Cầm quyết định nghỉ hưu trong tay, bà Thanh Tâm (Bình Dương) họp mặt hội chị em sư phạm, mừng cho những ngày tháng sắp tới được làm “tỉ phú thời gian”.
Dành thời gian cho gia đình
Hơn 30 năm đứng lớp, điều bà Tâm thấy thoải mái nhất trong những ngày đầu nghỉ hưu chính là được ngủ thẳng giấc, không phải chong đèn thức khuya soạn giáo án, làm sổ sách, chấm bài; không giật mình lo sợ dậy muộn, trễ giờ lên lớp. “Nỗi lo này theo mình trong cả giấc mơ” – bà Tâm nói.
Theo bà Tâm, nghỉ hưu là một giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời mỗi người. Đó là lúc rời xa công việc đã gắn bó suốt hàng chục năm, đồng nghiệp thân quen và nhịp sống quen thuộc.
“Tâm lý ai chắc cũng vậy, chuẩn bị nghỉ hưu sẽ có cảm giác bồi hồi, xen lẫn niềm vui và cả sự lúng túng. Với tôi, nhờ có sự chuẩn bị tinh thần trước nên không đến mức rơi vào sự trống trải, hụt hẫng. Tuy nhiên, nói thật lòng, bao năm theo nghề với nhiều áp lực, mệt mỏi, cũng không ít niềm vui, hạnh phúc nên khi sắp xa học sinh, đồng nghiệp cũng có chút buồn nhưng tôi không hối tiếc vì đã tận tâm, tận lực với nghề” – bà Tâm chia sẻ.
Với ông Hoàng Phúc (60 tuổi; kỹ sư xây dựng, quận Bình Tân, TP HCM), đến tuổi nghỉ hưu cũng là lúc ông bắt đầu suy ngẫm về cuộc đời mình và những gì đã làm được. Nhiều năm cống hiến, ông nhận ra đã bỏ qua những khoảnh khắc quan trọng bên gia đình, bạn bè và cả chính bản thân mình.
“Cả cuộc đời tôi bận rộn với công việc, liên tục xa nhà, không chứng kiến được con cái lớn lên từng ngày. Tôi chỉ ước mình có thể dành nhiều thời gian hơn cho con khi chúng còn nhỏ” – ông Phúc tâm sự.
Tương tự, bà Tuyết Mai (58 tuổi, ngụ TP Đà Nẵng, từng giữ chức vụ giám đốc một công ty Nhà nước) bày tỏ: “Tôi dành cả tuổi trẻ cho sự nghiệp, giờ sức khỏe không còn như xưa. Khi nghỉ hưu, tôi sẽ dành thời gian chăm sóc cho bản thân, trân trọng và yêu thương gia đình nhiều hơn”.
Kể về những ngày đầu nghỉ hưu, ông Huỳnh Hữu Nhân (66 tuổi; công chức, quận 7, TP HCM) tâm sự: “Thời gian đầu, tôi có thói quen mỗi sáng đến quán cà phê gần cơ quan để gặp gỡ đồng nghiệp cũ, bàn về những vấn đề chuyên môn, hỏi thăm người này người nọ. Một thời gian sau, thấy ai cũng bận rộn với công việc, những câu chuyện mình nói cũng dần lạc lõng, cảm giác mình thừa thãi. Buồn, nên tôi không ghé nữa!”.
Sống vui, sống ý nghĩa
Trò chuyện về chủ đề này với chúng tôi, nhiều người về hưu cho biết họ hy vọng một tương lai an nhiên, sống khỏe mạnh, có thêm thời gian tận hưởng cuộc sống bên gia đình, lên kế hoạch làm những gì mình mong muốn mà chưa thực hiện được.
Bà Tâm phấn khởi khoe: “Tôi sẽ dành thời gian bên mẹ nhiều hơn, đi đây đó cùng mẹ. Ngày trước, tôi thường nói mẹ muốn đi chơi, tôi sẽ sắp xếp theo cùng. Nhưng lần nào mẹ gọi, tôi cũng bận không việc này thì việc khác ở trường. Bây giờ mẹ đã gần 80 tuổi, chúng tôi sẽ chọn đi những nơi phù hợp với sức khỏe của mẹ, chụp những bức hình lưu niệm về những chuyến đi…”.
Từng là nhân viên ngân hàng, bà Kim Lan (57 tuổi; quận Bình Tân, TP HCM) trông chờ thời gian nghỉ hưu sẽ giúp bà có thêm cơ hội theo đuổi sở thích cá nhân như làm vườn, học làm đồ thủ công, tham gia các hoạt động xã hội.
“Tôi đã sống và cống hiến hết mình. Giờ nhìn lại những gì mình đạt được, tôi rất tự hào. Đó là những kỷ niệm đẹp. Tôi tâm niệm những điều đã qua thì không lo lắng nữa, sống hết mình cho hiện tại. Nghỉ hưu, tôi muốn sống cuộc đời ý nghĩa hơn và làm những điều mình thích” – bà Lan tâm sự.
Theo một số chuyên gia tâm lý, khi không còn bận rộn công việc, người nghỉ hưu vẫn nên duy trì các mối quan hệ xã hội bằng việc tham gia các câu lạc bộ dành cho người cao tuổi, học nhạc cụ hay học thêm kiến thức mới qua các khóa học trực tuyến, tổ chức các buổi gặp mặt gia đình hay đi chơi cùng bạn bè. Điều này giúp tránh cảm giác cô đơn, tạo niềm vui cho bản thân, đồng thời làm phong phú thêm cuộc sống.
Minh chứng cho vấn đề này là câu chuyện của ông Huỳnh Hữu Nhân. Ông kể nhờ sự động viên của vợ, ông tham gia công tác khu phố, các chương trình từ thiện, hỗ trợ trẻ em nghèo… “Làm việc, thấy cuộc đời mình trở nên có ý nghĩa hơn, vui hơn và trẻ khỏe ra. Theo tôi, tuổi già không phải là kết thúc mà là một khởi đầu mới để khám phá” – ông Nhân đúc kết.
Bước vào giai đoạn nghỉ hưu đòi hỏi sự thay đổi trong suy nghĩ và lối sống. Nếu biết tận dụng, đây sẽ là lúc để tận hưởng thành quả và tạo dựng những kỷ niệm đáng nhớ cho bản thân và gia đình.
Nguồn: https://nld.com.vn/tan-huong-nhung-dieu-binh-di-196241102202837826.htm