Thứ tư, Tháng hai 5, 2025
HomeSức KhỏeRủi ro khi thụ tinh ống nghiệm để sinh đôi

Rủi ro khi thụ tinh ống nghiệm để sinh đôi

Hà NộiThụ tinh ống nghiệm để được sinh đôi, chị Hồng dọa sảy phải cấp cứu, nguy cơ nhiễm trùng thai.

Kết hôn gần một năm không có con, vợ chồng chị Hồng, 29 tuổi, đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh) khám. Kết quả sức khỏe hai vợ chồng bình thường nên bác sĩ khuyên thụ tinh nhân tạo (IUI), tức bơm tinh trùng vào buồng tử cung, vài chu kỳ. Vợ chồng chị từ chối, mong thụ tinh ống nghiệm (IVF) để sớm có con và sinh đôi một lần.

Họ quyết định chuyển hai phôi ngày 5 vào tử cung, đậu song thai như ý muốn. Tuy nhiên, ở tuần thai 21, bất ngờ bọc ối sa ra ngoài âm đạo mẹ, dọa sảy thai. Bác sĩ tại Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Tâm Anh Hà Nội, nỗ lực hút cạn ối, khâu vòng cổ tử cung, giúp người mẹ giữ thai thêm 5 tuần.

Trường hợp khác là chị Minh, 38 tuổi, phấn đấu sự nghiệp nên kết hôn 10 năm mới quyết định có con. Chỉ số dự trữ buồng trứng (AMH) của chị Minh giảm khá thấp lại lớn tuổi nên vợ chồng muốn thực hiện IVF luôn để có con song sinh, tiện chăm sóc.

Chị được chuyển phôi, đậu song thai đúng nguyện vọng nhưng đến tuần 25, bác sĩ phát hiện mắc hội chứng truyền máu song thai. Một thai cạn ối, thai còn lại đa ối, phải can thiệp laser.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội can thiệp laser cứu thai nhi mắc hội chứng truyền máu song thai. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội can thiệp laser cứu thai nhi mắc hội chứng truyền máu song thai. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Lưu Quang Quý, IVF Tâm Anh, cho biết không ít cặp vợ chồng đề nghị chuyển nhiều phôi thai vào tử cung trong một lần để tăng cơ hội đậu thai hoặc có thể sinh đôi. Họ thường là những phụ nữ kết hôn muộn nên ngại mang thai và sinh con nhiều lần. Hoặc trường hợp hiếm muộn lâu năm, điều trị nhiều lần thất bại, tốn kém chi phí nên muốn IVF một lần được hai, ba con.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Quý, cấy hai phôi hoặc nhiều hơn không đảm bảo chắc chắn người mẹ sẽ mang đa thai. Trong khi đó, mang song thai tiềm ẩn nhiều rủi ro với sức khỏe người mẹ và sự an toàn của thai nhi. Theo sinh lý tự nhiên, tử cung của người mẹ có cấu trúc đủ để mang một thai nặng khoảng 3 kg, kèm theo 2 lít nước ối và 500-600 g bánh nhau. Nếu mang thai đôi, tử cung phải chịu trọng lượng lớn.

Lúc này người mẹ có thể đối mặt với nhiều nguy cơ như sảy thai, lưu thai, tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp, trầm cảm, vỡ tử cung… Thai nhi có nguy cơ chậm tăng trưởng trong tử cung, sinh non, truyền máu song thai, dị tật bẩm sinh (tiêu hóa, tim, khuyết tật ống thần kinh như nứt đốt sống), dây rốn quấn cổ hoặc thắt nút, trẻ sinh ra nhẹ cân. Nguy cơ tử vong chu sinh với cả mẹ và con cao gấp hai lần so với thai đơn. Tỷ lệ sinh non (dưới 37 tuần) ở các ca sinh đôi bằng IVF chiếm khoảng 60%, bác sĩ Quý cho biết.

Như chị Hồng, đến tuần thai thứ 26 thì bị sốt, nguy cơ cao nhiễm trùng, bác sĩ phải mổ chủ động lấy thai. Hai bé trai chào đời sớm nặng chỉ 1 kg và 800 g, được nuôi dưỡng trong phòng chăm sóc đặc biệt. May mắn sức khỏe các bé ổn định, cân nặng tăng đều, xuất viện sau 2 tháng.

Còn trường hợp chị Minh, bác sĩ buộc hy sinh một thai để cứu thai còn lại. Hiện chị vẫn trong quá trình theo dõi thai kỳ nghiêm ngặt đợi đến ngày con chào đời an toàn, khỏe mạnh.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tỷ lệ trẻ sinh đôi tự nhiên rất hiếm, chỉ khoảng 2%, còn nhờ công nghệ hỗ trợ sinh sản chiếm khoảng 43%. Tỷ lệ này không chỉ dựa trên số lượng phôi được chuyển vào tử cung mà còn phụ thuộc độ tuổi của người mẹ. Nghiên cứu dựa trên hơn 35.500 trường hợp IVF tại Mỹ cho thấy tỷ lệ sinh đôi ở phụ nữ 20-29 tuổi có thể là 45,7%. Ở phụ nữ 40-44 tuổi, tỷ lệ này chỉ 25% ngay cả khi chuyển nhiều phôi.

Khuyến cáo của Hiệp hội Sinh sản Mỹ, các trường hợp tiên lượng thuận lợi như tuổi mẹ dưới 35, chất lượng trứng và phôi tốt, chưa từng làm IVF chỉ nên chuyển một phôi khi làm IVF. Trường hợp tuổi mẹ cao, từng trải qua nhiều chu kỳ IVF thất bại, chất lượng phôi kém có thể cân nhắc chuyển hai phôi. Nếu đậu đa thai nhưng sức khỏe người mẹ không đảm bảo, bác sĩ sẽ cân nhắc giảm bớt thai. Kỹ thuật này thường được tiến hành khi thai 7 tuần.

Tại IVF Tâm Anh, chuyển 2 phôi được áp dụng với trường hợp người bệnh chỉ có phôi chất lượng trung bình, tiên lượng kém, chuyển phôi nhiều lần thất bại… Trường hợp ít gặp, bác sĩ chỉ chuyển một phôi vào tử cung nhưng người mẹ vẫn mang thai đôi hoặc thai ba do hiện tượng phân tách phôi. Năm 2023, khoảng 31% người bệnh vô sinh hiếm muộn được chuyển hai phôi nhưng chỉ đậu đơn thai. Nguy cơ đa thai sau chuyển một phôi khoảng 2%.

Bé song sinh chào đời nhờ thụ tinh ống nghiệm tại IVF Tâm Anh. Ảnh: Thành Trung

Bé song sinh chào đời nhờ thụ tinh ống nghiệm tại IVF Tâm Anh. Ảnh: Thành Trung

Bác sĩ Quý khuyến cáo các cặp vợ chồng không nên lạm dụng khoa học để mang đa thai theo ý muốn. Vợ chồng nên thảo luận kỹ với bác sĩ chuyên khoa sản và hỗ trợ sinh sản để được tư vấn kế hoạch và các rủi ro liên quan. Trước khi đưa ra quyết định, cần cân nhắc đến sức khỏe tổng thể của người mẹ, khả năng nuôi dạy các bé cùng lúc.

Hiện nay, các kỹ thuật nuôi cấy, trữ đông và rã đông phôi, xét nghiệm di truyền tiền làm tổ… giúp nâng cao chất lượng phôi và khả năng làm tổ của phôi. Nhờ đó, tỷ lệ mang thai thành công khi chuyển một phôi tương đương chuyển hai phôi. Các cặp vợ chồng không cần chuyển nhiều phôi khi thụ tinh ống nghiệm, hạn chế tỷ lệ đa thai, giúp thai kỳ nhẹ nhàng, khỏe mạnh.

Trịnh Mai

Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn: https://vnexpress.net/rui-ro-khi-thu-tinh-ong-nghiem-de-sinh-doi-4845399.html

VnExpress Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay