Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể cố gắng đào thải lượng đường dư thừa khiến nước tiểu có mùi ngọt.
Mùi nước tiểu tùy thuộc vào việc cơ thể đào thải hóa chất nào. Những chất này có thể là vi khuẩn, glucose hoặc axit amin. Nếu nước tiểu có mùi ngọt hoặc mùi trái cây có thể là dấu hiệu bệnh lý, trong đó có tiểu đường.
Tăng đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu cao bất thường, cảnh báo bệnh tiểu đường type 1 và type 2. Nước tiểu của người bệnh có mùi ngọt hoặc mùi trái cây do cơ thể đang cố gắng loại bỏ lượng đường dư thừa trong máu và thải glucose qua nước tiểu. Với người chưa được chẩn đoán mắc tiểu đường, mùi nước tiểu ngọt có thể là một trong những dấu hiệu đầu tiên.
Bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến nhiễm toan ceton (DKA). DKA xảy ra khi cơ thể không có đủ glucose và phải đốt cháy chất béo để lấy năng lượng. Quá trình đốt cháy chất béo giải phóng ketone, tích tụ trong máu và làm tăng tính axit của máu. Tình trạng này có thể dẫn đến hôn mê và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Nhiễm toan ceton do tiểu đường thường gặp nhất ở bệnh nhân tiểu đường type 1, có thể chẩn đoán bằng xét nghiệm nước tiểu. Các nguyên nhân khác có thể khiến nước tiểu có mùi ngọt gồm:
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là tình trạng nhiễm trùng rất phổ biến ở hệ tiết niệu, do vi khuẩn xâm nhập niệu đạo. Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể. Do cấu tạo giải phẫu niệu đạo ngắn, phụ nữ có nhiều khả năng bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn nam giới. Một trong những dấu hiệu đầu tiên của UTI là nước tiểu có mùi mạnh hoặc ngọt. Nguyên nhân là do vi khuẩn bị đẩy vào nước tiểu. Các triệu chứng khác là buồn tiểu liên tục và cảm giác nóng rát.
Hôi miệng do suy gan (Foetor hepaticus) khiến hơi thở có mùi ngọt hoặc mốc và rất thường gặp, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến nước tiểu.
Bệnh nước tiểu mùi siro (MSUD) là rối loạn di truyền ít gặp, xảy ra ở người thừa hưởng gene đột biến từ cha hoặc mẹ. MSUD ngăn cơ thể phân hủy các axit amin, vốn cần thiết để duy trì các chức năng. Các triệu chứng phổ biến là nước tiểu có mùi ngọt như caramel hoặc siro cây phong, trẻ ăn kém, co giật, chậm phát triển. Bệnh được chẩn đoán ở trẻ sơ sinh bằng phương pháp phân tích nước tiểu, xét nghiệm di truyền và sàng lọc sơ sinh. Nếu không điều trị, MSUD có thể gây tổn thương não và hôn mê.
Các phương pháp điều trị nước tiểu có mùi ngọt phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra triệu chứng.
Bệnh tiểu đường có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm nước tiểu và máu. Phương pháp điều trị tùy vào loại tiểu đường mắc phải. Người bệnh có thể cần theo dõi lượng đường trong máu trong ngày và tiêm insulin.
Thuốc kháng sinh và các loại thuốc theo toa khác có thể là phương pháp điều trị tốt cho các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu và Foetor hepaticus.
Bác sĩ có thể chẩn đoán UTI bằng cách xét nghiệm nước tiểu và kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.
Phương pháp điều trị ngắn hạn cho MSUD là bổ sung axit amin bằng đường truyền tĩnh mạch. Người bệnh cần áp dụng chế độ ăn uống lâu dài được tư vấn bởi bác sĩ dinh dưỡng.
Phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu bằng cách đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục, lau từ trước ra sau khi đi vệ sinh, tránh thụt rửa và xịt thuốc vào âm đạo, cân nhắc tác dụng phụ của thuốc tránh thai trước khi dùng. Tập thể dục và ăn chế độ phù hợp để duy trì cân nặng khỏe mạnh, theo dõi lượng đường trong máu giúp giảm kiểm soát bệnh tiểu đường. Hạn chế rượu bia có thể phòng tránh bệnh gan.
Bệnh nước tiểu mùi siro là tình trạng di truyền. Trước khi mang thai, vợ chồng nên làm xét nghiệm di truyền để tìm gene đột biến. Nếu cả hai bạn đều mang gene này, con sinh ra có thể mắc bệnh.
Anh Ngọc (Theo Healthline)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn: https://vnexpress.net/nuoc-tieu-co-mui-ngot-canh-bao-benh-tieu-duong-4852693.html