Đối với thực khách, hình ảnh quen thuộc của món bánh đa cua Hải Phòng là sợi bánh bản to màu nâu đỏ hoặc trắng được chan thêm nước dùng làm từ gạch cua đồng và lớp mỡ hành màu vàng óng ánh. Nhưng ngoài bánh đa cua đồng, vùng đất cảng Hải Phòng còn có bánh đa cua bề bề. Món ăn thể hiện sự sáng tạo giữa món bánh đa cua truyền thống với các loại hải sản tươi ngon.
Đến Hải Phòng, rất dễ để tìm một quán bánh đa cua bề bề, thế nhưng, để thưởng thức chuẩn vị, bạn có thể tới quán nằm ở đầu ngõ 195 phố Cầu Đất, quận Ngô Quyền. Quán mở bán từ 7h đến 24h hàng ngày nhưng thường phải đóng cửa sớm vào cuối tuần do lượng khách ngoại tỉnh đổ về đông, hết nguyên liệu sớm.
Quán bánh đa cua bề bề của bà Thủy
Chủ quán là bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, nối nghiệp từ mẹ. Hiện bà cũng đã truyền công thức lại cho con trai, cùng bà cai quản quán. Quán có hai không gian để phục vụ thực khách, dọc theo chiều dài con ngõ có 3 – 4 bàn cho khoảng 10 người ngồi. Diện tích trong nhà có thể phục vụ khoảng 20 người cùng lúc. Ngay đầu ngõ là quầy hàng của bà Thủy với nồi nước dùng được giữ nóng và một dãy nguyên liệu cho một bát bánh đa cua.
Để tạo nên bát bánh đa cua bề bề đặc sản Hải Phòng bao năm hút khách, bà Thủy giữ công thức chế biến độc quyền. Bánh đa phải là loại một nắng, một sương để có độ mềm và dẻo, loại bánh phơi khô cong thường chỉ để gửi đi nơi xa, dù bảo quản được lâu nhưng độ ngon không bằng. Quán nhập hai loại bánh đa là bánh đa trắng và bánh đa đỏ.
Cua bể và bề bề được nhập từ biển Đồ Sơn (quận Đồ Sơn) hoặc Cát Bà (huyện Cát Hải), sau đó luộc lên và bóc, gỡ. Thịt cua bể và bề bề được dùng làm topping cho món bánh đa cua cùng với chả lá lốt, chả cá, ruốc tôm, thịt tôm, rau muống. Còn nước luộc được lọc sạch và dùng làm nước dùng. Đây là điểm khác biệt giữa món bánh đa cua bề bề với bánh đa cua đồng.
Món bánh đa cua bề bề đặc sản của quán bà Thủy
Vẫn sợi bánh đa đỏ, vẫn những loại hải sản quen thuộc, nhưng thay vì nước dùng và gạch cua béo ngậy, thực khách sẽ cảm nhận được vị ngọt của thịt hải sản, vị mặn của biển. Lượng cua bể và bề bề quán luộc để phục vụ trong một ngày khá nhiều nên nước dùng có vị ngọt đậm chứ không thanh nhẹ như nước phở.
Trên cùng bát bánh đa cua bề bề là thịt cua màu vàng có vị ngọt và một chút vị mặn, cùng khoảng hai con bề bề đã được lột vỏ, thịt có độ dai nhẹ. Phía dưới lớp rau xanh là những sợi bánh đa thấm nước dùng nên mềm, trơn, dễ ăn nhưng vẫn giữ được độ dai do sợi bản to và dày, không bị nhũn và đứt, gãy khi gắp. Dưới cùng là lớp rau muống xanh cọng to, dù đã luộc chín để loại bỏ cảm giác sượng, đắng nhưng vẫn còn độ giòn ở phần thân.
Quán luôn đông khách
Một bát bánh đa cua bể có giá từ 40.000 đồng, bánh đa cua bề bề và bánh đa thập cẩm (bề bề, tôm, chả lá lốt, chả cá) giá từ 50.000 đồng; bánh đa đặc biệt với số lượng nhân thập cẩm nhiều hơn giá 70.000 đồng. Quẩy gọi thêm giá 10.000 đồng một đĩa. Mức giá này không hề đắt so với mặt bằng chung.
Dù đông khách, chủ quán làm không ngơi tay, nhưng chỉ gọi đồ sau khoảng 3 – 5 phút là bà Thủy đã hoàn thành một bát bánh đa cua theo yêu cầu. Khách tìm tới quán bà Thủy rồi quay lại nhiều lần một phần vì giá thành hợp lý, một phần vì hương vị biển cả đặc trưng không ở đâu có được.

Đây là quán bún đậu mắm tôm quen thuộc của sinh viên và dân văn phòng tại quận Cầu Giấy. Dù nằm sâu trong ngách nhỏ, nhưng quán vẫn đông khách, có khi…
Nguồn: https://eva.vn/di-dau-xem-gi/quan-banh-da-cua-be-be-ngon-nhat-hai-phong-gia-binh-dan-ma-huong-vi-cao-cap-phai-dong-cua-som-vi-dong-khach-c40a628931.html