Lên mạng xem livestream, phá nhiều kho hàng khủng
Sau 1 năm tăng cường kiểm soát thị trường trên môi trường online, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) phát hiện, bóc gỡ, triệt phá nhiều kho hàng giả cực lớn, đây cũng là dấu ấn nổi bật trong năm 2024.
Một trong những vụ việc do Tổ chuyên trách về thương mại điện tử (TMĐT), Tổng cục QLTT chủ trì là phát hiện tiệm vàng Kim Hương Dinh – tiệm vàng lớn nhất ở TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang kinh doanh sản phẩm giả mạo thương hiệu lớn.
Từ tài khoản Facebooker “Tiệm vàng Kim Hương Dinh” có hơn 1,3 triệu người theo dõi, thường xuyên livestream bán trang sức kim loại vàng, bạc… gắn thương hiệu nổi tiếng: Chanel, Cartier, Bulgari… Sau gần 2 tháng theo dõi, Tổng cục QLTT phát lệnh kiểm tra đột xuất, phát hiện số hàng hóa trang sức có vi phạm lên tới hơn 1 tỉ đồng.
Lật tẩy, bóc mẽ hành vi bán hàng có dấu giả mạo, nhập lậu, không rõ xuất xứ trên tài khoản TikTok Phan Thủy Tiên cũng là một vụ việc chấn động cộng đồng mạng năm 2024.
Chủ tài khoản này là người nổi tiếng, từng làm diễn viên, tham gia nhiều cuộc thi sắc đẹp có gần 5 triệu người theo dõi. Khi vào xem livestream, Tổ chuyên trách về TMĐT, Tổng cục QLTT đã lần ra kho hàng khủng của Công ty CP tập đoàn ZENPALI, tại một chung cư trên đường Nguyễn Xiển (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) thu giữ hơn 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc tổng giá trị trên 1,1 tỉ đồng.
Siết chặt vòng vây, không có vùng cấm
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh, một trong những giải pháp được ưu tiên để triển khai hiệu quả Đề án 319 của Thủ tướng Chính phủ, là ứng dụng chuyển đổi số, sử dụng công cụ, phương tiện kỹ thuật online rà quét, phát hiện vi phạm trên TMĐT. Trước đây, lực lượng QLTT cơ sở có tâm lý “ngại” xử lý vi phạm trên TMĐT, vì mất thời gian, dễ bị khiếu kiện khi người bán rất dễ xóa bỏ, thay đổi nội dung, chứng cứ vi phạm… Còn hiện nay, cán bộ QLTT được tập huấn kỹ năng, chủ động theo dõi thông tin, nhận diện vi phạm trên TMĐT, mạng xã hội…
Công tác xử lý vi phạm trên TMĐT sẽ “đụng chạm” đến lợi ích của nhiều người nổi tiếng tham gia quảng cáo, kinh doanh online, các hot TikToker, Facebooker… với hàng triệu lượt theo dõi, có sức ảnh hưởng lớn nhưng sẽ “không có vùng cấm” và kiên quyết xử lý nếu có đủ bằng chứng.
Để siết chặt vòng vây hàng giả trên TMĐT, tháng 11.2024, Tổng cục QLTT đã ký biên bản hợp tác với Cục Công nghiệp an ninh (Bộ Công an) triển khai nhiều giải pháp phòng chống hàng giả trên môi trường online.
Hai đơn vị đang phối hợp ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, giải pháp chuyển đổi số công tác quản lý lưu thông hàng hóa trong lĩnh vực TMĐT, nâng cao hiệu lực xử lý các tranh chấp, khiếu nại, bảo vệ người tiêu dùng.
“Chống hàng giả trên TMĐT là nhiệm vụ trọng tâm và chiến lược năm 2025, toàn lực lượng QLTT tiếp tục tập trung, ưu tiên và sẽ nỗ lực cao nhất để kiến tạo thị trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo quyền và lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng”, ông Linh nói.
Triển khai Đề án 319 về chống hàng giả bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT, năm 2024 Cục QLTT tại 63 tỉnh, thành phố và Cục Nghiệp vụ QLTT đã lập Tổ TMĐT để “tung” cán bộ theo dõi thông tin, từ đó phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm quy mô lớn. QLTT cả nước phát hiện, xử lý 3.124 vụ vi phạm, cao gấp 2,6 lần so với năm 2023. Đặc biệt, số tiền xử phạt lên tới 48 tỉ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 34 tỉ đồng, lần lượt cao gấp 2,6 lần và 4,4 lần so với năm 2023.
Nguồn: https://thanhnien.vn/quan-ly-thi-truong-quet-hang-gia-tren-thuong-mai-dien-tu-khong-co-vung-cam-185250108114653041.htm