Thứ sáu, Tháng Một 24, 2025
HomeThế GiớiTết xa quê, lòng luôn hướng về!

Tết xa quê, lòng luôn hướng về!

Tết – thời khắc của đoàn viên, của những khoảnh khắc gia đình quây quần bên nhau sau một năm bôn ba, mưu sinh. Thế nhưng điều này không hẳn đúng với những người con xa xứ.

Với những người Việt xa xứ, Tết luôn đi cùng nỗi lòng nặng trĩu nỗi nhớ nhà. Tết, với họ, không chỉ là khoảnh khắc của thời gian chuyển giao mà còn gợi lên những kỷ niệm sâu thẳm nhất – những ký ức gắn liền với quê hương, gia đình và tình thân.

Ở những miền đất xa xôi, khi người thân quê nhà gác bao bộn bề để vui Tết thì những người Việt xa xứ vẫn miệt mài công việc. Dù thế, vào những ngày thiêng liêng của đất trời Việt Nam, những góc nhỏ của những cộng đồng người Việt xa xứ vẫn bừng lên ánh sáng ấm áp của sự đoàn viên. Tết của những người Việt xa quê tại Nhật, Nga hay Úc dù đơn sơ nhưng đầy nghĩa tình, như một cách để giữ cho hồn Việt mãi vẹn nguyên.

Tết vui, nhưng Tết cũng bùi ngùi

Ba năm xa quê là ba năm anh Lý Bình Thạnh – một nhân viên công ty thực phẩm tại Nhật – đón Tết nơi đất khách. Mỗi lần nhìn thấy gia đình sắm sửa, dọn dẹp chuẩn bị cho ngày Tết qua màn hình điện thoại, lòng anh thật nhiều cảm xúc.

“Những ngày cận Tết, tôi cứ gọi về liên tục, chỉ để nhìn mọi người bận rộn, dù biết mình không thể tham gia. Dẫu xa hàng nghìn cây số, tôi vẫn thấy như mình đang sống giữa không khí Tết quê nhà” – anh Thạnh chia sẻ.

người Việt xa xứ
Anh Lý Bình Thạnh (thứ 2 từ phải sang) cùng những người đồng hương Việt Nam đón Tết tại Nhật. Ảnh: NVCC

“Xa nhà càng lâu, tôi càng thấm thía giá trị của những ngày Tết đoàn viên. Ở nơi đây, dù vẫn bận rộn công việc như bạn bè bản xứ nhưng tôi và những người đồng hương dành thời gian cùng nhau đón một cái Tết nhỏ, giản dị nhưng đậm chất Việt” – anh nói.

Ở một góc khác của thế giới, bạn Mai Thị Khánh Linh – một du học sinh Việt Nam tại Nga – cũng chung nỗi niềm. Đối với Linh, Tết vừa là niềm vui, vừa là nỗi buồn khó tả.

“Thích vì đây là dịp mình được gần gũi hơn với cộng đồng người Việt, cùng nhau chuẩn bị những món ăn truyền thống và ôn lại kỷ niệm quê hương. Nhưng cũng ‘ghét’ vì nỗi nhớ nhà cứ trào dâng mỗi khi nhìn những bức ảnh gia đình sum họp gửi qua” – Linh nói.

Ảnh 5.jpg
Bạn Mai Thị Khánh Linh, lưu học sinh Việt Nam tại Rostov – vùng cận chiến ở Nga. Ảnh: NVCC

Linh nghẹn ngào kể lại có năm bạn phải thi liền ba môn vào đúng ngày mùng Một: “Khi ấy, mình vừa làm bài thi vừa nghĩ đến mâm cơm Tết ở nhà. Chỉ muốn buông bút mà chạy về ngay với gia đình. Nhưng rồi lại tự nhủ, mình đi học là để có tương lai tốt hơn, để sau này có thể đón những cái Tết trọn vẹn hơn cùng người thân”.

Với anh Trần Văn Lợi – một lao động Việt Nam tại Úc, Tết là thời gian anh nhớ nhà nhiều nhất. Xa nhà đã hai năm, mỗi dịp Tết về, anh lại nhớ như in những ngày còn ở quê, cùng mẹ chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên và cùng bạn bè đi chúc Tết khắp xóm.

“Xa quê rồi mới thấy nhớ da diết những điều tưởng như bình thường ấy. Tết không chỉ là dịp nghỉ ngơi mà còn là thời điểm để mỗi người con xa xứ hướng về nguồn cội” – anh Lợi tỏ bày.

Lợi.jpg
Anh Trần Văn Lợi – một lao động Việt tại Úc. Ảnh: NVCC

Tết xa quê, với những người Việt nơi đất khách, không chỉ là dịp để nhìn lại một năm đã qua mà còn là khoảnh khắc khơi dậy niềm hy vọng cho một năm mới tốt đẹp hơn. Đó là hy vọng về một ngày được trở về, được đón Tết trọn vẹn bên gia đình và cùng nhau sẻ chia những khoảnh khắc quý giá nhất.

Dẫu có khó khăn, thử thách, nhưng với những người con xa quê, Tết mãi là mùa của yêu thương và đoàn tụ. Chúc cho tất cả những người con xa quê luôn vững vàng, mạnh mẽ và tìm thấy niềm vui, hơi ấm trong mùa xuân mới. Mong rằng một ngày không xa, họ sẽ được trở về, để cùng gia đình đón một cái Tết đủ đầy yêu thương.

Tết xa nhưng lòng gần

Xa xứ là thế, nhưng những người con Việt Nam nơi đất khách vẫn luôn tìm cách giữ gìn bản sắc dân tộc.

Tuy xa quê, nhưng với anh Thạnh, Tết chưa bao giờ mất đi ý nghĩa thiêng liêng. Chính sự gắn kết giữa những người Việt nơi xứ người đã giúp anh nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ nhà.

“Chúng tôi đón Tết cùng nhau như một gia đình lớn. Dù thiếu thốn đủ bề, nhưng chỉ cần có sự sẻ chia, cái Tết ấy vẫn rất ấm áp” – anh Thạnh chia sẻ.

5bedfa49-4ee8-43bf-989f-eef5aeb4242f (1).jpeg
Mâm quả đơn sơ nhưng gửi gắm nhiều nguyện ước của những người con xa quê mưu sinh trên đất Nhật. Ảnh: NVCC

Những ngày cuối năm, anh Thạnh cùng các đồng nghiệp đồng hương cùng nhau nấu nồi thịt kho trứng, làm bánh chưng, bày mâm ngũ quả. Chỉ cần thoảng qua hương vị thân quen ấy, bao nỗi nhớ quê lại ùa về. Dẫu biết ở Nhật, Tết không có kỳ nghỉ dài, mọi người vẫn phải đi làm, nhưng vào những ngày nghỉ hiếm hoi, họ lại tụ họp cùng nhau đón Tết, nâng ly, kể chuyện quê hương và tiếp thêm động lực để bước qua năm mới.

Giữa cái lạnh âm hàng chục độ của nước Nga, Linh cùng nhóm bạn vẫn cố gắng gìn giữ phong tục Việt. Những chiếc bánh chưng vuông vức, nồi xôi gấc đỏ thắm, hay cây nêu được trang trí bằng giấy đỏ và câu đối… tất cả đều do chính tay các bạn làm.

“Những lúc ấy, dù xa quê, nhưng mình vẫn cảm nhận được hơi ấm từ tình cảm của mọi người. Tết không còn là những ngày cô đơn nữa, mà trở thành dịp để tụi mình tìm lại hồn quê” – Linh chia sẻ.

Ảnh 8.JPG
Các lưu học sinh tại tỉnh Rostov (Nga) chụp hình kỷ niệm cùng nhau mừng năm mới. Ảnh: NVCC

“Các cô chú cộng đồng người Việt ở đây rất dễ thương, luôn mời chúng tôi đến nhà đón Tết chung. Căn nhà nào cũng được trang trí tươm tất, trông không khác gì một gia đình ở Việt Nam. Chúng tôi thấy an ủi và biết ơn đồng bào mình lắm” – cô bạn cười chia sẻ sự áp mình nhận được.

Những ngày cuối năm, khi người Úc vẫn tất bật với công việc, anh Lợi cùng cộng đồng người Việt tại đây tự tạo cho mình một không gian riêng, nơi những phong tục truyền thống được tái hiện một cách trọn vẹn nhất. Họ cùng nhau gói bánh, chuẩn bị mâm cúng và tổ chức đêm giao thừa, trao nhau những lời chúc năm mới bằng tiếng Việt.

“Dù không thể so sánh với Tết ở quê nhà, nhưng những khoảnh khắc ấy giúp tôi cảm thấy mình vẫn thuộc về nơi nào đó, vẫn có quê hương trong tim” – anh Lợi nói về cảm xúc của mình.

Tết, đối với những người con xa quê như anh Thạnh, bạn Linh hay anh Lợi, không chỉ là một dịp lễ mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa ký ức và những ước vọng. Mỗi người đều có một câu chuyện riêng, nhưng điểm chung là họ luôn giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, luôn hướng về quê hương và mong một ngày được đoàn viên.

Xa quê, nhưng họ không cô đơn. Chính tình cảm gắn kết giữa những người đồng hương nơi xứ người đã giúp họ vượt qua nỗi cô độc, tìm thấy niềm an ủi và tiếp thêm động lực để tiếp tục hành trình nơi đất khách. Tết, dù có thể thiếu đi sắc đào, sắc mai, mâm cỗ đủ đầy hay những lời chúc từ người thân, nhưng chỉ cần có sự sẻ chia, có tình đồng hương, họ vẫn cảm nhận được hơi ấm của quê nhà.

Những lời chúc Tết từ phương xa

Trước thềm xuân mới, anh Thạnh gửi lời chúc đến quê hương và những người Việt xa xứ như mình: “Chúc quê hương một năm mới bình an, hạnh phúc. Chúc những người con xa quê luôn vững lòng, luôn mạnh mẽ, để rồi một ngày không xa, chúng ta lại được trở về bên gia đình, đón một cái Tết trọn vẹn yêu thương”.

“Xin kính chúc tất cả mọi người, những người con đất Việt dù đang ở trong nước hay là đang ở nơi xa, lúc nào cũng sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự như ý và đặc biệt là phải luôn hạnh phúc bên những người thân yêu của mình. Chúc mọi người có một năm mới tràn đầy niềm vui và đặt nhiều may mắn!” – bạn Linh gửi lời chúc Tết đến mọi người con đất Việt.

Nhân dịp năm mới 2025, anh Lợi gửi lời chúc chân thành nhất đến tất cả những ai đang sinh sống và làm việc nơi đất khách quê người: “Chúc mọi người vững vàng hơn, mạnh mẽ hơn, luôn giữ trong tim ngọn lửa ấm áp của tình thân. Mong rằng dù ở đâu, chúng ta vẫn tìm thấy niềm vui, sự an yên và những điều tốt lành trong năm mới. Cũng xin gửi đến mọi người ở quê nhà lời chúc bình an, hạnh phúc và một cái Tết thật trọn vẹn bên gia đình”.

Dù ở đâu, Tết vẫn luôn là Tết – là thời điểm để sống chậm lại, để nhớ về nguồn cội, và để hy vọng vào một hành trình mới tươi sáng hơn.

Chúc mừng năm mới, và chúc tất cả chúng ta đón một cái Tết thật đủ đầy, vui vẻ, an khang!

Tết của xóm lao động Việt ở Campuchia: Mong đoàn viên, trọng nghĩa tình
Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Nguồn: https://plo.vn/tet-xa-que-long-luon-huong-ve-post829806.html

PLO Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay