Chiều 21/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến về phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, nguồn nước lấy trực tiếp từ sông Hồng, dẫn qua tuyến đường ống chạy ngầm dọc đường Võ Chí Công đến điểm đầu sông Tô Lịch tại đường Hoàng Quốc Việt với chiều dài khoảng 5,3km. Tuyến ống có dành một nhánh bổ cập nước cho Hồ Tây.
Dự kiến, lưu lượng nước bổ cập từ 240.000-270.000m3/ngày đêm, giúp sông Tô Lịch đạt cao độ 3,3-3,8m so với cao độ hiện nay là 1,3-1,8m và lưu lượng 100.000m3/ngày đêm.
Bên cạnh đó, dọc sông Tô Lịch sẽ thiết kế một số đập dâng với chức năng lắng đọng phù sa, làm trong nước, tạo dòng chảy, khai thác cảnh quan hai bên bờ…
Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, đại diện Bộ Tư pháp đã dẫn chiếu các quy định về pháp luật xây dựng, đầu tư công… trong đó nêu rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Hà Nội đối với việc triển khai dự án bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch.
Ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đề nghị Hà Nội cần rà soát, cập nhật lại quy hoạch cấp, thoát nước của thủ đô; vị trí, quy mô, công suất trạm bơm; làm rõ phương án xử lý phù sa trước khi đưa nước vào sông Tô Lịch…
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng nêu rõ việc xử lý ô nhiễm sông, hồ của Hà Nội là hết sức cấp bách, cần thiết, phải làm nhanh nhất có thể.
Phó Thủ tướng cho biết, phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch có căn cứ chính trị, pháp lý, cơ sở khoa học, thực tiễn.
Hà Nội chịu trách nhiệm tính toán phương án, giải pháp kỹ thuật để triển khai bảo đảm mục tiêu môi trường, tính bền vững, hiệu quả kinh tế, mức độ tác động, ảnh hưởng trong quá trình thi công, vận hành trạm bơm, tuyến ống dẫn, dòng chảy… đối với các công trình xung quanh.
Ông Trần Hồng Hà yêu cầu cùng với việc bổ cập nước sạch cho sông Tô Lịch, Hà Nội phải thực hiện đồng bộ các giải pháp đi kèm như nạo vét trầm tích đáy sông, thu gom, xử lý nguồn nước thải, nước mưa trước khi xả vào sông; cải tạo cảnh quan hai bên sông; rà soát, điều chỉnh, cập nhật các quy hoạch về cấp thoát nước…
Nhấn mạnh tính cấp bách của dự án, Phó Thủ tướng lưu ý, Hà Nội muốn làm nhanh thì phải có quy hoạch, thiết kế, giải pháp bài bản, tổng thể và cụ thể.
“Không vì vội mà làm ẩu, làm sai về quy trình, thiết kế, quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, gây thất thoát, làm mất đi tính lợi ích kinh tế tổng thể”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Ông bày tỏ mong muốn Tô Lịch thực sự trở lại là một dòng sông mang lại giá trị cảnh quan, đô thị, dịch vụ, giao thông, du lịch… và là hình mẫu về cơ chế, cách thức xử lý các dòng sông ô nhiễm, các khu vực ô nhiễm môi trường.
Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/pho-thu-tuong-noi-ve-viec-hoi-sinh-song-to-lich-nhanh-nhat-co-the-20250121184530160.htm