Thứ sáu, Tháng Một 24, 2025
HomeCông NghệSáng chế cất ngăn kéo thì bảo hộ cũng không giải quyết...

Sáng chế cất ngăn kéo thì bảo hộ cũng không giải quyết được gì

Sáng chế cất ngăn kéo thì bảo hộ cũng không giải quyết được gì - 1

Ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đánh giá Nghị quyết 57 đặt ra mục tiêu rất cụ thể, tác động lên toàn bộ các hoạt động trong nghiên cứu, sản xuất (Ảnh: CTV).

Trao đổi trong tọa đàm “Công tác thông tin, truyền thông về hoạt động sở hữu trí tuệ” sáng 15/1 tại Cục Sở hữu trí tuệ, Cục trưởng Lưu Hoàng Long nhấn mạnh việc chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Cục năm 2025.

Cục sẽ rà soát, sửa đổi, xây dựng các quy chế thẩm định đơn sở hữu công nghiệp, theo hướng tối ưu hóa quy trình, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong xử lý đơn; nâng cao vị trí, vai trò của Cục Sở hữu trí tuệ, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động lên ngang tầm khu vực, vươn tầm thế giới, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Đặc biệt, Cục sẽ hoàn thiện đề án kiện toàn các đơn vị và nhân lực tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

“Nghị quyết 57 đặt ra mục tiêu rất cụ thể, ngoài những gì đã trình bày cụ thể trong Nghị quyết thì đằng sau đó là ý chí của Đảng, Nhà nước về phát triển đất nước thông qua con đường khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Việc đó đòi hỏi sự đồng bộ rất cao ở các cấp, các ngành. Khi KHCN phát triển thì số đơn (đăng ký sở hữu trí tuệ) sẽ tăng, điều đó có nghĩa là áp lực sẽ tăng lên”, Cục trưởng Lưu Hoàng Long nhận định.

Theo ông, bên cạnh việc tiếp nhận và cấp sáng chế thì một việc rất quan trọng khác là Cục phải tham gia đưa các sáng chế, đưa tài sản trí tuệ vào cuộc sống.

“Sáng chế cất ngăn kéo thì bảo hộ cũng không giải quyết được gì”, ông Long nêu quan điểm.

Theo ông, phải làm sao để chu kỳ sáng chế ngắn nhất, đưa vào nhanh nhất, hiệu quả, đó là điều không dễ. Thực hiện Nghị quyết 57, giới khoa học chắc chắn phải thay đổi.

Theo báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2024 Cục đã xử lý đơn sở hữu công nghiệp cao nhất từ trước đến nay (143.288 đơn các loại; cấp 53.674 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp).

Tuy nhiên, tổng số tiếp nhận là 152.619 đơn các loại. Như vậy, số tồn đọng còn rất lớn.

Để xử lý số tồn đọng, theo ông Lê Huy Anh- Phó  Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, trong năm 2025 Cục sẽ đẩy mạnh đồng thời nhiều biện pháp, như ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động; rà soát, sửa đổi, xây dựng các quy chế thẩm định đơn sở hữu công nghiệp, theo hướng tối ưu hóa quy trình, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong xử lý đơn…

“Mục tiêu 2025 Cục phải xử lý đúng thời hạn cho hơn 150.000 đơn đến hạn và 1/2 đơn tồn đọng, và phấn đấu tới hết 2026 Cục xử lý tình trạng đơn về bình thường (không để tồn đọng)”, ông Lê Huy Anh chia sẻ.

Tại tọa đàm, lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ cũng nêu rõ những hạn chế, vướng mắc trong năm qua, như: tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, Quy chế thẩm định đơn, triển khai các dự án đầu tư công… còn chậm so với kế hoạch đề ra.

Kết quả xử lý đơn, sở hữu công nghiệp tăng cao so với năm 2023 (tăng 17,5%), song vẫn chưa đạt kế hoạch năm 2024 (đạt 93,0%, trong đó nhãn hiệu quốc gia đạt 75,4%); tình trạng tồn đọng đơn đăng ký SHCN ngày càng tăng do kết quả xử lý đơn thấp hơn so với số lượng đơn nhận được (đạt 94%).

Thời gian xử lý, giải quyết đơn SHCN dài hơn so với quy định; việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính công còn nhiều hạn chế…

Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/sang-che-cat-ngan-keo-thi-bao-ho-cung-khong-giai-quyet-duoc-gi-20250115174918324.htm

DanTri Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay