Thứ năm, Tháng hai 6, 2025
HomePháp LuậtThấy gì từ việc hàng nghìn tấn đất hiếm bị thất thoát...

Thấy gì từ việc hàng nghìn tấn đất hiếm bị thất thoát ra nước ngoài?

Trong bản kết luận điều tra vụ án khai thác trái phép đất hiếm ở Yên Bái, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đưa ra những nhận định về nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội của các bị can.

Tính khả thi về chế biến đất hiếm chưa cao

Theo đó, Bộ Công an nhận thấy có sự buông lỏng trong việc quản lý cấp phép thăm dò, khai thác và chế biến sâu đất hiếm; thiếu kiểm tra trong việc thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác tài nguyên của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là việc kiểm tra, giám sát quá trình khai thác và chế biến sâu đất hiếm.

Do đó, các đối tượng đã lợi dụng giấy phép để khai thác số lượng đặc biệt lớn và không báo cáo các cơ quan chức năng, tiêu thụ trái quy định nguồn tài nguyên khai thác được để hưởng lợi bất chính.

Bộ Công an cũng cho rằng việc kiểm soát quá trình sử dụng nguyên liệu nhập khẩu dùng để sản xuất còn sơ hở, chủ yếu dựa vào sự báo cáo của doanh nghiệp.

Thấy gì từ việc hàng nghìn tấn đất hiếm bị thất thoát ra nước ngoài? - 1

Toàn cảnh mỏ đất hiếm (Ảnh: Văn Đức).

Vì vậy, các đối tượng đã lợi dụng để mua nguyên liệu đất hiếm không có hóa đơn chứng từ được khai thác trái phép trong nước, để sản xuất, chế biến thành tổng oxit đất hiếm và khai báo với cơ quan hải quan khi thực hiện xuất khẩu là hàng hóa được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu, với thuế xuất 0%, qua đó xuất khẩu trái phép đất hiếm với số lượng lớn.

Bên cạnh đó, theo kết luận điều tra, tính khả thi của quy định về chế biến đất hiếm còn chưa cao.

Theo quy định hiện hành, đất hiếm phải được chế biến thành tổng oxit đất hiếm có hàm lượng từ 95% trở lên mới được xuất khẩu. 

“Để chế biến được sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu, đòi hỏi doanh nghiệp phải có tiềm lực kinh tế đủ mạnh, hợp tác với các nước phát triển để chuyển giao công nghệ đạt chuẩn.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc chuyển giao công nghệ chế biến đất hiếm với các nước phát triển là hết sức khó khăn, công nghệ trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu, doanh nghiệp được cấp phép tự lắp đặt dây chuyền theo hình thức chắp vá, không đảm bảo chế biến được sản phẩm đạt chuẩn để xuất khẩu, dẫn đến khai thác, bán trái phép đất hiếm, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản”, Bộ Công an nhận định.

Kiến nghị thắt chặt thẩm định hồ sơ, cấp giấy phép khai thác khoáng sản

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác, chế biến đất hiếm, cơ quan điều tra Bộ Công an kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định cụ thể, chặt chẽ để quản lý việc cấp phép thăm dò, khai thác và đặc biệt là việc sử dụng nguồn đất hiếm khai thác được để chế biến sâu đất hiếm.

Bộ Công an cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực cấp phép thăm dò, khai thác và chế biến tài nguyên; bổ sung quy định về việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ sản lượng khai thác và quản lý việc chấp hành các quy định theo giấy phép được cấp của doanh nghiệp.

Thấy gì từ việc hàng nghìn tấn đất hiếm bị thất thoát ra nước ngoài? - 2

Đoàn Văn Huấn (trái) và Nguyễn Văn Chính (Ảnh: Bộ Công an).

“Cần có quy định cụ thể về việc giám định thành phần sản phẩm đất hiếm xuất khẩu để có căn cứ cho cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc doanh nghiệp khai báo hàng hóa xuất khẩu có đúng quy định hay không”, kết luận điều tra nêu.

Đồng thời, Bộ Công an kiến nghị ngành Hải quan tăng cường hoàn thiện các quy định quản lý hoạt động xuất, nhập khẩu; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực kiểm soát đối với các loại hàng hóa mới, có tính đặc thù, trong đó có đất hiếm.

Cơ quan điều tra cũng kiến nghị thắt chặt công tác thẩm định hồ sơ, cấp giấy phép khai thác khoáng sản nói chung, đất hiếm nói riêng.

Đặc biệt, cơ quan cấp phép cần thẩm định kỹ năng lực tài chính, khoa học công nghệ của doanh nghiệp xin cấp phép, tránh tình trạng sau khi được cấp phép không thể thực hiện được việc chế biến khoáng sản đạt tiêu chuẩn trước khi tiêu thụ, dẫn đến khai thác, tiêu thụ trái phép.

Theo kết luận điều tra, từ năm 2019 đến năm 2023, Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Thái Dương, chỉ đạo, tổ chức khai thác trái phép quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ đất hiếm Yên Phú (huyện Văn Yên, Yên Bái) với tổng giá trị hơn 864 tỷ đồng.

Trong đó, Huấn bán trái phép hơn 10.200 tấn quặng đất hiếm và hơn 280.000 tấn quặng sắt, để hưởng lợi bất chính hơn 736 tỷ đồng.

Ngoài ra, Huấn cũng chỉ đạo Nguyễn Văn Chính xuất hóa đơn bán quặng đất hiếm và quặng sắt ghi đơn giá thấp hơn giá bán thực tế, qua đó khai man, để ngoài sổ kế toán gần 28 tỷ đồng doanh thu, không kê khai nộp thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 9,6 tỷ đồng tiền thuế.

Huấn cũng bị cáo buộc không xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, không thực hiện các biện pháp xử lý chất thải đạt chuẩn, chưa được cấp phép xả thải ra môi trường, tuy nhiên vẫn chỉ đạo cấp dưới xả, đổ ra môi trường trái pháp luật hơn 348.000 tấn bùn thải quặng đuôi và 2.425 tấn bùn thải lẫn thạch cao.

Nguồn: https://dantri.com.vn/phap-luat/thay-gi-tu-viec-hang-nghin-tan-dat-hiem-bi-that-thoat-ra-nuoc-ngoai-20250205225627456.htm

DanTri Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay