Lần đầu gặp gỡ và trò chuyện với sư Sikruadong Phra Phalek (33 tuổi), chúng tôi rất ngạc nhiên vì khả năng nói tiếng Việt lưu loát của sư.
Một sinh viên chịu khó
Thật ra không phải chỉ chúng tôi bất ngờ. TS Nguyễn Huỳnh Lâm – phó trưởng khoa Việt Nam học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM – cũng từng thán phục trước sức học của sư Phalek.
Từng là giảng viên chủ nhiệm lớp cử nhân Việt Nam học mà sư Phalek theo học giai đoạn 2017 – 2020, ban đầu thầy Lâm lấy làm lạ vì trong lớp có một nhà sư người nước ngoài. Bởi nhà sư Việt Nam học tại trường không ít, người nước ngoài tại trường cũng nhiều, nhưng nhà sư nước ngoài học tại trường thì rất hiếm.
Lớp cử nhân của sư Phalek có khoảng 40 sinh viên, hầu hết là người Hàn Quốc, chỉ có sư Phalek là người Thái Lan và thêm một sinh viên người Nhật. Thầy Lâm cho biết sư Phalek là sinh viên giỏi của lớp, thường xuyên hướng dẫn lại cho bạn những khái niệm, thuật ngữ tiếng Việt khó.
“Hầu hết các giảng viên đều có thiện cảm tốt với sư Phalek. Sư không vắng bất kỳ buổi học nào. Trong mỗi buổi học, sư đều chuyên tâm ghi chép và rất siêng đọc sách, tài liệu thầy cô giao. Các bài tập đều được sư dành nhiều tâm huyết”, thầy Lâm nói.
Càng học, càng hiểu Việt Nam
Sư Phalek tu tại chùa Wat Phra Dhammakaya – một ngôi chùa lớn nằm ở phía bắc Bangkok (Thái Lan). Năm 2015, ban trị sự chùa Wat Phra Dhammakaya mong muốn có một sư trong chùa nói được tiếng Việt để về sau kết nối với phật tử và các chùa Việt Nam. Khi đó, chùa đã có sư biết nói tiếng của các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Myanmar… nhưng chưa có tiếng Việt. Vậy là sư Phalek xung phong sang Việt Nam học tiếng.
Năm 2015, sư Phalek bắt đầu học tiếng Việt tại chùa Pháp Luân (Huế). Đến năm 2016, sư chuyển vào TP.HCM, học các khóa tiếng Việt cho người nước ngoài tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.
“Vì ít tài liệu Thái – Việt nên tôi chọn cách học nghe nhiều. Tôi rất thích nghe mọi người xung quanh nói tiếng Việt. Những lúc ấy, tôi thường để ý tới cách dùng từ ngữ và cố gắng ghi nhớ những từ thường lặp lại trong các đoạn hội thoại. Tôi sẽ suy ra ý nghĩa của những từ đó và trường hợp nào sẽ dùng những từ nào”, sư Phalek chia sẻ.
Đến khi cơ bản đã có thể sử dụng tiếng Việt, sư đăng ký học cử nhân Việt Nam học, khóa 2017 – 2020. Sư nói: “Trong chương trình, tôi thích nhất các môn về pháp luật Việt Nam và ngữ pháp tiếng Việt. Học pháp luật giúp tôi hiểu xã hội của Việt Nam và biết những gì công dân được làm và không được làm. Còn học ngữ pháp giúp tôi hiểu một cách có hệ thống cách cấu tạo từ và câu trong tiếng Việt, nhờ đó có thể nói và viết tiếng Việt tốt hơn”.
Tốt nghiệp cử nhân Việt Nam học với tấm bằng giỏi, sư Phalek phải về nước do dịch COVID-19. Năm 2022, sư trở lại Việt Nam học thạc sĩ Việt Nam học. “Học cao học giúp tôi hiểu sâu hơn về Việt Nam. Có những kiến thức ở bậc cử nhân mình đã học qua nhưng đến khi học thạc sĩ mới cảm nhận sâu sắc” – sư Phalek bộc bạch.
Hiện tại, sư đang chuẩn bị hoàn thành luận văn thạc sĩ với đề tài sự khác biệt trong lễ xuất gia giữa các chùa theo Phật giáo Nam Tông tại Việt Nam và Thái Lan. Mặc dù cũng nằm trong “chuyên môn” của mình nhưng sư Phalek cho biết phải tìm kiếm rất nhiều tài liệu và khảo sát ở nhiều chùa Việt Nam để luận văn đa chiều nhất.
Dạy tiếng Thái miễn phí
Hiện tại, sư Phalek đang cư trú tại chùa Phổ Minh (Gò Vấp). Ngoài thời gian học, sư tham gia thêm các phật sự của chùa cũng như các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các chùa Thái Lan và Việt Nam. Cuối tuần, sư Phalek có tổ chức một số lớp học tiếng Thái Lan miễn phí cho con của các phật tử muốn học tiếng Thái.
Nguồn: https://tuoitre.vn/su-thai-lan-hoc-cao-hoc-tai-viet-nam-20241104100546971.htm