TPO – Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến, khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học, bậc học.
Đại diện cho đơn vị chủ trì biên soạn Dự thảo Khung năng lực số, TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, khung năng lực số là khung tham chiếu về tiêu chuẩn và hướng dẫn cho việc phát triển các năng lực số để các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân xác định nội dung, phương thức giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học, bậc học.
Khung năng lực số là phương thức giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học, bậc học. Ảnh: Kim Chi
Theo Dự thảo, khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực (Khai thác dữ liệu và thông tin; Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số; Sáng tạo nội dung số; An toàn; Giải quyết vấn đề; Sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh) với 24 năng lực thành phần, được chia thành 4 trình độ với 8 cấp độ từ cơ bản đến chuyên gia.
Trong mỗi miền năng lực, Dự thảo đưa ra bản mô tả chi tiết các các năng lực thành phần cụ thể và các biểu hiện từng cấp độ từ cơ bản – trung cấp – nâng cao – chuyên sâu (mỗi cấp độ gồm 2 bậc).
Đại diện nhóm biên soạn, PGS.TS Đỗ Văn Hùng cho biết, khi biên soạn Dự thảo khung năng lực số, nhóm biên soạn đã sử dụng khung tham chiếu là khung năng lực DigComp 2.2, bởi đây là khung năng lực rất phổ biến ở châu Âu, được nhiều quốc gia tham khảo, đồng thời tích hợp thêm năng lực sử dụng về trí tuệ nhân tạo tạo sinh.
PGS.TS Đỗ Văn Hùng cho hay, nhóm biên soạn cũng tham khảo khung năng lực số của UNESCO, của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, để đảm bảo tính hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên, cũng phải đảm bảo thích hợp với điều kiện của Việt Nam và đảm bảo tính khả thi, giúp người học đạt được những năng lực số cần thiết.
PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Phó Trưởng ban Đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM) cho hay, ĐH Quốc gia TPHCM đang đẩy mạnh xây dựng khung năng lực số cho giảng viên trong hệ thống. Thông tư là căn cứ rất quan trọng để ĐH này có thể soi chiếu, hoàn thiện khung năng lực số cho đội ngũ giảng dạy, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Ông Bằng cũng mong muốn song song với việc ban hành thông tư, Bộ GD&ĐT nên có hướng dẫn cụ thể để đảm bảo thực hiện một chuẩn đầu ra tương đối thống nhất cho cấp học trong toàn quốc.
Ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch CLB Phần mềm tự do nguồn mở (VFOSSA), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp Thông tin bày tỏ mong muốn khi xây dựng khung năng lực số nội dung giáo trình nên là học liệu mở, nhằm chia sẻ, tái sử dụng các kiến thức một cách rộng rãi…
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, nhà trường đã và đang tiên phong trong việc đưa các kĩ năng số vào trong chương trình giảng dạy và học tập. Thời gian qua, trường đã triển khai thử nghiệm thành công các phương pháp và công cụ phát triển năng lực số cho sinh viên và giảng viên.
Trường ĐH KHXH&NV – ĐH Quốc gia Hà Nội là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam ban hành Khung năng lực số cho sinh viên. Thành công ban đầu này là nền tảng quan trọng để nhà trường tự tin đóng góp vào việc hiện thực hóa Khung năng lực số, nhằm nâng cao trình độ và khả năng thích ứng của người học trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nguồn: https://tienphong.vn/sap-co-khung-nang-luc-so-cho-nguoi-hoc-post1688089.tpo