Về kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư mới đây yêu cầu Đảng ủy Chính phủ nghiên cứu định hướng “sáp nhập một số tỉnh, bỏ cấp huyện”, GS-TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng việc sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện là phù hợp, trước Đại hội XIV của Đảng cũng là thời điểm chín muồi để thực hiện.

GS Trần Ngọc Đường. Ảnh: Quang Vinh
Trao đổi với báo chí ngày 20-2, GS-TS Trần Ngọc Đường cho rằng việc nghiên cứu sáp nhập tỉnh thành, bỏ cấp huyện là chủ trương phù hợp. Mô hình tổ chức chính quyền trên thế giới chú trọng xây dựng chính quyền 2 đầu mạnh là tỉnh mạnh và cơ sở (xã, phường) mạnh.
Còn chính quyền trung gian ở giữa do chính quyền tỉnh đưa về một khu vực hoặc vùng nào đó thuộc một vài xã, phường để đại diện chính quyền tỉnh quản lý ở khu vực, cơ sở đó. Đây cũng là mô hình chính quyền tiến bộ, hiện đại hiện nay.
Đánh giá về việc bỏ cấp huyện, GS Trần Ngọc Đường cho rằng để đánh giá lợi, hại của việc bỏ cấp huyện cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ, đồng thời để thực hiện cho tốt chủ trương này bởi lâu nay chúng ta quen với mô hình chính quyền địa phương 3 cấp (tỉnh, huyện, xã).
Nhưng bước đầu, nếu bỏ cấp huyện cũng có nhiều thuận lợi. Thứ nhất, sẽ tạo ra không gian tương đối rộng hơn để phát triển kinh tế – xã hội mà không bó hẹp trong quận, huyện nào đó. Đồng thời, tạo ra môi trường rộng lớn hơn để thu hút tiềm năng, nguồn lực phát triển.
Thứ nữa, việc này thực hiện đúng chủ trương của Đảng là tinh giản để giảm tầng nấc trung gian, tăng ngân sách cho Nhà nước, bớt chi phí cho bộ máy của quận, huyện hiện nay cũng rất nhiều.
Thêm vào đó, trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay thì việc quản lý nhà nước từ tỉnh đến cơ sở là xã, phường thuận lợi hơn rất nhiều khi công nghệ thông tin phát triển.
Tuy nhiên, việc này bước đầu cũng có thể tạo ra một số cản trở do nhận thức chưa đầy đủ nên nghi ngại, lo lắng về quản lý Nhà nước có thực hiện được không, chính quyền cấp trên, cấp dưới xa nhau như thế liệu có quan liêu hay không.
Những nghi ngại này là từ thực tiễn và phải giải quyết. Do đó, cần tuyên truyền, giáo dục để có nhận thức thống nhất, thông suốt về việc nghiên cứu bỏ cấp trung gian quận, huyện.
Theo GS Trần Ngọc Đường, nếu bỏ cấp trung gian – cấp huyện – sẽ bỏ được việc phân cấp, phân quyền qua cấp huyện mà sẽ phân cấp, phân quyền thẳng từ cấp tỉnh xuống cấp xã, phường. Bỏ được một khâu trung gian đó sẽ giúp môi trường quản lý thông thoáng hơn, thuận lợi hơn.
Về định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư là nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh, thành, GS Trần Ngọc Đường cho rằng Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương cũng đã có nghiên cứu và có thể sẽ không còn 63 tỉnh, thành như hiện nay nữa mà sẽ nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh, thành lại để tạo ra thế mạnh cho vùng, liên kết vùng tốt hơn.
GS-TS Trần Ngọc Đường cho biết trước đây có thời kỳ chúng ta chỉ có 38 tỉnh, thành nhưng có thể sẽ còn gom nhỏ hơn nữa để tạo ra vùng có thế mạnh liên kết với nhau. Như tạo ra vùng vừa có biển, có rừng, đồng bằng – có thể hợp nhất một số tỉnh có biển với một số tỉnh không có biển để tạo thế mạnh về biển, tạo thành một vùng có thế mạnh rộng lớn.
“Tôi nghĩ rằng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã có nghiên cứu nhưng sẽ phải làm từng bước”- vị GS-TS nói.
Nguồn: https://nld.com.vn/gs-ts-tran-ngoc-duong-sap-nhap-tinh-bo-cap-huyen-la-phu-hop-196250220153951082.htm