Ngày hội Việt Nam Xanh sẽ khai hội vào ngày 9-11 tại Nhà văn hóa Thanh niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP.HCM), mang lại cho bạn đọc không gian sống xanh giữa lòng thành phố, nâng cao trải nghiệm về nền kinh tế xanh.
Tham gia ngày hội, Tập đoàn TH sẽ có không gian để bạn đọc, khách tham quan trải nghiệm không gian phát triển bền vững mà tập đoàn này đã áp dụng nhiều năm qua.
TH tiên phong kinh tế tuần hoàn, hướng đến Net Zero
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Tập đoàn TH cho hay mô hình kinh tế xanh – kinh tế tuần hoàn được tập đoàn này tiên phong áp dụng ở tất cả các đơn vị thành viên TH chính là cách Tập đoàn đồng hành với cam kết của Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, hướng đến Net Zero vào năm 2050.
Đại diện TH cho hay doanh nghiệp đã nghiêm túc và chủ động thực hiện phát triển bền vững ngay từ những ngày đầu thành lập. Từ năm 2018, TH bắt đầu thu thập số liệu về phát triển bền vững để không những hiểu rõ hiệu quả của các thông số phát triển bền vững mà còn giúp theo dõi cách thức các tham số này biến đổi theo thời gian.
Trong đó, mục tiêu tới 2025 của doanh nghiệp này sẽ giảm phát thải 5.000 tấn CO₂/năm từ sử dụng điện mặt trời sản xuất. 100% nước trả lại môi trường đạt chuẩn xả thải theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời trồng và chăm sóc tốt 10.000 cây xanh/năm. Mỗi năm, TS sẽ thực hiện các sáng kiến vì cộng đồng mang lại lợi ích cho 1 triệu người.
Đến năm 2030, TH cam kết, sẽ giảm phát thải: 10.000 tấn CO₂/năm từ sử dụng điện mặt trời sản xuất. 100% nước trả lại môi trường đạt chuẩn xả thải theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
TH sẽ trồng và chăm sóc tốt 50.000 cây xanh/năm và mỗi năm thực hiện các sáng kiến vì cộng đồng mang lại lợi ích cho 1 triệu người.
TH tiên phong kinh tế tuần hoàn, đồng hành với cam kết của Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, hướng đến Net Zero vào năm 2050 – Ảnh: TH
Nhiều hoạt động lan tỏa lối sống xanh
Là thành viên sáng lập PRO Việt Nam, Tập đoàn TH thông qua liên minh thực hiện thu gom bao bì sau sử dụng, chung tay vì môi trường xanh – sạch – đẹp. Bên cạnh đó, TH tổ chức thường niên chiến dịch “Thu gom vỏ hộp – lan tỏa sống xanh” tại hệ thống TH true mart. Năm 2023, chương trình thu gom được 1,9 tấn bao bì, tăng 72% so với năm trước đó.
Đối với chuỗi sáng kiến giảm nhựa, Tập đoàn TH cho hay doanh nghiệp đã áp dụng nhiều giải pháp giảm nhựa, tiêu biểu như thay thế túi nilon, thìa nhựa, ống hút từ nhựa dùng một lần bằng nhựa sinh học thân thiện hơn với môi trường, giảm ½ số lượng thìa (bằng nhựa sinh học thân thiện môi trường)…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã giảm 17% trọng lượng mỗi chai nhựa, giảm nhựa trên màng co lốc một số sản phẩm, giảm lượng keo gắn ống hút trên bao bì hộp sữa… Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp trên, TH giảm hơn 600 tấn nhựa/năm, tương đương tiết kiệm khoảng 16 tỉ đồng.
Tập đoàn TH thông qua PRO Việt Nam thực hiện thu gom bao bì sau sử dụng, chung tay vì môi trường xanh – sạch – đẹp – Ảnh: TH
Năm 2023, TH phối hợp với Quỹ Vì tầm vóc Việt và Công ty nhựa Tương Lai Xanh (Green Future) hoàn thiện một ngôi trường đặc biệt khi một phần vật liệu xây dựng được làm từ nhựa tái chế. Ngôi trường hiện phục vụ học tập và sinh hoạt của khoảng 65 học sinh dân tộc thiểu số, nghèo và cận nghèo tại xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa.
Bên cạnh đó, Tập đoàn TH cho hay biến chất thải thành tài nguyên là một tư duy đặc trưng của kinh tế tuần hoàn. Tại trang trại TH, chất thải hữu cơ được thu gom, xử lý thành chất đệm sinh học phục vụ trang trại và sản xuất phân bón hữu cơ.
Tại các trang trại, nhà máy của Tập đoàn TH, công nghệ xử lý chất thải tiên tiến và hiện đại hàng đầu đã giúp giảm thiểu đáng kể lượng khí thải metan.
Đối với hệ thống xử lý nước thải, mỗi cụm trang trại chăn nuôi bò sữa TH đều lắp đặt hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn xả thải theo quy định.
Ngôi trường với một phần vật liệu xây dựng được làm từ nhựa tái chế, hiện phục vụ học tập và sinh hoạt của khoảng 65 học sinh dân tộc thiểu số, nghèo và cận nghèo tại xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa – Ảnh: TH
Ngoài ra, Tập đoàn TH đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để liên tục mở rộng, nâng công suất hệ thống xử lý nước thải. Mới nhất, TH vừa đưa vào vận hành thêm một hệ thống có công suất 2.500 m3/ngày, ứng dụng công nghệ tiên tiến của Hà Lan và do tổng thầu Koastal của Singapore thi công. Hệ thống vận hành liên tục 24/7 và 365 ngày/năm, quan trắc tự động liên tục, trực tuyến số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường.
Tập đoàn TH đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để liên tục mở rộng, nâng công suất hệ thống xử lý nước thải – Ảnh: TH
Tăng cường dùng năng lượng tái tạo, sản xuất điện sinh khối
TH đã triển khai hệ thống pin năng lượng mặt trời từ năm 2020 trên các mái nhà trang trại, nhà máy tại các dự án tại Nghệ An và Phú Yên. Đến nay, mỗi năm TH sản xuất khoảng 8 triệu kWh điện mặt trời, đồng nghĩa giảm gần 6.000 tấn CO₂ khí thải mỗi năm so với việc sử dụng năng lượng hóa thạch.
Tại các trang trại chăn nuôi bò sữa, hệ thống điện mặt trời trên mái còn vận hành như một lớp cản nhiệt, góp phần mang tới điều kiện sống mát mẻ, khỏe mạnh, thoải mái cho đàn bò sữa.
Trong khi đó, bã mía – sản phẩm phụ từ quy trình sản xuất của Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU – đơn vị thuộc Tập đoàn TH) được tận dụng để sản xuất điện. Trung bình có thể sản xuất được 30,7kWh điện/tấn mía. Những năm gần đây, mỗi vụ ép mía, NASU sản xuất được khoảng 15 triệu kWh điện, bán cho nhà nước hơn 5 triệu kWh, tăng doanh thu từ 10-12 tỷ đồng/vụ ép.
Còn Công ty CP Sữa TH (THM) và Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm (May Forestry) sử dụng năng lượng sinh khối tạo ra từ các phế phẩm của quá trình sản xuất gỗ như dăm gỗ, vụn gỗ… làm nguyên liệu đốt lò hơi. Việc này giúp giảm lượng xăng dầu tiêu thụ tại hai nhà máy, từ đó góp phần giảm đáng kể tổng phát thải khí nhà kính.
NASU áp dụng mô hình sản xuất điện từ bã mía từ năm 1998 và đến 2016 chính thức hòa lưới điện quốc gia – Ảnh: TH
Năm 2023, nhờ sử dụng năng lượng sinh khối, Nhà máy sữa TH (THM) giảm gần 62% phát thải (phạm vi 1). Bình quân phát thải/đơn vị sản phẩm giảm gần 13% so với năm 2022 (phạm vi 1 và 2).
Những cánh đồng không hóa chất gọi đàn chim trở về
Bắt đầu từ 2018, Dalatmilk (đơn vị thuộc Tập đoàn TH) từng bước chấm dứt việc sử dụng phân bón hóa học; chỉ sử dụng phân hữu cơ trên các cánh đồng trồng cây nguyên liệu thức ăn cho bò sữa. Trang trại đã thành công chuyển đổi sang canh tác hữu cơ, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào an toàn cho sản phẩm sữa tươi sạch.
Lợi ích của hoạt động này đối với tài nguyên đất là tái tạo các hệ sinh vật trong đất và nguồn nước. Mỗi lần cánh đồng chạy máy cày phơi đất chờ gieo hạt vụ mới, chim cò kéo về từng đàn lớn, bay lượn trắng cả cánh đồng, tìm kiếm thức ăn. Nơi đây đã trở thành đất lành của nhiều loài chim, cò.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tap-doan-th-mang-cau-chuyen-phat-trien-ben-vung-den-ngay-hoi-viet-nam-xanh-20241104225008213.htm