Đó là một trong nhiều thách thức về phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam được PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội, nguyên Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đặt ra tại hội thảo “Pháp luật về trí tuệ nhân tạo”.
Hội thảo do Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU) phối hợp với Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội tổ chức hướng tới thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, chúng ta có nhiều lợi thế về phát triển AI, nhất là nguồn nhân lực trẻ dồi dào khi có hơn 50% dân số hiện nay dưới 35 tuổi với xu hướng tiếp cận nhanh công nghệ.
Hệ thống giáo dục có những cải cách đáng kể, thúc đẩy việc giảng dạy các ngành liên quan đến công nghệ thông tin và khoa học dữ liệu.
Một số lợi thế khác như Việt Nam đang nỗ lực xây dựng chính sách phù hợp với xu thế phát triển AI, môi trường khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ phát triển mạnh…
Bên cạnh lợi thế, ông Lê Bộ Lĩnh cũng chỉ ra phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt thách thức.
Trong đó, phải kể đến nguồn nhân lực định hướng cho AI khan hiếm. Dù có nhiều sinh viên tốt nghiệp từ các trường đào tạo công nghệ thông tin nhưng số lượng chuyên gia có kỹ năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực AI còn hạn chế. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách về việc nâng cao chất lượng đào tạo, hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, còn nhiều khó khăn khác về hệ thống hạ tầng; chính sách quản lý và bảo vệ dữ liệu trong sử dụng AI thiếu đồng bộ dẫn đến lo ngại về bảo mật thông tin, cạnh tranh từ các quốc gia phát triển lĩnh vực AI…
Cần chính sách pháp luật “quản trị AI”
Năm 2023, Việt Nam đứng thứ 59/193 quốc gia trên thế giới và thứ 5/10 quốc gia trong khối ASEAN về khai thác ứng dụng AI để vận hành và cung cấp dịch vụ, tăng 1 bậc so với năm 2022.
Không thể phủ nhận, AI đã và đang từng bước đi vào đời sống con người, ngày càng chứng tỏ vai trò trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; bảo đảm an ninh quốc gia; tạo bước đột phá, tạo đà phát triển để đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn chia sẻ, cùng những lợi ích, sự phát triển của AI đã và đang dấy lên những quan ngại sâu sắc về một số rủi ro tiềm ẩn từ các khía cạnh đạo đức, xã hội, pháp lý.
Điều đáng quan ngại nhất là ngày càng xuất hiện và phổ biến việc AI bị sử dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm.
Ông Lý nhấn mạnh, với sự phát triển này, nhu cầu hoàn thiện các quy định của pháp luật về AI trở nên cấp thiết. Qua đó, nhằm quản trị AI để phát huy được những yếu tố tích cực, giảm thiểu tác động tiêu cực
Theo PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, việc phát triển AI ở Việt Nam không đơn thuần là một bài toán công nghệ mà còn là thách thức lớn về pháp lý.
Để đáp ứng được những thách thức này, Việt Nam cần một hành lang pháp lý đồng bộ, thông thoáng; những quy định khung về vấn đề đạo đức và pháp lý cơ bản không được vi phạm nhằm hỗ trợ cho việc phát triển AI, bảo vệ quyền lợi của cá nhân, xã hội.
Các chuyên gia tại hội thảo đồng tình, để phát triển AI bền vững ở Việt Nam đòi hỏi nhiều yếu tố nhưng quan trọng hàng đầu phải kể đến là nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này.
Hiện nay, hàng loạt trường đại học ở Việt Nam đã bắt tay vào đào tạo ngành, chuyên ngành trí tuệ nhân tạo như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM), Đại học Quốc tế Sài Gòn, Đại học Kinh tế TPHCM, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Công nghệ TPHCM, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành…
Tại TPHCM, Đề án đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành trí tuệ nhân tạo của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) chỉ ra nguồn nhân lực ngành AI hiện chưa đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng.
Nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp tăng từ 10% đến 20%/năm trong khi chỉ tiêu đào tạo ngành AI của các cơ sở đào tạo trên địa bàn chỉ tăng từ 5% đến 10%/năm.
Nhóm nghiên cứu dự báo rằng tỉ lệ tăng trưởng nhân lực ngành AI trong các giai đoạn 2021-2025, 2026-2030 và 2031-2035 tương ứng là 20%, 15% và 10%/năm.
Với tỉ lệ tăng trưởng này, TPHCM cần số nhân sự ngành AI cho ba giai đoạn trên tương ứng với 5.500, 11.000 và 18.000 người.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/rat-nhieu-sinh-vien-nganh-cong-nghe-thong-tin-nhung-thieu-chuyen-gia-ve-ai-20250106055051256.htm