TAND tối cao mới đây ban hành kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2025. Việc này nhằm thực hiện quy định tại luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Trong năm 2025, TAND tối cao sẽ xác minh tài sản, thu nhập đối với 37 cán bộ
Theo kế hoạch, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập TAND tối cao sẽ tiến hành xác minh tài sản, thu nhập đối với 37 cán bộ tại 3 cơ quan, đơn vị trong hệ thống TAND.
Cụ thể, tại TAND 2 cấp tỉnh Hà Giang xác minh 10 người, tại TAND 2 cấp tỉnh Quảng Nam xác minh 15 người, tại TAND 2 cấp tỉnh Hậu Giang xác minh 12 người.
Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ xác minh về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng nội dung bản kê khai tài sản, thu nhập của 37 cán bộ nêu trên.
Mục đích nhằm xem xét tính chính xác, kết luận về sự trung thực của người được xác minh, kiểm soát sự biến động tài sản của người có nghĩa vụ kê khai, đồng thời phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng (nếu có).
Vẫn theo kế hoạch, việc lựa chọn cán bộ cụ thể để xác minh tài sản, thu nhập sẽ được thực hiện bằng hình thức bốc thăm ngẫu nhiên. Những người này cần đảm bảo 2 tiêu chí: là người có nghĩa vụ kê khai hàng năm và chưa được xác minh trong 4 năm liền trước đó.
Thanh tra TAND tối cao được giao nhiệm vụ chủ trì, tham mưu triển khai hoạt động xác minh tài sản, thu nhập tại các cơ quan, đơn vị, cá nhân được lựa chọn xác minh tài sản, thu nhập.
Theo quy định tại luật Phòng, chống tham nhũng, những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập gồm: cán bộ, công chức; sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân.
Tài sản, thu nhập phải kê khai bao gồm: quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai.
Báo cáo từ Thanh tra Chính phủ cho thấy, từ năm 2020 – 2024 có hơn 2 triệu người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập; trong đó cơ quan chức năng xác minh hơn 37.000 người, có 147 người bị kỷ luật do vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Trong khoảng thời gian trên, có hơn 2.900 cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý do vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Có 45 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng số tiền hơn 739 triệu đồng.
Đặc biệt là có 264 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 73 người bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tand-toi-cao-xac-minh-tai-san-37-can-bo-185250223180905167.htm