Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa có Hướng dẫn 15, có hiệu lực từ 20-3-2025, về sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn 05/2022 của cơ quan này về thực hiện một số điều tại Quy định 69/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
Sẵn sàng có thêm thành viên mới
Theo đó, Hướng dẫn 15 lược bỏ điểm 8 về việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm quy định chính sách dân số.
Hướng dẫn 15 cũng bổ sung quy định không xem xét xử lý đối với hành vi quy định tại Pháp lệnh dân số về việc “sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”.
Như vậy, từ ngày 20-3, đảng viên sinh con thứ ba không còn bị kỷ luật.

Chị VT (37 tuổi, Hà Nội) hiện là cán bộ đang phục vụ trong ngành y, bày tỏ vui mừng về quy định mới này. Được biết, con gái thứ ba của chị VT vừa tròn hai tháng.
“Thời điểm khi phát hiện mang thai, nếu thực hiện biện pháp kế hoạch hoá gia đình thì sức khoẻ tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, chị VT cho hay. Đồng thời chị cũng băn khoăn rằng liệu trường hợp như chị (sinh con thứ ba trước ngày 20-3) thì có bị xử lý kỷ luật hay không.
Tương tự, chị MP (34 tuổi, Hưng Yên) hiện là giáo viên tại một trường THPT, cho biết rất phấn khởi khi quy định về việc không xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba lại có hiệu lực sớm như vậy.
“Chồng tôi là con một, gia đình ít người nên bố mẹ chồng và chúng tôi đều mong muốn có ba con. Nhưng vợ chồng tôi đều là đảng viên nên cũng cân nhắc nhiều.
Không ngờ từ khi có chủ trương về việc không xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba đến khi chính thức có hiệu lực lại nhanh như vậy. Vậy là chúng tôi càng thêm sẵn sàng để đón thành viên mới”, chị MP chia sẻ.
Chia sẻ với PLO, một đại diện Bộ Y tế cho biết theo Hướng dẫn 15 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, từ ngày 20-3 đảng viên sinh con thứ ba không còn bị kỷ luật. Đối với những trường hợp sinh con thứ ba trước đó, việc có kỷ luật hay không phụ thuộc vào tổ chức thực hiện.
“Tuy nhiên trên thực tế, từ khi có chủ trương về việc tăng cường các giải pháp khuyến sinh, tránh tình trạng mức sinh thấp, hầu như rất ít đảng viên bị xử lý theo quy định cũ”, vị này nói.
Phù hợp với thực tiễn
Bộ Y tế đang lấy ý kiến xây dựng dự thảo Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số, trong đó tập trung sửa đổi quy định về số con.
Theo đó, dự thảo đề xuất quy định mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh; bảo vệ sức khoẻ, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến sức khoẻ sinh sản.
Hiện nay, theo quy định tại Pháp lệnh 08/2008/PL-UBTVQH12 sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh dân số 2003, mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định thời gian và khoảng cách sinh con; sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.
Theo PGS Nguyễn Đức Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, quy định “mỗi cặp vợ chồng sinh một đến hai con” theo khoản 2, Điều 10 trong Pháp lệnh dân số nên được bãi bỏ sớm hơn do không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Lí do là mức sinh đang có xu hướng giảm xuống dưới mức thay thế và quy định này cũng không thực sự hiệu quả.
“Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy rằng một số người muốn sinh con thứ ba thì họ vẫn sinh dù có bị xử phạt và tất nhiên, đối với nhiều người không muốn sinh con thứ ba thì quy định này rõ ràng không có ý nghĩa”, ông Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, căn cứ khoản 2, Điều 10 trong Pháp lệnh dân số hiện hành, Điều 52 trong Quy định 69 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu kỷ luật đảng viên “vi phạm chính sách dân số” (chủ yếu là sinh con thứ ba). Có lẽ chỉ một số rất ít đảng viên thực sự muốn sinh con thứ ba mà không dám do e ngại quy định này.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, việc bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba vẫn có ý nghĩa nhất định.
“Khi bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba sẽ có tác động, ý nghĩa trực tiếp với một bộ phận nhỏ, nhưng đối với toàn xã hội thì người dân sẽ hiểu rằng việc sinh đẻ hiện không bị cấm đoán, hạn chế nữa. Điều này rất quan trọng để thực hiện mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trong bối cảnh mức sinh có xu hướng giảm”, ông Vinh giải thích.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Còn theo GS.TS Giang Thanh Long, Giảng viên cao cấp trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế Quốc dân, quan sát sự thay đổi về tỉ suất sinh của các quốc gia ở nhiều ngưỡng thu nhập khác nhau (từ nghèo lên trung bình và giàu) thì xu hướng chung là tỉ suất sinh ở mức cao sẽ giảm xuống mức thấp và duy trì hoặc tiếp tục xuống thấp hơn.
Các yếu tố tác động tới sự thay đổi của mức sinh tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa truyền thống…
“Nghiên cứu của nhiều học giả trong và ngoài nước cũng như thống kê của các tổ chức quốc tế cho thấy có nhiều nguyên nhân khiến cho tỉ suất sinh của nhiều quốc gia đang ngày càng giảm, không chỉ ở những nước có thu nhập cao mà ngay cả những nước có thu nhập trung bình, trong đó có nguyên nhân chính liên quan tới kinh tế và các áp lực khác nhau trong cuộc sống”, ông Long nói.
Cũng theo ông Long, phải khẳng định một thực tế rằng tổng tỉ suất sinh ở Việt Nam (1,91 con/phụ nữ năm 2024) đã thấp hơn mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) nhưng không phải là quá thấp.
Có sự khác biệt rõ rệt về tỉ suất sinh giữa các vùng miền. Trong đó, vùng có điều kiện kinh tế thấp hơn lại có tỉ suất sinh cao hơn hẳn mức thay thế, và ngược lại. Khu vực nông thôn luôn có tỉ suất sinh cao hơn hẳn mức thay thế, và ngược lại đối với khu vực thành thị.
Đáng quan tâm hơn cả là phụ nữ có trình độ học vấn thấp lại có mức sinh cao hơn hẳn mức thay thế và cao hơn nhiều so với phụ nữ có trình độ cao hơn.
“Nói cách khác, khu vực và nhóm dân số có điều kiện khó khăn hơn lại có tỉ suất sinh cao hơn và ngược lại. Điều này có nghĩa là cùng với những tâm thế giữ ổn định mức sinh thì giải quyết những vấn đề liên quan tới sự khác biệt tỉ suất sinh cũng là điều mà chúng ta cần phải quan tâm ngay lập tức”, ông Long nhấn mạnh.

Theo GS.TS Giang Thanh Long, kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần phải có sự đồng bộ, nhất quán và có tính tương hỗ giữa rất nhiều chính sách liên quan.
“Nhật Bản đã chi hàng trăm tỉ USD cho chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho phụ nữ khi sinh con, nhưng tỉ suất sinh ở nước này vẫn không cải thiện, nguyên nhân chính là sự sẵn có của các dịch vụ trông trẻ, chăm người già… không nhiều, khiến phụ nữ vẫn phải gánh vác các công việc đó và điều này khiến họ không mặn mà với các chính sách hỗ trợ”, ông Long nói thêm.
Tuy nhiên, sau khi có sự thay đổi về hỗ trợ chăm trẻ thì tỉ suất sinh lại có cải thiện, dù vẫn chưa cao.
“Là nước đi sau về bối cảnh giảm sinh, Việt Nam cần tiến hành đồng bộ các chính sách như mở rộng diện bao phủ bắt buộc với bảo hiểm xã hội, bao phủ toàn dân về bảo hiểm y tế, mở rộng chế độ thai sản, thí điểm và triển khai bảo hiểm chăm sóc dài hạn…”, ông Long nêu ví dụ.
Trước đó, tại hội thảo tham vấn nội dung khuyến khích sinh đủ hai con ngày 22-3, ông Lê Thanh Dũng – Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết các báo cáo, nghiên cứu đều chỉ ra rằng nếu mức sinh tiếp tục giảm, đến năm 2039 Việt Nam kết thúc thời kỳ dân số vàng. Năm 2042, quy mô dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh và sau năm 2054 dân số sẽ bắt đầu tăng trưởng âm.
Việt Nam khó có thể trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 do thiếu nguồn cung lao động.
“Mức sinh thấp kéo dài gây ra những hệ lụy tiêu cực như tốc độ già hóa dân số sẽ diễn ra nhanh, tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi. Mức sinh thấp và già hóa dân số làm suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, làm ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế – xã hội”, Cục trưởng Lê Thanh Dũng nhấn mạnh.
Nhằm duy trì mức sinh thay thế, bên cạnh đề xuất sửa đổi quy định về số con tại Pháp lệnh dân số, Bộ Y tế cũng đã hoàn thiện nội dung hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dân số và có tờ trình gửi Chính phủ về việc đề nghị xây dựng luật.
Dự án Luật Dân số dự kiến được Chính phủ xem xét tại kỳ họp chuyên đề về xây dựng pháp luật vào năm 2025.
Nếu được Chính phủ thông qua, dự kiến dự án luật được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 năm 2025 và thông qua tại kỳ họp thứ 10 năm 2025.


Nguồn: https://plo.vn/san-sang-don-thanh-vien-moi-khi-dang-vien-sinh-con-thu-ba-khong-con-bi-ky-luat-post840967.html