Nhà văn Phan Thị Vàng Anh kể chuyện dạy con, châm biếm thói đố kị trong “Chuyện nhà Tí (và nhiều chuyện nhà khác)”.
Tập truyện ngắn và tản văn ra mắt sau gần 10 năm, kể từ sách Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh (2016). Tác phẩm ghi lại những mẩu chuyện vụn vặt trong gia đình như làm dâu, kết hôn, ly hôn, đối nhân xử thế, sống ảo – sống thật.
Bìa “Chuyện nhà Tí (và nhiều chuyện nhà khác)”, sách 198 trang, NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam liên kết ấn hành. Ảnh: Nhã Nam
Sách có hai phần, phần một Chuyện nhà Tí xoay quanh gia đình cậu bé, về cách dạy con, chuyện vợ chồng. Tác giả khắc họa vấn đề muôn thuở của các bậc cha mẹ như họp phụ huynh, đóng quỹ lớp. Nhà văn kể lại một cách tinh tế, duyên dáng, tạo sự gần gũi. Chi tiết mẹ Tí chụp ảnh chiếc ba lô nặng trĩu của con lên mạng, kèm status: “Ân hận quá cả năm không kiểm tra ba lô con trai. Chỉ vì quá tin vào nền giáo dục” khiến người đọc đặt ra câu hỏi: người mẹ làm vậy vì thương con hay muốn tỏ ra sâu sắc trên mạng xã hội?
Độc giả bắt gặp chính bản thân, chuyện nhà mình qua những trang viết. Bố mẹ Tí tranh cãi về tiền tiêu vặt của em, mẹ lo cậu bé quen “hơi tiền” sớm sẽ hư, bố cho rằng “có tiền mua được sự không bị bắt nạt”. Khi Tí hỏi ý nghĩa câu nói, bố không trả lời được, mẹ cho rằng “có khi bố cũng không hiểu vì sao lại mua được như thế. Bố là thánh hay nói những câu hùng vĩ vô căn cứ mà thâm tâm bố cũng mù mờ. Nhưng là phụ nữ, lại đang làm dâu, mẹ đành nhường bố”.
Nhà văn mỉa mai sự đối lập giữa lời nói và hành động của bố Tí, ông tự hào về triết lý mình nói, cho rằng “đàn ông phải hiểu về xã hội” nhưng lại chẳng có hướng giải quyết cho những chuyện nhỏ trong gia đình. Tác giả viết: “Bố độc nói theo báo theo đài, bình luận với mấy ông trong xóm thì ôi thôi, Đông Tây và kim cổ, nghe cứ như biết tiếng Anh thật và sắp làm chủ tịch quận đến nơi. Ngày nào cáu, mẹ chơi khăm, mẹ chỉ cần rút nguồn wifi là ôi thôi, bố cũng thành mẹ nốt”.
Phần hai, Phan Thị Vàng Anh châm biếm thói đố kị, hai mặt trong Chuyện một nàng dâu ai cũng ghét. Người ta sẵn sàng chê bai H. vì cô đẹp, nói giọng nho nhỏ, chừng mực nhưng có duyên, cô được chồng thương yêu, “tuy không có cử chỉ gì âu yếm nhưng ánh mắt rất là âu yếm”.
Trong đám giỗ, người trong nhà đều xua đi, bảo H. không cần phụ giúp. Để rồi vài ngày sau, cô trở thành chủ đề của cuộc nói xấu: “Người thì bảo không chịu nổi cái giọng nhỏ nhẹ ấy, nó không thật. Người thì nói dâu chi mà nhí nhảnh, đám nào cũng chỉ bận đồ đẹp rồi chơi điện thoại. Người lại bảo đám chị em dâu bực lắm, dâu cả mà không làm gì. Người khác nói con đó nó ghê gớm lắm, chồng nó nghe lời nó lắm”. Tuy nhiên, khi H. gặp trắc trở, hôn nhân tan vỡ, họ bỗng nhiên khen cô tử tế: “Định bảo với H. giờ thì em được cả làng yêu thương rồi đấy – một tình yêu thương đầy hể hả có lẽ em sẽ chẳng cần đâu!”. Truyện kể nhẹ nhàng mà gợi suy tư về cách cư xử giữa người với người.
Với giọng văn châm biếm, hài hước, không triết lý hay phán xét, Phan Thị Vàng Anh kể những tình huống quen thuộc hàng ngày, chuyện trong nhà của mỗi người, điều giản đơn ấy lại trở thành tấm gương phản chiếu hành vi, tâm lý trong xã hội hiện đại, phơi bày cách người ta sống.
Biên tập Nguyễn Hoàng Diệu Thủy cho biết: “Nhà văn kể lại chuyện tưởng như không có gì, bằng một giọng văn hơi phớt tỉnh mà sắc lẻm, hài hước, hóa ra lại gợi đến những nỗi cắc cớ của đời không dễ gì xếp đặt, trình bày số phận con người, thậm chí bi kịch nhân sinh. Đọc rồi sẽ thấy thấp thoáng sau con chữ hoặc cái cười nhẹ bao dung, hoặc cái nháy mắt tinh tường, hay một tiếng thở dài xao xác”.
Nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương từng nhận xét Phan Thị Vàng Anh “biết cách lạ hóa những điều quen thuộc, biết làm cho da diết những điều tưởng như nhạt nhẽo”. Phong cách đó tiếp tục được chị phát huy ở tập sách mới.
Nhà văn, nhà thơ Phan Thị Vàng Anh. Ảnh: Hội Nhà văn TP HCM
Phan Thị Vàng Anh, 57 tuổi, là con gái của nhà thơ Chế Lan Viên và Vũ Thị Thường. Bảy tuổi, tác giả nổi tiếng với bài thơ Mèo con đi học – từng được đưa vào giảng dạy ở chương trình tiểu học. Sau đó, chị tiếp tục ghi dấu ấn với tản văn Nhân trường hợp chị thỏ bông và tập thơ Gửi VB. Tập truyện ngắn Khi người ta trẻ gây tiếng vang lớn và được dịch, xuất bản tại Pháp với tên Quand on est jeune. Chị còn sử dụng bút danh Thảo Hảo để viết tản văn và phê bình văn hóa trên các báo.
Dù không viết quá nhiều, mỗi sáng tác của Phan Thị Vàng Anh thu hút người đọc với phong cách tinh tế, xoay quanh cuộc sống đời thường. Chị nhận nhiều giải thưởng văn học, trong đó có giải Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 cho tập truyện Khi người ta trẻ, giải Hội Nhà văn Hà Nội năm 2007 cho tập thơ Gửi VB.
Châu Anh
Nguồn: https://vnexpress.net/phan-thi-vang-anh-ke-chuyen-doi-thuong-4850557.html