Trong căn nhà sàn ở thôn Cao Cầu 2 (xã Bạch Xa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang), Đại úy Lục Văn Nguyên (Công an xã Yên Thuận) vẫy gọi cậu con trai nuôi Nguyễn Quốc Bảo (9 tuổi). Cậu bé chạy lại, bố Nguyên vuốt mái tóc bù xù, dặn cậu bé phải ngủ sớm. Hôm sau, anh đưa Bảo và con gái 5 tuổi xuống Hà Nội thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Cậu nhóc nhảy lên mừng rỡ. Chị Lý Thị Năm (26 tuổi, mẹ Bảo) đứng từ xa nhìn con, mỉm cười. Người mẹ thầm cảm ơn Đại úy công an đã bước vào cuộc đời Bảo, sưởi ấm trái tim tổn thương của đứa trẻ.
“Có bố Nguyên, con không còn sợ nữa”
Mỗi lần thấy Đại úy Lục Văn Nguyên sang nhà chơi, Quốc Bảo đều mừng rỡ reo lớn “Bố Nguyên”. Đôi mắt sáng lấp lánh, đứa trẻ nói “từ ngày có bố Nguyên, con không còn sợ nữa”.
Nỗi sợ đã đeo bám Bảo cách đây 5 tháng, khi ba bố con bị nước lũ cuốn trôi do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 (siêu bão Yagi).
Chiều 8/9/2024, anh Nguyễn Văn Nhúc (30 tuổi) chở Bảo và con gái Nguyễn Thị Bảo Trang (5 tuổi) dự đám hỏi của một người thân ở xã Yên Thuận. Trên đường về nhà khi đi qua đập tràn, nước lũ chảy xiết đã cuốn trôi chiếc xe máy xuống suối.
Anh Nhúc và Bảo bám được cột mốc bên đường. Thấy bé Trang rơi xuống suối, người cha liều mình buông tay, bơi theo dòng lũ để cứu con gái.
Bố dặn Bảo cứ bám cột mốc chờ người đến cứu, còn anh sẽ đi cứu em gái Bảo. Không đủ sức, đứa trẻ bị nước lũ cuốn phăng, mắc kẹt vào một khóm tre ven suối.
Đang trực ở trụ sở công an xã, Đại úy Nguyên nhận được tin báo có một cháu bé bị kẹt giữa dòng nước lũ. Anh vừa chạy vừa hô hoán, đồng thời gọi điện lấy phao cứu sinh.
Hai phút sau, anh Nguyên có mặt tại hiện trường, triển khai phương án tìm kiếm người gặp nạn. Anh phát hiện bé Bảo trôi xa cầu tràn 100m, cố bám vào ngọn tre.
Dòng nước sâu và chảy mạnh. Anh Nguyên hỏi Bảo “biết bơi không?”, đứa trẻ lắc đầu. Anh cởi áo phao nhường cho bé trai, rồi lao xuống dòng lũ chảy xiết, cuộn dây quanh người để mọi người cùng kéo cháu lên bờ an toàn.
“Bảo hoảng loạn, người run rẩy, tôi nghĩ nếu không kịp thời cháu sẽ tuột tay trôi theo dòng nước lũ. Tôi vừa trấn an tinh thần vừa hứa sẽ cố gắng cứu bố và em gái cháu…”, anh Nguyên kể.
Quốc Bảo bị dòng lũ cuốn trôi, may mắn bám vào bụi tre ven suối và được Đại úy Nguyên cứu lên bờ an toàn (Ảnh: Mạng xã hội).
Đưa được bé trai lên bờ, Đại úy Nguyên xuôi theo dòng nước, tìm kiếm bố con anh Nhúc. Lúc này, nước lũ chảy xiết tạo thành vòng xoáy, sâu khoảng 3m, khiến công tác cứu nạn cứu hộ gặp nhiều khó khăn.
Gần hai ngày sau, thi thể anh Nhúc được tìm thấy cách điểm gặp nạn 2km, bé Trang nằm cách đó 200m.
Sự ra đi của bố con anh Nhúc khiến cả thôn Cao Cầu 2 bàng hoàng và tiếc thương, cũng khiến Đại úy Nguyên cảm thấy day dứt. Cơn bão đã cuốn trôi một gia đình vốn hạnh phúc.
Anh đau đáu nhớ lại lời đứa trẻ: “Bác cố gắng cứu bố cháu, sau này con sợ đi học các bạn bảo con không có bố”.
“Con ước làm công an để giúp được nhiều người”
Cơn bão đi qua, Đại úy Nguyên tìm đến hỏi thăm gia đình Bảo. Tổ ấm 5 người nay chỉ còn 3, chị Năm vừa hạ sinh con trai út 2 tháng tuổi. Căn nhà sàn đơn sơ không có tài sản gì đáng giá ngoài chiếc ti vi bật cả ngày “để có tiếng người”.
Bảo kể đôi lần gặp bố trong giấc mơ, “bố và em gái của con bay lên trời rồi”. Một hôm, trong bữa cơm, đứa trẻ khóc, nói với mẹ: “Con nhớ bố và em. Con chẳng cần gì đâu, con chỉ cần bố với em về ngồi ăn cơm cùng 2 mẹ con một bữa như ngày trước. Ngồi ăn cơm một bữa thôi rồi con không nhớ bố với em nữa”.
Mấy tháng trước, người thân chở mẹ con Bảo đến trạm y tế khám bệnh. Khi đi qua cầu tràn, đứa trẻ chưa hết ám ảnh, hét lớn: “Bác đừng đi nhanh, mẹ cháu rơi đấy, mất mẹ đấy”. Nói xong, Bảo bắt mẹ ôm mình thật chặt.
Thương xót hoàn cảnh đứa trẻ 9 tuổi, Đại úy Nguyên quyết định trở thành chỗ dựa tinh thần, đồng hành cùng Bảo đến khi trưởng thành.
“Bảo cũng có mong muốn nhận tôi làm bố nuôi bởi cháu thấu hiểu mất mát khi không còn bố”, anh Nguyên tâm sự, quyết tâm là điểm tựa cho đứa trẻ.
Từ đó, cậu bé mồ côi Nguyễn Quốc Bảo có thêm một người cha. Hàng ngày sau giờ học, Bảo ở nhà phụ mẹ trông em. Thỉnh thoảng, cậu ngó qua khung cửa ngóng chờ tiếng xe quen thuộc của “bố Nguyên”.
Sau khi hai bố con nhận nhau, Đại úy Nguyên thường xuyên qua lại, hướng dẫn Bảo học tập. Vợ chồng anh có một cô con gái 5 tuổi, cuối tuần anh đưa con gái sang để bọn trẻ cùng chơi. Gia đình Bảo có việc, anh Nguyên không ngần ngại tham gia, tạo cho bé trai cảm giác gần gũi như hình ảnh người bố đã khuất.
“Tôi biết ơn anh Nguyên lắm, nếu không có anh thì chắc tôi mất hết”, góa phụ trẻ xúc động.
Từ khi có Bảo làm con nuôi, Đại úy Nguyên nói đây vừa là niềm hạnh phúc, vừa là nỗi lo nếu không làm tròn trách nhiệm bảo ban đứa trẻ nên người.
Mẹ con Bảo đã nhìn thấy ánh nắng sau những ngày mưa bão (Ảnh: Tô Sa).
Anh Nguyên tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân năm 2015, công tác tại công an huyện. 4 năm sau, thực hiện mô hình công an chính quy về xã, anh xung phong về xã Yên Thuận trong đợt đầu tiên. Đặc thù địa bàn vất vả nhưng công tác ở xã giúp anh trưởng thành, va vấp nhiều hơn.
“Tôi sống với bà con dân tộc nên am hiểu các phong tục tập quán. Tôi cũng biết một số ngôn ngữ của đồng bào dân tộc nên đây là thế mạnh giúp công việc thuận tiện hơn”, anh nói.
Trong trận bão Yagi, anh hiểu dòng lũ và lượng mưa ở vùng núi có thể gây ra lũ ống, lũ quét. Được tập huấn nội dung sơ cứu, kinh nghiệm phòng, chống bão lũ, nên khi nhìn thấy cháu Bảo, anh biết thời gian cứu sống bé trai chỉ tính bằng giây nên nhanh chóng ứng cứu.
“Bố Nguyên thường đến nhà chơi với con, trong mắt con bố như người hùng. Con ước được làm công an như bố vì bố mạnh mẽ, giúp được nhiều người”, Bảo nói.
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/tet-moi-cua-be-trai-mat-bo-vi-lu-du-duoc-dai-uy-cong-an-nhan-lam-con-nuoi-20250118172735979.htm