Sáng 1-11, một ngày sau lễ chia tay đầm ấm tại sân trường, thầy Hoàng Minh Ngọc (nguyên hiệu trưởng Trường THPT Phan Chu Trinh ở xã Ea Ral, Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk) đến trường bàn giao công việc cho đồng nghiệp.
Nhiều học trò, thầy cô giáo vẫn chưa quen việc hôm nay thầy đã nghỉ hưu…
Thầy hiệu trưởng: “Tôi bất ngờ và xúc động”
Vẫn giữ nguyên nét hiền lành của người đã 38 năm 2 tháng làm “người đưa đò”, thầy Ngọc nói hôm qua là một trong những ngày hạnh phúc nhất đời ông.
Thầy kể sáng 31-10, cô Nguyễn Thị Xuân Thu – phó hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Phan Chu Trinh – gọi nói trường có 15 phút sinh hoạt giữa giờ ra chơi, mời thầy về tham dự.
“Lúc tôi về, học trò kéo xuống sân trường, mình chẳng biết gì cứ đi theo, rồi bất ngờ các em tổ chức lễ chia tay. Hôm qua là ngày hạnh phúc nhất trong hơn 38 năm làm nghề của tôi”, thầy Ngọc xúc động chia sẻ.
Nói về khâu tổ chức buổi lễ chia tay, cô Lâm Thị Thiên Trang – cán bộ Đoàn trường Trường THPT Phan Chu Trinh – nói bản thân trong ban tổ chức cũng bất ngờ về tình cảm của học trò dành cho thầy.
“Thầy được nhiều cán bộ, giáo viên và học sinh yêu quý nên trước khi thầy nghỉ hưu, chúng tôi muốn làm cái gì đó thật sự ý nghĩa”, cô Trang tâm sự.
Thế là “kịch bản” chia tay thầy hiệu trưởng được nhóm cô Trang và học trò âm thầm thực hiện. Từ việc in ảnh thầy, băng rôn in chữ “Thầy Hoàng Minh Ngọc mãi đỉnh”, “Chúng em cám ơn thầy Ngọc”… đều được tính toán sao cho hợp lý. Chúng tôi giữ bí mật với các giáo viên, với thầy Ngọc để tạo sự bất ngờ, nhưng cũng bất ngờ về việc học trò làm chương trình quá xúc động”, cô Trang kể.
Lắng nghe và hiểu học trò
Là một trong 1.400 học sinh tham gia lễ chia tay thầy hiệu trưởng, bạn Nguyễn Thị Hương Giang, học sinh lớp 12A7 Trường THPT Phan Chu Trinh, chia sẻ giờ ra chơi sáng 31-10, hàng ngàn bạn ùa ra hành lang. “Nhìn thấy thầy hạnh phúc trong buổi lễ, tụi mình cũng rất vui”, Giang bộc bạch.
Thầy HOÀNG MINH NGỌC
Giáo dục là sự kỷ cương nhưng phải lắng nghe, thấu hiểu và thuyết phục để học trò thay đổi, hoàn thiện bản thân
Còn cô Nguyễn Thị Xuân Thu – phó hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Phan Chu Trinh – cho biết thông thường chia tay cán bộ quản lý về hưu chỉ diễn ra trong lễ công bố của sở với các thầy cô giáo vào chiều 31-10.
“Tuy nhiên mình muốn các học sinh biết và làm gì đó thật ý nghĩa cho người thầy đáng kính. Ý tưởng là vậy, nhưng mọi việc mình giao cho Đoàn trường và các em học sinh”, cô Thu kể.
Nói về bản thân mình, thầy Ngọc hết sức kiệm lời vì “có gì đâu mà kể”. “Hơn 38 năm công tác, biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui với nghề nhưng đọng lại suy nghĩ: Nếu người thầy luôn lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ với học trò thì sẽ được yêu mến”, thầy chiêm nghiệm.
Cấm đoán một chiều sẽ phản tác dụng
Đứng trong khuôn viên trường, thầy Ngọc nói học trò tuổi đang lớn, luôn có sự “nổi loạn” tuổi mười tám, đôi mươi. Có học trò nhuộm tóc xanh đỏ, đeo khuyên tai, đeo khuyên mũi, việc cấm đoán một chiều sẽ phản tác dụng.
“Tôi thường nói với các em là tôi tôn trọng sở thích nhưng các em có hiểu ý nghĩa của việc nhuộm tóc, đeo khuyên tai không? Những ngôi sao bóng đá, ca nhạc họ nhuộm tóc, đeo khuyên tai khi đã khẳng định mình. Với các em, trước mắt nên khẳng định mình bằng việc học để có nghề nghiệp nuôi sống bản thân và gia đình. Việc nhuộm tóc, đeo khuyên tai trong trường chỉ khẳng định sự ngỗ ngược mà thôi. Học trò nghe, hiểu và chấp hành rất ngoan”, thầy Ngọc chia sẻ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/thay-hieu-truong-ve-huu-ngan-hoc-tro-nho-muon-duoc-yeu-men-minh-phai-trai-long-voi-hoc-tro-20241101145436318.htm