BYD – nhà sản xuất ôtô điện Trung Quốc đàm phán để lập nhóm bán tín chỉ carbon tại châu Âu, bên cạnh hai nhóm của Tesla và Polestar.
Thông tin được ông Alfredo Altavilla, cố vấn đặc biệt của BYD tại châu Âu nói hôm 10/2. Lập nhóm bán tín chỉ carbon là giải pháp cộng gộp phát thải giữa các hãng xe thành viên, trong đó nhà sản xuất xe xăng có thể mua tín chỉ từ hãng ôtô điện để bù trừ lượng khí thải vượt ngưỡng quy định tại châu Âu. Các nhóm này cần báo cáo lên Ủy ban châu Âu trước 31/12 hàng năm.
Một khách hàng đứng bên chiếc xe BYD ATTO 3 của ông, đỗ bên chiếc Volkswagen tại miền nam Tokyo, Nhật Bản, ngày 25/2/2023. Ảnh: AP
Tín chỉ carbon (carbon credit) là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.
Hiện châu Âu có hai nhóm cộng gộp. Một gồm Tesla, Stellantis, Toyota, Ford, Mazda, Subaru. Nhóm khác có Polestar, Mercedes, Volvo Cars và Smart. Trong đó, Polestar và Volvo đều thuộc sở hữu của Geely, từ Trung Quốc.
Các hãng xe điện Trung Quốc có thể hưởng lợi khi loạt doanh nghiệp ôtô truyền thống tại châu Âu cố gắng tránh khoản phạt tiềm ẩn do không đáp ứng được quy chuẩn khí thải siết mạnh tại khu vực này.
Năm nay, EU dự kiến tiếp tục siết quy chuẩn phát thải với ôtô xuống 93,6g CO2 trên mỗi km, giảm gần 24% so với giai đoạn 2019-2023.
Trong 10 hãng xe lớn nhất thế giới (trừ Tesla), 9 nhà sản xuất không đạt tiêu chuẩn này, theo chuyên trang Carbon Credits. BMW, Kia, Stellantis cần cắt giảm 9–11%. Trong đó, các xe Volkswagen và Ford cách ngưỡng quy định xa nhất, ở mức 21%.
Dữ liệu phát thải của 10 hãng xe lớn nhất thế giới (trừ Tesla) và ngưỡng quy định năm 2025. Nguồn:Carbon Credits
Theo tính toán từ bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Barclays, hãng xe phát thải lớn nhất Volkswagen có thể phải chịu mức phạt lên tới 6 tỷ EUR nếu không giảm thải nhanh.
Giới phân tích cho rằng Volkswagen và Renault sẽ phải vật lộn để đạt được mục tiêu giảm phát thải. Những doanh nghiệp này có ít lựa chọn hợp tác ngoài các nhà sản xuất Trung Quốc là MG-SAIC và BYD. Renault cũng có khả năng hợp tác với các đối tác chiến lược Nissan và Mitsubishi.
Nhu cầu về tín chỉ carbon xe điện được dự báo tiếp tục tăng bởi các quy định ngày càng nghiêm ngặt từ EU, trong lộ trình tiến tới phát thải bằng 0 từ phương tiện giao thông vào 2035. Năm ngoái, Tesla đã bán được gần 3 tỷ USD tín chỉ carbon, gấp rưỡi so với năm tài chính 2023.
Tuy nhiên, việc gộp nhóm đang gây tranh cãi, theo Financial Times. Một số lãnh đạo hãng xe cảnh báo các thỏa thuận nói trên sẽ khiến ngành công nghiệp châu Âu kém cạnh tranh hơn bằng cách trao quyền cho đối thủ ở Trung Quốc.
Trong khi đó, cơ quan chức năng khu vực này nỗ lực bảo hộ ngành công nghiệp ôtô trong khối bằng việc áp mức thuế tới 45,3% lên xe điện Trung Quốc từ cuối năm ngoái. Động thái này đưa ra trước lo ngại ôtô điện từ nước này sẽ “tràn” châu Âu.
Bảo Bảo (theo Reuters, Financial Times)
Nguồn: https://vnexpress.net/ong-lon-xe-dien-trung-quoc-muon-ban-tin-chi-carbon-tai-eu-4848161.html