Thứ sáu, Tháng hai 7, 2025
HomePháp Luật'Ông trùm' web Fmovies sao chép, đăng tải phim lậu kiếm hàng...

‘Ông trùm’ web Fmovies sao chép, đăng tải phim lậu kiếm hàng trăm nghìn USD quảng cáo ra sao?

'Ông trùm' web Fmovies sao chép, đăng tải phim lậu kiếm tiền quảng cáo ra sao? - Ảnh 1.

Bị can Phan Thành Công làm việc với công an – Ảnh: Công an cung cấp

Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố Phan Thành Công (35 tuổi) và Nguyễn Tuấn Anh (35 tuổi, cùng trú Hà Đông, Hà Nội) về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Lập trang web Fmovies phát phim lậu để kiếm tiền quảng cáo

Theo cáo trạng, vụ án bắt nguồn từ việc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội nhận được đơn của Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Rouse Việt Nam (là đơn vị được ủy quyền và thực thi quyền tại Việt Nam của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ – MPA) tố giác nhóm các website Fmovies có hành vi sao chép, phân phối bất hợp pháp 30 tác phẩm điện ảnh của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ – MPA được bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam.

Quá trình điều tra xác định Phan Thành Công và Nguyễn Tuấn Anh quen biết nhau từ năm 2008.

Khoảng tháng 9-2015, Công, Tuấn Anh bàn bạc, thống nhất tạo lập hệ thống website Fmovies trình chiếu miễn phí các phim do nước ngoài sản xuất. Việc này nhằm thu hút lượng người dùng trên toàn thế giới xem phim, chèn quảng cáo của các công ty quảng cáo nước ngoài.

Khi người dùng muốn xem phim trên hệ thống website Fmovies thì phải xem quảng cáo của Công ty quảng cáo MGID (có trụ sở nước ngoài). Công ty này trả tiền quảng cáo cho Công, Tuấn Anh.

Cáo trạng thể hiện hai bị can đã phân công nhiệm vụ cho nhau. Trong đó, Công là người lập trình, quản lý, điều hành hệ thống website Fmovies, trực tiếp liên hệ, cung cấp thông tin, nhận tiền quảng cáo với Công ty MGID.

Công còn mua tài khoản Google Drive của Công ty Google nước ngoài, lập các tài khoản nhân viên.

Công sau đó sử dụng máy tính cá nhân để quản lý, điều hành hệ thống website Fmovies thông qua tài khoản quản trị “admin”.

Khi đăng nhập vào tài khoản quản trị này, Công sẽ theo dõi được số lượng phim, tình trạng phim, thời gian đăng tải phim, số lượng người đã xem phim trên website Fmovies.

Trong khi đó, Tuấn Anh có nhiệm vụ vào đường dẫn tìm kiếm, sao chép, tải phim về đăng tải lên hệ thống website Fmovies.

Cơ quan công tố cáo buộc Công và Tuấn Anh thỏa thuận Công được hưởng 90%, Tuấn Anh được hưởng 10% trên tổng số tiền quảng cáo nhận được hằng tháng từ Công ty quảng cáo MGID.

“Mặc dù biết việc sao chép, đăng tải, phân phối trái phép các phim đang được bảo hộ là vi phạm pháp luật nhưng do hám lợi nên từ tháng 9-2015 đến tháng 5-2022, Công, Tuấn Anh đã sao chép, đăng tải trái phép 30 tác phẩm điện ảnh của các hãng phim được bảo hộ bởi Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ – MPA”, cáo trạng thể hiện.

Để tránh sự phát hiện, ngăn chặn của các cơ quan quản lý tại Việt Nam và nước ngoài, Công đã lập hệ thống website Fmovies bao gồm: 1 website chính và các website phụ.

Do các tác phẩm điện ảnh mà Tuấn Anh sao chép, đăng trái phép lên website Fmovies không có phụ đề nên Công vào các trang website chia sẻ phụ đề sau đó sao chép phụ đề tiếng Anh đối với các bộ phim đã đăng tải.

Sau khi sao chép được phụ đề tiếng Anh, Công thuê người dịch từ tiếng Anh sang các tiếng nước khác.

Công sử dụng các bản dịch này gắn vào các phim đang được trình chiếu trên hệ thống website Fmovies để thu hút người xem trên toàn thế giới.

Kiếm lợi hơn 400.000 USD tiền quảng cáo từ phim lậu

Cơ quan tố tụng xác định từ tháng 8-2016 đến nay, tổng số tiền quảng cáo mà Công đã nhận được do Công ty MGID trả là hơn 400.000 USD. 

Số tiền Công hưởng lợi từ việc sao chép, trình chiếu trái phép 30 tác phẩm điện ảnh của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ – MPA trên là 405 triệu đồng.

Công chia cho Tuấn Anh 40,5 triệu đồng, còn lại Công hưởng lợi 364,5 triệu đồng. Quá trình điều tra, Phan Thành Công, Nguyễn Tuấn Anh đã nộp lại toàn bộ số tiền đã hưởng lợi.

Trong số 30 tác phẩm điện ảnh bị sao chép nói trên, cơ quan tố tụng mới xác định được 17 tác phẩm (của Công ty Disney Enterprises và Công ty Paramount Picture thuộc Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ) bị Công và Tuấn Anh sao chép, đăng tải, phân phối trái phép cho Công ty cổ phần Galaxy Play, Công ty trách nhiệm hữu hạn truyền hình số vệ tinh Việt Nam và Công ty ITB TV LTD, gây thiệt hại trị giá hơn 920 triệu đồng.

Đối với 13 tác phẩm còn lại, cơ quan điều tra đã có văn bản yêu cầu Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ cung cấp thông tin về giá chuyển nhượng quyền phân phối các tác phẩm điện ảnh trên tại Việt Nam (để xác định giá trị thiệt hại).

Tuy nhiên, đến nay Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ không cung cấp được thông tin về giá chuyển nhượng quyền phân phối các tác phẩm điện ảnh trên tại Việt Nam nên cơ quan điều tra không có căn cứ xử lý.

Tháng 7-2024, toàn bộ hệ thống website Fmovies đã dừng hoạt động do Công không trả tiền cho đơn vị cung cấp máy chủ (server) để vận hành hệ thống website Fmovies có trụ sở tại nước ngoài.

Nguồn: https://tuoitre.vn/ong-trum-web-fmovies-sao-chep-dang-tai-phim-lau-kiem-hang-tram-nghin-usd-quang-cao-ra-sao-20250207151729043.htm

TuoiTre Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay