Thứ sáu, Tháng hai 14, 2025
HomeGiải TríPhật giáo thời Trần: 'Ở đời vui đạo hãy tùy duyên'

Phật giáo thời Trần: ‘Ở đời vui đạo hãy tùy duyên’

”Khóa hư lục” của vua Trần Thái Tông và “Cư trần lạc đạo phú” của Trần Nhân Tông truyền tải cốt lõi tư tưởng Phật giáo thời Trần.

Nhà Trần là một trong những triều đại ”văn trị, võ công” lừng danh bậc nhất lịch sử Việt Nam. Trong đó, tư tưởng Phật giáo được nhiều vị vua xiển dương hoằng pháp.

Dịp kỷ niệm 800 năm vua Trần Thái Tông lên ngôi, công ty sách Thiện Tri Thức tổ chức buổi tọa đàm chủ đề Từ Khóa hư của Trần Thái Tông đến Cư trần lạc đạo của Trần Nhân Tông, ngày 9/2. Ở buổi này, học giả Nhật Chiêu phân tích triết lý Phật giáo qua hai tác phẩm. Ông nhận định trước khi Khóa hư lục ra đời, chưa có tác phẩm nào có độ dày dặn về tư tưởng Phật giáo, ngoài một số cuốn thơ riêng lẻ của các thiền sư.

Khóa hư lục (Khóa hư tập) là tập sách bằng chữ Hán, thể hiện đầy đủ quan điểm của vua Trần Thái Tông về Phật pháp. Ông đề cao vai trò, vị trí của con người, cho rằng trong tam tài (thiên, địa, nhân), con người là “chí linh”, ở lục đạo (Trời, Người, A-tu-la, Ngạ quỷ, Súc sinh, Địa ngục), con người cũng quý giá nhất.

Bài tựa của Thận Hiên Nguyễn Đăng Giai viết vào năm 1840 cho biết khi đến thăm chùa Do Nha ở huyện Võ Giàng (Bắc Ninh), trụ trì là sư Thanh Hương đưa tập bản thảo Khóa hư lục ra cho ông xem xét và nhờ đề lời. Thận Hiên Nguyễn Đăng Giai xác nhận: “Tập Khóa hư lục này do vua Trần Thái Tông ngự chế, thực là vì con người tự vô thủy vô lượng kiếp đến nay đã để mất bản tâm, hiểu sai chính đạo, sa vào nỗi khốn khổ ba đường, ấy là do bởi lục căn sai trái. Nếu không sám hối tội trước thì khó mong chứng quả kiếp sau. Đó là lý do tập sách này được soạn ra vậy”. Tuy nhiên, tác phẩm hiện tại có thể là chưa đầy đủ do đã bị thất lạc theo thời gian, đồng thời có một số sách của vua được ghép chung vào đây.

Khóa hư lục gồm ba quyển. Quyển thượng mở đầu là bài tựa ngự chế Tứ sơn kệ của Trần Thái Tông, giải thích đại ý hình tượng tứ sơn (bốn núi) tượng trưng cho sinh lão bệnh tử, bốn nỗi khổ lớn của con người. Vua so sánh bốn núi tương ứng mùa xuân hạ thu đông, như vòng đời của con người là một tiểu vũ trụ trong một đại vũ trụ của thiên nhiên, trời đất. Sau đó là nhiều bài có nội dung khuyến khích mỗi người tu tâm dưỡng tính, vượt qua bốn ngọn núi đó, khôi phục bản tâm chân tính. Quyển trung gồm các bài kệ, tụng hàng ngày. Quyển hạ là ba bài kệ khuyên về con đường tu tập. Theo học giả Nhật Chiêu, Khóa hư lục xứng đáng là tác phẩm đại thành của văn học Phật giáo Việt Nam. Đến thế kỷ 19, tác phẩm này được tôn là Khóa hư kinh.

Bìa cuốn Khóa hư lục. Ảnh: Thư viện Huệ Quang

Bìa cuốn ”Khóa hư lục”. Ảnh: Thư viện Huệ Quang

Cư trần lạc đạo phú do Trần Nhân Tông viết theo lối phú luật hay phú cận thể của thời thịnh Đường ở Trung Quốc, thể hiện quan điểm chính nhất của tư tưởng Phật giáo đời Trần. Tác phẩm gồm mười hội (bài) dài bằng chữ Nôm và cuối cùng là một bài kệ chữ Hán. Mười hội trình bày những quan điểm của người tu giữa thế gian, cùng các yếu điểm để mỗi người khai ngộ. Tác phẩm được viết bằng chữ Nôm vào thế kỷ 13, khi văn tự này mới hình thành và phát triển, cho thấy bước tiến lớn của ngôn ngữ Việt. Sách mang nhiều triết lý sâu sắc về mối liên quan giữa đạo và đời, qua đó người đọc có thể hiểu và áp dụng được những phương pháp tu tâm hướng đạo giữa trần gian nhiều phiền não.

Vua Trần Nhân Tông chịu ảnh hưởng sâu sắc của ông nội là hoàng đế Trần Thái Tông và cha là vua Trần Thánh Tông, đều là những thiền sư nhập thế với vai trò người lãnh đạo vương triều Trần. Hoàng đế ưu ái cháu nội thông minh, không chỉ dạy đạo làm vua mà còn truyền thụ cách nhìn về Phật pháp. Những lần trò chuyện, tiếp xúc đã có những tác động lớn để hình thành nên tư tưởng đặc sắc của Phật hoàng Trần Nhân Tông, người khai sáng Thiền phái Trúc Lâm.

Ông Nhật Chiêu nói: “Tư tưởng Phật giáo của Trần Nhân Tông là sự gắn bó giữa đạo với đời, nhập thế và xuất thế, cân bằng giữa việc hiểu biết tâm, trí, đạo trong cuộc sống, xuất gia mà không quên đi bản thể của mình trong thế giới, sống giữa đời thế tục mà vẫn hành thiền”. Học giả nhấn mạnh ngoài võ công lừng lẫy, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã ”vứt ngai vàng như vứt dép rách” để gắn đời mình với Phật giáo.

Tác phẩm Cư trần lạc đạo phú. Ảnh: Thái Hà Books

Tác phẩm ”Cư trần lạc đạo phú”. Ảnh: Thái Hà Books

Tư tưởng của Phật giáo đời Trần thể hiện qua quan điểm tùy duyên, thấy rõ trong tác phẩm Cư trần lạc đạo phú. Trong đó tùy duyên là sự tự do. Con người ung dung tự tại, không chấp nệ vào điều gì, biết hòa nhập vào hoàn cảnh vốn có, không thoát ly, xa rời. Việc tu đạo là ở trong tâm của mỗi người chứ không phải là do ngoại cảnh, ngoại vật. Đạo không phải là điều gì xa lạ, mà có thể là thấy ở bất cứ điều gì trong cuộc sống, miễn là dùng bản tâm soi chiếu như ”bình thường tâm thị đạo”. Ông Nhật Chiêu tâm đắc bốn câu kệ của sách, cho rằng đó là những tinh túy của Phật giáo đời Trần: ”Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/ Đói thì ăn, hề, mệt ngủ yên/ Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi thiền”.

Bìa cuốn

Bìa cuốn “Trần Nhân Tông – Đời, Đạo không hai” của tác giả Nguyễn Thế Đăng, do NXB Tôn Giáo và công ty sách Thiện Tri Thức ấn hành. Ảnh: NXB cung cấp

Trong cuốn Trần Nhân Tông, đời – đạo không hai, tác giả Nguyễn Thế Đăng viết: ”Sống đạo Phật là sống ‘bất biến tùy duyên’. Sống bất biến là sống đạo, đồng thời sống tùy duyên là sống đời, cả hai trong đời sống của một con người. Ngài Trần Nhân Tông là một tấm gương sống bất biến tùy duyên, cho không những dân tộc ta, mà còn cho toàn thế giới. Ngài không chọn hẳn chỉ con đường tâm linh (đạo) ngay từ đầu bằng cách xuất gia, cũng không chỉ chọn hẳn con đường xã hội (đời), ở mãi với đời. Hai con đường ấy đi song song với nhau, đến tuổi trưởng thành thì hòa hợp nhau, đến tuổi trung niên thì hợp nhất với nhau cho đến khi ra đi khỏi thế gian”.

Tại buổi tọa đàm, tiến sĩ sử học Quách Thu Nguyệt – nguyên giám đốc Nhà xuất bản Trẻ – cho rằng cần đưa thêm tác phẩm thơ văn đời Trần vào sách giáo khoa. Nhiều chuyên gia như tiến sĩ Nguyễn Nam (Đại học Fulbright), dịch giả Quế Sơn, tiến sĩ Hoàng Kim Oanh, sư thầy Thích Không Hạnh đều đánh giá cao tư tưởng nhập thế Phật giáo đời Trần, mong muốn có thêm những buổi sinh hoạt học thuật để công chúng tiếp cận với tri thức.

Hà Thanh Vân

Nguồn: https://vnexpress.net/phat-giao-thoi-tran-o-doi-vui-dao-hay-tuy-duyen-4847966.html

VnExpress Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay