump tuyên bố chiến thắng và sẽ “làm nên lịch sử”.
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/nuoc-mat-tiec-nuoi-cua-nguoi-ung-ho-ba-harris-20241106213626266.htm