Chiều 5-2, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1-2025. Tại họp báo, báo chí đặt câu hỏi liên quan đến giải pháp mang tính đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025.
Xuất khẩu sẽ đối mặt khó khăn
Trả lời, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 với tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7% và phấn đấu khoảng 7-7,5%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.
Tuy nhiên, vừa qua Trung ương đã có quyết nghị chỉ đạo điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là 8% trở lên. Ông Phương cho biết, đây là mục tiêu rất quan trọng, sẽ góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số trong nhiều năm tới.
Trước yêu cầu đó, Thứ trưởng cho biết, Bộ KH&ĐT đã chuẩn bị các nội dung, hồ sơ cần thiết để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường sắp tới. Trong đó sẽ điều chỉnh một số chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế – xã hội năm 2025, đặc biệt là một số cân đối liên quan đến đầu tư, ngân sách, lạm phát…
Đồng thời, Bộ đã chuẩn bị nghị quyết riêng để trình Chính phủ triển khai việc cụ thể hoá nhiệm vụ tăng trưởng 8%, trong đó giao chỉ tiêu tăng trưởng trung bình cho các địa phương từ 8% trở lên trong năm 2025.
Nói về giải pháp, ông Phương cho biết, Bộ KH&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính. Trong đó, tập trung ưu tiên nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, xác định thể chế là “đột phá của đột phá” cho phát triển.
Về phía cầu, cần tăng cường đầu tư công. Đặc biệt, Thứ trưởng nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng đưa ra vào sáng nay, đó là đưa tỉ trọng chi thường xuyên xuống dưới 60% trong tổng chi ngân sách, tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên năm 2025 để bổ sung đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Về thu hút đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước, bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thì cần thúc đẩy việc gia tăng doanh nghiệp thành lập mới. Đồng thời tháo gỡ các vướng mắc để khơi thông thị trường trái phiếu, bất động sản, chứng khoán…
Về xuất khẩu, Thứ trưởng nhận định, năm 2025 sẽ gặp nhiều thách thức lớn liên quan đến các chính sách bảo hộ, chính sách thuế của Mỹ. Do đó, cần phải phân tích kỹ tình hình, tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, khơi thông các thị trường mới. Đồng thời, đảm bảo kết cấu giữa đầu vào, đầu ra.
Đối với tiêu dùng, cần thúc đẩy sức mua của thị trường trong nước. Ngoài ra, Thứ trưởng Phương cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới và khẳng định Việt Nam đang có vị thế rất tốt trong bản đồ công nghệ trên thế giới.
Có chính sách lãi suất hợp lý để huy động vốn nhàn rỗi
Cũng tại họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến chính sách tiền tệ để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, muốn có tăng trưởng thì phải có đầu tư, muốn có đầu tư thì phải có vốn.
Khẳng định mức tăng trưởng trên 8% hướng đến 10% của năm 2025 là con số rất ấn tượng và là nhiệm vụ nặng nề với ngành. Do đó, để có được 8% thì đòi hỏi rất nhiều chính sách cũng như giải pháp đồng bộ tất cả các lĩnh vực.
Về định hướng chính sách tiền tệ cho mục tiêu tăng trưởng 8%, Phó Thống đốc cho rằng phải kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Tiếp theo cần hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng, đảm bảo những cân đối lớn của nền kinh tế. Với mục tiêu này, việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp với chính sách tài khoá, chính sách xuất nhập khẩu, chính sách thương mại.
Cụ thể hơn, đại diện NHNN cho biết, cơ quan này sẽ bảo đảm nguồn vốn cho nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh vốn huy động, vốn nhàn rỗi cho nền kinh tế từ doanh nghiệp, người dân. Và có chính sách lãi suất hợp lý để huy động vốn này.
Trong trường hợp cần có vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu thì NHNN sẽ sử dụng các công cụ điều hành của mình trong việc cung ứng vốn, tái cấp vốn hoặc các hình thức phù hợp thông qua các nghiệp vụ điều hành thị trường tiền tệ.
Tiếp tục điều hành lãi suất ổn định để đảm bảo phù hợp với lãi suất chung của nền kinh tế cũng như phù hợp với các yêu cầu khác trong quan hệ vĩ mô của các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất bằng cách tiết kiệm các chi phí của mình, ứng dụng công nghệ giảm chi phí, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, điều hành tỉ giá của thị trường ngoại tệ cũng tiếp tục hóa giải những tác động của thế giới để duy trì một thị trường ngoại tệ ổn định. “Từ đầu năm, mặc dù đã có tác động không tích cực với nền kinh tế, với ngoại tệ nhưng NHNN đã chủ động điều hành. Chúng tôi cũng sử dụng các biện pháp can thiệp khi cần thiết để đảm bảo được quan hệ ngoại tệ một cách tích cực và đảm bảo tỉ giá ở mức hợp lý”.
Song, Phó Thống đốc cho biết NHNN sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ để giảm bớt chi phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, tiếp tục có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và các chính sách tín dụng ưu đãi khác, lãi suất thấp sẽ được triển khai tích cực.
Nguồn: https://plo.vn/se-trinh-quoc-hoi-dieu-chinh-chi-tieu-gdp-nam-2025-tai-ky-hop-bat-thuong-lan-thu-9-post832913.html