Thứ bảy, Tháng Một 25, 2025
HomeGiải TríNuôi em học đại học đến khi sinh con, lúc mình bí...

Nuôi em học đại học đến khi sinh con, lúc mình bí tiền em không thèm gặp, tôi thấm thía “sự nuông chiều tạo ra kẻ vô ơn”

“Sự nuông chiều tạo ra kẻ vô ơn” là câu nói khá hot trên mạng dạo gần đây. Thoạt nghe, sẽ có người cho rằng nghĩ như vậy là hơi tiêu cực, vì không phải lúc nào “đòn roi cũng là tốt”. Nhưng suy cho cùng, nếu không ở trong hoàn cảnh bị chính người mình từng hết mực giúp đỡ quay lưng, chúng ta khó lòng mà hiểu được cảm giác cay đắng ấy.

Buồn thay, người chị trong câu chuyện này lại rơi vào tình cảnh như vậy. Người quay lưng với cô – không ai khác, lại chính là em gái ruột.

Tết vẫn đi làm để kiếm tiền nuôi em, chu cấp cho cả em lẫn cháu, kết cục nhận trái đắng

“Thời sinh viên, mình cày bục mặt để lo tiền ăn, tiền nhà cho mấy chị em. Em mình cả 4 năm Đại học không phải đi làm tí nào, mình thì Tết cũng ở lại đi làm thêm. Lúc em cưới, mình tặng 30 triệu. Lúc em sinh con, ở nhà không đi làm được, tháng nào mình cũng cho riêng nó 2,5 triệu. Cháu thiếu gì mình cũng mua cho hết, thỉnh thoảng còn cho thêm tiền.

Nuôi em học đại học đến khi sinh con, lúc mình bí tiền em không thèm gặp, tôi thấm thía “sự nuông chiều tạo ra kẻ vô ơn”- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Nửa đêm, vợ chồng em cãi nhau, mình phi xe máy gần 20km xuống giảng hoà.

Tới giờ, lúc mình gặp khó khăn về kinh tế, thì nó quay ra lên mặt với mình, nói trống không với mình, còn không cho mình xuống nhà nó, vì lý do mình nói to với nó trước mặt người khác!

Mình cần gom tiền nhập hàng, mình biết nó có tiền, mình hỏi vay và trả lãi 1,5 triệu/ tháng. Nó bảo đang gửi tiết kiệm, rút ra mất lãi. Tới hôm nay, mình mới nghe người khác nói là nó cho người ta vay tiền và nó nhận lãi 3%/tháng!

Cuối ngày, mình chỉ muốn than thở một chút, mong các bạn thông cảm!” – Cô viết.

Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người “rớt nước mắt” khi nghĩ tới cảm giác của cô chị. Người chị này không chỉ toàn tâm dốc sức lo cho em về mặt tài chính, mà còn hết mực giúp em vun vén đời sống vợ chồng. Không những vậy, cô cũng chẳng tiếc tiền cho cháu. Vậy mà đến cuối cùng, khi cô gặp khó khăn, em gái dù có tiền cũng không giúp đỡ chị, mà lại mang tiền cho người khác vay để tính lãi.

Người ngoài nghe chuyện thôi mà đã thấy buồn, không biết cô chị còn chạnh lòng, tủi thân đến mức nào…

“Sự nuông chiều tạo ra kẻ vô ơn, nên khi tốt với ai, dù có là người thân trong nhà, em nghĩ chị vẫn nên quan sát xem họ có biết ơn lòng tốt của chị không, hay họ lại coi việc mình giúp họ là điều hiển nhiên. Chúc chị sớm vượt qua khó khăn ạ”.

“Thương bạn. Mình luôn nghĩ có chị em gái là điều vô cùng tuyệt vời, nhưng chắc không phải ai cũng vậy.

Khi mình còn bé, nhà nghèo, 2 chị gái cũng nuông chiều, không cho mình làm gì, mà chỉ bắt tập trung học, các chị lo cho mình hết. Tới lúc mình học năm 2 Đại học, mình mới đi làm thêm. Sau này ra trường, đi làm kiếm tiền được, mình lại cố giúp anh chị lo cho các cháu. Tới lúc mình lấy chồng, sinh con, thì anh chị cũng lại hỗ trợ mình nuôi con.

Em gái bạn không biết trân trọng tình cảm, rồi sau này sẽ có lúc nó hối hận thôi. Mình cứ làm đúng, không hổ thẹn với lòng là mình thanh thản. Chúc bạn mạnh mẽ”.

Học được gì từ chia sẻ có phần đáng buồn này?

Câu chuyện của người chị phía khiến tôi nhớ đến một câu nói: “Cách tốt nhất để giúp đỡ một người đang khó khăn, không phải là cho họ con cá, mà hãy tặng họ chiếc cần câu”.

Tiền bạc vốn đã là chuyện khó nói, đặt nó vào vấn đề tình cảm lại càng khó phân định đúng – sai. Chị em trong gia đình có thể giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau nhưng về lâu về dài, mỗi người cũng sẽ có cuộc sống riêng, gia đình riêng.

Nuôi em học đại học đến khi sinh con, lúc mình bí tiền em không thèm gặp, tôi thấm thía “sự nuông chiều tạo ra kẻ vô ơn”- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

“Chiếc cần câu” trong hoàn cảnh này chính là nên làm sao để ổn định, độc lập tài chính và lâu dài hơn là an tâm tài chính.

Hành trình đạt được những điều đó nên bắt đầu bằng thứ cơ bản nhất: Có kiến thức về tiền bạc. Bởi nếu không có kiến thức, dù có tiền trong tay, cũng chưa chắc đã giữ được.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra: Nỗ lực tìm hiểu kiến thức về tiền bạc có thể cải thiện tình hình tài chính một người.

Lusardi – Thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Stanford (Mỹ) khẳng định: “Việc hiểu biết về tài chính có vai trò vô cùng quan trọng.

Chỉ số Tài chính Cá nhân của Viện TIAA-GFLEC, được thực hiện hàng năm kể từ năm 2017, bao gồm các câu hỏi để đánh giá kiến thức tài chính cơ bản của người trả lời cũng như các câu hỏi về thói quen tiền bạc và hạnh phúc cá nhân của họ.

Kết quả cho thấy người tiêu dùng đạt điểm cao trong các câu hỏi về kiến thức tài chính ít gặp khó khăn hơn so với những người có điểm thấp khi gặp khó khăn trong việc trang trải cuộc sống trong một tháng” .

Hensley – Chuyên gia tại Quỹ Giáo dục Tài chính (Mỹ) nhận định: Mọi người có xu hướng áp dụng nhanh các kiến thức tài chính mới tìm được, mà không tự tìm hiểu và xác minh thông tin, xem kiến thức đó có đúng hay không. Điều này khá tai hại.

Hensley nói: “Hành động hay sự tự tin đều cần đi kèm sự hiểu biết, đặc biệt là với các khoản đầu tư hay các khoản chi lớn”.

Sau đó, bà chỉ ra 3 bước mà một người nên làm để bổ sung kiến thức tài chính vào kho tàng hiểu biết của mình.

Nói về tiền bạc: Bạn nên trò chuyện với bạn bè, người thân (bố mẹ, bạn đời) về chuyện tiền bạc nói chung. Thời điểm bạn bắt đầu cởi mở nói chuyện với người khác về các quyết định tài chính, những điều bạn đang băn khoăn trong chủ đề tiền bạc,… là biểu hiện đầu tiên của việc cởi mở tiếp thu kiến thức tài chính. Sự cởi mở học hỏi là yếu tố rất quan trọng. Bạn không thể học tốt nếu trong đầu bạn đang giữ quá nhiều định kiến.

Tìm kiếm lời khuyên: Nhiều người cho rằng hiểu biết về tài chính có nghĩa là tự mình phải tìm hiểu mọi thứ nhưng đây là quan niệm sai lầm theo quan điểm của Hensley. Bạn cần biết tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp, hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người thành công trong vòng tròn mối quan hệ hiện có. Việc này có thể giúp bạn trau dồi kiến thức, kinh nghiệm và tiến bộ nhanh hơn so với việc tự mày mò.

Lập kế hoạch: Đây là bước bạn áp dụng các lời khuyên/kiến thức tài chính bản thân đã học được vào thực tiễn. Bạn cần đặt ra một mốc thời gian và các bước cụ thể để giải quyết vấn đề tài chính của bản thân, ví dụ như kế hoạch trả nợ, kế hoạch tiết kiệm theo tháng/quý/năm,…

Nguồn: https://kenh14.vn/nuoi-em-hoc-dai-hoc-den-khi-sinh-con-luc-minh-bi-tien-em-khong-them-gap-toi-tham-thia-su-nuong-chieu-tao-ra-ke-vo-on-215250116112154347.chn

Kenh14 Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay