Cô Lý năm nay 65 tuổi, đang sống ở tòa chung cư cũ tại thành phố Bắc Kinh hơn 30 năm. Cô sống ở tầng cao nhất. Cô và chồng đều có sức khỏe kém. Chồng của cô bị teo tiểu não, đi loạng choạng nên cô phải túc trực bên cạnh chú suốt ngày. Khu nhà của cô Lý đã cũ nên không có thang máy, cũng vì thế mỗi lần hai vợ chồng già di chuyển đều rất khó khăn.
Nhìn thấy tình hình này, con trai của cô Lý cảm thấy rất đau khổ nên đã nghĩ đến việc đưa cha mẹ đi nơi khác. Nhưng điều kiện kinh tế gia đình có hạn, không đủ khả năng mua nhà mới nên họ đành phải từ bỏ.
Năm 2017, nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã ban hành chính sách hỗ trợ lắp đặt thang máy tại các khu dân cư cũ. Tuy nhiên, việc lắp đặt thang máy không hề đơn giản. Trước tiên, cần đảm bảo rằng kết cấu tòa nhà đủ vững chắc để chịu được trọng lượng của thang máy. Bên cạnh đó, quyết định lắp đặt còn phải nhận được sự đồng thuận của toàn bộ cư dân, bao gồm cả những người sống ở tầng thấp nhất.
![Chung cư lắp đặt thang máy nhưng cư dân tầng 1 đòi bồi thường 3,5 tỷ, luật sư nói: Ông ta đã làm đúng!- Ảnh 1. Chung cư lắp đặt thang máy nhưng cư dân tầng 1 đòi bồi thường 3,5 tỷ, luật sư nói: Ông ta đã làm đúng!- Ảnh 1.](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/Ong-ta-da-lam-dung.jpeg)
Khu dân cư nơi cô Lý sinh sống đã tồn tại 30 năm, nhưng kết cấu tòa nhà vẫn khá vững chắc. Sau khi được chuyên gia đánh giá và xác nhận đủ điều kiện lắp đặt thang máy, cô Lý vô cùng vui mừng vì cuối cùng bà không còn phải lo lắng về việc lên xuống cầu thang nữa. Khi cô Lý trò chuyện với hàng xóm, ai nấy đều háo hức, đặc biệt là người cao tuổi và những gia đình có trẻ nhỏ – những người mong muốn cải thiện việc di chuyển bằng cách lắp thang máy.
“Muốn lắp thang máy thì phải bồi thường cho tôi”
Đúng lúc mọi người đang hào hứng bàn luận về việc lắp đặt thang máy, một trở ngại bất ngờ đã xuất hiện. Là một trong những bước quan trọng của quá trình lắp đặt, ý kiến của cư dân tầng một có vai trò quyết định. Và cộng đồng nơi cô Lý sinh sống cũng không tránh khỏi vấn đề nan giải này.
Chú Vương, một công nhân đã nghỉ hưu sống ở tầng một, vốn không phải lo lắng về việc leo cầu thang và có thể dễ dàng ra vào nhà. Căn hộ của chú có ánh sáng và thông gió tốt, mang lại cảm giác thoải mái. Tuy nhiên, nếu lắp đặt thang máy, điều đó có thể thay đổi hoàn toàn. Nhà chú nằm ngay cạnh hố thang máy, khiến chú lo ngại rằng việc lắp đặt sẽ ảnh hưởng đến ánh sáng, thông gió, thậm chí làm giảm giá trị căn hộ.
Vì vậy, trong cuộc họp với ban quản lý tòa nhà, chú Vương kiên quyết tuyên bố: “Nếu muốn lắp thang máy, tôi phải có đền bù. Tôi đã tham khảo một công ty bất động sản gần đây, sau khi lắp đặt, giá trị căn hộ của tôi có thể giảm khoảng 10%. Do đó, khoản bồi thường kinh tế 1 triệu tệ (~3,5 tỷ đồng) là điều không thể tránh khỏi”. Cô Lý và những hàng xóm ủng hộ việc lắp thang máy cảm thấy vô cùng khó xử.
Ai cũng hiểu được nỗi lo lắng của cư dân tầng một — việc sống gần hố thang máy có thể ảnh hưởng đến ánh sáng, tiếng ồn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, yêu cầu bồi thường 1 triệu tệ của chú Vương bị cho là quá đáng. “Chúng tôi đều cần thang máy và hiểu những lo ngại của họ, nhưng mức bồi thường này thực sự vượt quá khả năng,” một người hàng xóm bất lực than thở.
![Chung cư lắp đặt thang máy nhưng cư dân tầng 1 đòi bồi thường 3,5 tỷ, luật sư nói: Ông ta đã làm đúng!- Ảnh 2. Chung cư lắp đặt thang máy nhưng cư dân tầng 1 đòi bồi thường 3,5 tỷ, luật sư nói: Ông ta đã làm đúng!- Ảnh 2.](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1739876186_869_Ong-ta-da-lam-dung.jpeg)
Chú Vương yêu cầu phải được bồi thường 1 triệu tệ thì chung cư mới được lắp thêm thang máy (Ảnh minh họa).
Khi ngày càng nhiều tòa nhà khác trong khu dân cư được lắp thang máy, sự sốt ruột của mọi người cũng tăng lên. Hàng xóm bắt đầu thay nhau thuyết phục chú Vương. Nhưng tiếc thay, mỗi khi ra cửa, chú Vương đều tỏ rõ thái độ “Tôi sẽ không nghe đâu” hoặc thẳng thừng đóng cửa lại.
Dần dần, mọi người nhận ra rằng dù có cố gắng thuyết phục đến đâu, chú Vương vẫn không chịu nhượng bộ. Thậm chí, sau mỗi lần trao đổi, lập trường của chú lại càng trở nên cứng rắn hơn. Chú khẳng định: “Lắp thang máy giúp các bạn sống thuận tiện hơn, nhưng nhà của tôi thì sao? Các bạn không thể dùng đạo đức để ép buộc tôi. Tôi cần một khoản bồi thường hợp lý.” Chú đã có con số trong đầu và không chấp nhận bất kỳ sự thỏa hiệp nào. Điều này khiến ban quản lý tòa nhà và các cư dân khác dần mất kiên nhẫn, ai cũng bắt đầu tự hỏi khi nào vấn đề này mới được giải quyết.
Không còn lựa chọn nào khác, ban quan lý tòa nhà phải tìm một luật sư để tìm cách giải quyết vấn đề này theo góc độ pháp lý.
Luật sư nói gì?
Luật sự giải thích: “Theo quy định hiện hành, việc lắp đặt thang máy được coi là một phần của quá trình cải tạo công trình công cộng, do đó cần đảm bảo quyền lợi của tất cả cư dân, đặc biệt là những người sống ở tầng thấp”. Cũng vì thế, việc chú Vương đòi bồi thường 1 triệu tệ không có gì là sai.
Mặc dù mức bồi thường mà chú Vương đưa ra có vẻ cao, nhưng theo luật sư, vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết thông qua đàm phán. Điều quan trọng là số tiền bồi thường có hợp lý hay không phải dựa trên tác động thực tế. Nếu việc lắp đặt thang máy thực sự ảnh hưởng đáng kể đến ánh sáng và thông gió của căn hộ, thì một khoản đền bù hợp lý là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, mức bồi thường đó cần dựa trên đánh giá khách quan, chứ không thể chỉ phụ thuộc vào cảm tính cá nhân.
Luật sư cũng nhấn mạnh một điểm quan trọng: “Theo luật, việc lắp đặt thang máy là một sự thay đổi đối với tiện ích chung, do đó cần có sự đồng thuận của tất cả chủ sở hữu. Tuy nhiên, ngay cả khi chú Vương không đồng ý, chú cũng không thể đơn phương cản trở quyền hợp pháp của những cư dân khác. Vì vậy, cộng đồng dân cư có thể cân nhắc sử dụng biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình.”
Nguồn: https://kenh14.vn/chung-cu-lap-dat-thang-may-nhung-cu-dan-tang-1-doi-boi-thuong-35-ty-luat-su-noi-ong-ta-da-lam-dung-215250217201000985.chn