Tiến sĩ trẻ với niềm đam mê nghiên cứu kinh tế – xã hội
Chia sẻ về cảm xúc khi là tiến sĩ trẻ tuổi thành công tại Mỹ, anh Phạm Minh Thành (Hà Nội) bộc bạch: “Tôi tự hào vì bản thân có thể hoàn thành được mục tiêu mà mình đặt ra. Con đường tôi lựa chọn và những nỗ lực trong hành trình ấy đã gặt hái nhiều kết quả thành công, nhưng điều làm tôi trân trọng nhất chính là quá trình cố gắng và trưởng thành hơn mỗi ngày.
Thời gian học và làm nghiên cứu sinh cũng đã cho tôi cơ hội được gặp gỡ, biết đến nhiều người bạn xuất chúng hơn mình. Tấm gương của họ đã cho tôi thấy thành công chỉ là khởi đầu của một hành trình. Chúng ta cần cố gắng để nâng cao hiểu biết, kỹ năng của bản thân hơn nữa”.
Năm 2012, Minh Thành quyết định theo học tại Đại học Binghamton (Mỹ). Trong giai đoạn này vì chưa có định hướng rõ ràng về sự nghiệp, anh đã chọn theo học ngành kinh tế – một ngành học khá phổ biến và được nhiều sinh viên quan tâm lúc bấy giờ.
“Ngay từ ban đầu, việc chọn ngành kinh tế dường như chỉ là một quyết định ngẫu nhiên. Nhưng càng về sau, tôi nhận ra đó lại là một lựa chọn sáng suốt. Quá trình học tập đã dần khơi gợi trong tôi niềm đam mê tìm hiểu sâu hơn khía cạnh kinh tế của các vấn đề xã hội.
Từ việc bản chất của kinh tế là hành vi con người trước những nguồn tài nguyên hữu hạn, cho đến những vấn đề bất bình đẳng giới trong lao động. Mỗi bài học, mỗi nghiên cứu đều mở rộng góc nhìn và sự hiểu biết của tôi về lĩnh vực này”, anh Phạm Minh Thành chia sẻ.
Hành trình trở thành tiến sĩ của Phạm Minh Thành không hề dễ dàng. Khi 1-2 năm cuối cùng trong chương trình, anh Thành phải chạy đua trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tách biệt xã hội, khối lượng nghiên cứu nặng và đồ sộ là những thử thách mà Phạm Minh Thành phải vượt qua.
Nhờ vào sự động viên từ gia đình, bạn bè, sự trợ giúp từ đồng nghiệp, các giáo sư những kỹ năng sống đã được tôi luyện từ những năm cấp 3, Phạm Minh Thành đã nhanh chóng quản lý được cảm xúc, trấn an bản thân và hoàn thành đúng hạn luận án tiến sĩ của mình.
“Không chỉ kỹ năng quản lý cảm xúc, thời gian học tại Trường Newton còn cho tôi cơ hội để phát triển những kỹ năng mềm khác mà tôi tin rằng chính những kỹ năng này đã góp phần vào thành công của tôi ngày hôm nay.
Khi chuẩn bị hồ sơ tiến sĩ, tôi được yêu cầu phải có thư giới thiệu từ các giáo sư. Những kỹ năng giao tiếp và xây dựng mối quan hệ mà tôi được dạy tại Trường Newton phát huy hiệu quả. Nhờ khả năng giao tiếp tốt, tôi đã duy trì được mối quan hệ thân thiết với các giảng viên. Từ đó tôi có được những lá thư giới thiệu uy tín”, anh Phạm Minh Thành nói.
Tuy đang trong thời gian học cử nhân, nhưng nhờ bộ hồ sơ và bài luận chuẩn bị tốt mà anh Minh Thành đã được tuyển thẳng trở thành nghiên cứu sinh. Ngoài ra, anh còn đạt được học bổng toàn phần chương trình kinh tế của trường với gói hỗ trợ tài chính 5 năm bao gồm học bổng toàn phần và sinh hoạt phí.
Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, anh Thành trở về Việt Nam. Hiện tại, anh là nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (Hà Nội) và là giảng viên của Đại học RMIT (Hà Nội). Anh cũng đang nghiên cứu và quan tâm đến những vấn đề về phát triển bền vững trong nông nghiệp và vai trò của giới trong thị trường lao động.
Nền tảng vững chắc nuôi dạy người tài
Anh Phạm Minh Thành là học sinh khóa 1 của Trường THCS – THPT Newton (thuộc Hệ thống Trường Liên cấp Newton, thành viên Tập đoàn Giáo dục EQuest). Chia sẻ lý do vì sao lại quyết định trao gửi hành trình cấp THPT của mình tại trường, anh Thành bộc bạch: “Với mục tiêu du học đã được xác định từ trước, tôi chú trọng lựa chọn môi trường giáo dục giúp tôi có nhiều cơ hội sử dụng và rèn luyện tiếng Anh một cách thường xuyên và hiệu quả.
Hơn thế nữa, tôi mong muốn bản thân không chỉ nâng cao được kiến thức chuyên môn mà còn phát triển các kỹ năng mềm và kỹ năng sống quan trọng. Chính vì vậy, Trường Newton đã trở thành lựa chọn tối ưu để tôi theo đuổi mục tiêu phát triển này”.
Trước khi học tại Trường Newton, anh Thành tự nhận mình là một người hướng nội và khá trầm tính. Tuy nhiên, sau quá trình tiếp xúc và rèn luyện tại trường, anh khám phá ra một phiên bản hoàn toàn khác của bản thân – một người có khả năng giao tiếp tự tin và dễ dàng hòa nhập.
Tại ngôi trường cấp 3 này, anh Thành không chỉ được trang bị kiến thức học thuật từ sách vở, mà còn được bồi dưỡng những kỹ năng mềm quan trọng như kỹ năng lãnh đạo và giao tiếp. Những trải nghiệm này đã góp phần quan trọng vào thành công của anh về sau.
“Trước đây, tôi là một cậu bé khá nhút nhát. Nhưng Trường Newton đã mở ra cho tôi những trải nghiệm mà trước đó tôi chưa từng nghĩ mình có thể có”, anh Thành chia sẻ.
Anh Phạm Minh Thành vẫn còn nhớ khoảnh khắc từ một cậu học sinh nhút nhát đã có thể tự tin đứng trước đám đông để phát biểu nhận giải thưởng bằng tiếng Anh cho kỳ thi Olympic Toán Hà Nội mở rộng năm 2010 trước nhiều học sinh xuất sắc tới từ các trường THPT hàng đầu trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh khác – một điều dường như vượt ngoài sự tưởng tượng của anh và gia đình.
Thầy cô tại trường là những người đã hỗ trợ và dìu dắt anh Minh Thành, giúp anh trở nên tự tin hơn: “Trong hành trình học tập của mình, tôi không thể chọn ra một bài giảng nào là đặc biệt. Bởi lẽ, mỗi bài học đều mang một ý nghĩa riêng. Tổng thể chúng đã tạo nên con người và thành công của tôi ngày hôm nay. Mỗi giờ học, mỗi bài giảng dù nhỏ nhặt hay to lớn đều góp phần quan trọng trong quá trình phát triển của tôi, như những mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh cuộc đời”.
Cô Lê Thị Bích Dung, nhà sáng lập Trường THCS – THPT Newton, nhấn mạnh: “Mỗi thế hệ học sinh thành công chính là động lực để Trường Newton tiếp tục đổi mới và hoàn thiện triết lý giáo dục. Đồng thời, chúng tôi khẳng định cam kết của nhà trường trong việc tạo ra môi trường học tập tối ưu và hiệu quả dành cho học sinh”.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/pham-minh-thanh-hoc-sinh-khoa-1-truong-newton-tro-thanh-tien-si-tre-tai-my-20241229084116796.htm