Rút tiền đúng mục đích, nhưng sai quy trình
Vào ngày 2 tháng 4 năm 2025, tại tỉnh Giang Tây (Trung Quốc), một sự việc gây tranh cãi lớn trong cộng đồng mạng: ông Đường, một người đàn ông lớn tuổi, đến ngân hàng rút 650.000 NDT (khoảng 2,3 tỷ đồng) từ tài khoản tiết kiệm của vợ quá cố. Tuy nhiên, sau giao dịch, ngân hàng yêu cầu hoàn trả số tiền và báo cảnh sát với cáo buộc “chiếm đoạt tài sản”.
Theo thông tin được tiết lộ, khoản tiền tiết kiệm nói trên được ông Đường rút ra với mục đích hỗ trợ cháu trai mua nhà. Cháu trai ông, năm nay 28 tuổi, từng có hai mối quan hệ nghiêm túc nhưng đều chấm dứt do không đáp ứng được điều kiện nhà ở – yếu tố được nhiều gia đình coi trọng khi tiến tới hôn nhân. Khi người cháu đưa bạn gái hiện tại – một giáo viên tiểu học về ra mắt, cả gia đình nhìn chung đều đồng thuận, nhưng việc chưa có nhà riêng tiếp tục là trở ngại lớn.
Trước hoàn cảnh đó, ông Đường quyết định sử dụng toàn bộ số tiền tiết kiệm đứng tên vợ quá cố để hỗ trợ cháu trai có điều kiện ổn định cuộc sống hôn nhân. Quyết định này ban đầu không nhận được sự đồng tình từ con trai và một số thành viên trong gia đình, do đây là khoản tiền lương hưu ông tích góp suốt nhiều năm. Tuy nhiên, ông cho rằng bản thân vẫn còn đủ sức khỏe, không cần dùng đến toàn bộ số tiền, và cho rằng gia đình sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ nếu cần. Sau đó, ông cùng người thân đến ngân hàng và thực hiện thành công việc rút toàn bộ số tiền.

Ảnh minh họa
Sự việc bất ngờ xảy ra chỉ một ngày sau khi rút tiền. Ngân hàng liên hệ và yêu cầu ông Đường hoàn trả toàn bộ khoản tiền đã rút. Đến ngày thứ ba, cơ quan công an đến trực tiếp tại nhà, thông báo ông đang bị điều tra với nghi vấn chiếm đoạt tài sản – cụ thể là khoản tiền đứng tên người vợ quá cố.
Lúc này, ông Đường cảm thấy bất ngờ và cho rằng khoản tiền trên là tài sản chung của hai vợ chồng trong suốt thời gian hôn nhân hợp pháp. Ông không hiểu lý do việc sử dụng khoản tiền đó lại bị xem là vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, theo giải thích từ phía ngân hàng, tài khoản tiết kiệm đứng tên riêng người vợ – người đã qua đời nên toàn bộ số tiền trong tài khoản được pháp luật xác định là di sản thừa kế. Việc rút tiền mà không thực hiện các thủ tục thừa kế là hành vi không tuân thủ quy định hiện hành.
Cán bộ ngân hàng cũng cho biết thêm, trong quá trình giao dịch, ông Đường không khai báo việc chủ tài khoản đã mất, nên phía ngân hàng không thể biết để áp dụng quy trình xử lý phù hợp đối với tài sản thừa kế. Vì vậy, theo quy định, ông buộc phải hoàn trả khoản tiền đã rút và tiến hành thủ tục công chứng thừa kế, có sự đồng thuận của các bên liên quan, trước khi được phép sử dụng lại.
Phía cơ quan công an cũng đưa ra lập trường rõ ràng. Việc xác minh được tiến hành không nhằm mục đích hình sự hóa hành vi của ông Đường, mà để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của tất cả các cá nhân có thể liên quan đến tài sản thuộc diện thừa kế.
Dù ông và người vợ đã có quan hệ hôn nhân hợp pháp, song sau khi bà qua đời, tài sản đứng tên riêng của bà thuộc quyền sở hữu chung của các thừa kế theo quy định pháp luật. Việc tự ý rút tiền mà không có xác nhận từ các đồng thừa kế là không phù hợp với trình tự pháp lý hiện hành.
Bài học đắt giá từ 1 tình huống tưởng đơn giản

Ảnh minh hoạ
Sau khi được luật sư và cơ quan chức năng giải thích, ông Đường hiểu rằng dù là vợ chồng hợp pháp, nhưng khi một bên qua đời, tài sản đứng tên riêng người mất được xem là di sản thừa kế. Việc sử dụng khoản tiền này cần thực hiện đúng quy trình pháp lý, bao gồm công chứng di sản và có sự đồng thuận bằng văn bản của tất cả những người thừa kế hợp pháp.
Ông Đường cho rằng gia đình đã thống nhất bằng lời việc rút tiền giúp cháu trai mua nhà. Tuy nhiên, theo luật sư, “sự đồng thuận bằng miệng” không có giá trị pháp lý. Trong trường hợp không có giấy tờ xác nhận, hành vi rút tiền có thể bị xem là xâm phạm tài sản nếu có khiếu nại từ các thừa kế khác.
Ngân hàng sau đó yêu cầu ông Đường hoàn trả số tiền đã rút và phối hợp làm thủ tục thừa kế. Gia đình ông đồng thuận, ký xác nhận và hoàn tất các bước theo đúng quy định. Sau đó, ông mới được rút tiền để hỗ trợ cháu trai mua nhà.
Sự việc khiến ông Đường và gia đình nhận ra tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật trong xử lý tài sản thừa kế. Ông thừa nhận nhiều người lớn tuổi, trong đó có ông, thường nhầm lẫn giữa “tài sản chung” và “quyền sở hữu hợp pháp”.
Vụ việc cũng là lời nhắc cho cộng đồng rằng quan hệ tình cảm không thể thay thế thủ tục pháp lý. Việc hiểu và làm đúng quy định không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi cá nhân mà còn giữ gìn sự minh bạch, công bằng trong gia đình.
Theo Baidu
Nguồn: https://kenh14.vn/vo-qua-doi-cu-ong-rut-23-ty-dong-tien-tiet-kiem-chung-mua-nha-cho-chau-1-ngay-sau-ngan-hang-bao-ong-dang-chiem-doat-tai-san-phai-hoan-tra-ngay-215250408143807317.chn