Thứ tư, Tháng tư 23, 2025
HomeThời SựSửa Hiến pháp 2013 và nhiều luật liên quan đến tổ chức...

Sửa Hiến pháp 2013 và nhiều luật liên quan đến tổ chức bộ máy

Thông tin từ Văn phòng Quốc hội, tuần tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 44, cho ý kiến về hơn 40 nội dung quan trọng chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV khai mạc vào đầu tháng 5.

Phiên họp dự kiến được tổ chức thành hai đợt, đợt 1 kéo dài 3,5 ngày từ 14 đến 17-4.

Cho ý kiến việc lấy ý kiến Nhân dân về việc sửa Hiến pháp

Đáng chú ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Đồng thời, xem xét, thông qua nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (thay thế Nghị quyết 35/2023 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030).

Uy-ban-Thuong-vu-Quoc-hoi.jpg
Tuần tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 44, cho ý kiến về hơn 40 nội dung quan trọng chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV. Ảnh: PHẠM THẮNG

Cơ quan thường trực của Quốc hội cũng cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3-2025.

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công và xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội năm 2024.

Các dự án Luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đợt này gồm: Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Đề án, phương án thiết kế xây dựng Bảo tàng Quốc hội Việt Nam.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí thời gian dự phòng từ 18 đến 21-4 để xem xét, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, các luật, nghị quyết có liên quan để triển khai chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp… để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Thời gian cụ thể sẽ căn cứ tiến độ gửi hồ sơ của cơ quan trình và đề nghị của cơ quan chủ trì thẩm tra.

Các luật này gồm: Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi); Luật Tổ chức TAND (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND; Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn và Luật Thanh niên.

Danh sách còn có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Phá sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và các dự án luật, dự thảo nghị quyết khác để phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dự kiến cho ý kiến về một số luật liên quan theo Nghị quyết số 193/2025/NQ-QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia.

Xem xét miễn học phí cho học sinh mầm non, phổ thông công lập từ năm học 2025-2026

Đợt 2 của phiên họp thứ 44 dự kiến kéo dài 5,5 ngày, từ 22 đến hết sáng 28-4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024 và tình hình triển khai những tháng đầu năm 2025.

Trong số này, Chính phủ sẽ báo cáo về các nội dung như việc điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2025 để bố trí ít nhất 3% ngân sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tiếp tục nâng lên 2% GDP trong 5 năm tiếp theo và việc thực hiện các nhiệm vụ phát sinh năm 2025 gắn với sắp xếp bộ máy, miễn giảm học phí.

Chính phủ cũng sẽ báo cáo về dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương, số bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương và tỷ lệ phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương sau sáp nhập tỉnh.

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về chủ trương hỗ trợ vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam từ nguồn ngân sách nhà nước; cho ý kiến về việc bố trí nguồn thanh toán các khoản nợ thuộc trách nhiệm của Chính phủ thuộc Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC);

Cơ quan thường trực của Quốc hội cũng cho ý kiến về dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.

Đồng thời, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn học phí cho học sinh mầm non, phổ thông công lập từ năm học 2025-2026; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc một số dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án (theo đề xuất của Ban Chỉ đạo 1568).

Tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dành thời gian xem xét Báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; xem xét, quyết định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026; xem xét, quyết định phương án phân bổ sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024; xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1.

Đồng thời, cho ý kiến về việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều 157 của Luật Đất đai (bao gồm cả nội dung giảm tiền thuê đất năm 2025).

Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, dự kiến Chương trình giám sát năm 2026 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng là nội dung được xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 44…

Trong đợt 2 của phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục bố trí thời gian dự phòng để xem xét, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và một số nội dung khác để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét để trình Quốc hội quyết định việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; tham gia ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Trung ương thống nhất kết thúc hoạt động của TAND, VKSND cấp cao
Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Nguồn: https://plo.vn/sua-hien-phap-2013-va-nhieu-luat-lien-quan-den-to-chuc-bo-may-post844112.html

PLO Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay