
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump – Ảnh: REUTERS
Mối quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bất ngờ rơi vào căng thẳng, sau khi nhà lãnh đạo Mỹ công khai chỉ trích ông Zelensky trên mạng xã hội.
Đăng trên mạng xã hội Truth Social tối 19-2 giờ Mỹ, ông Trump gọi ông Zelensky là “nhà độc tài không thông qua bầu cử”.
Điều này đang báo hiệu tình hình bất ổn thực sự đối với tương lai của Ukraine và rộng hơn cả là một trật tự thế giới mới.
Tiến thoái lưỡng nan
Cuộc “đấu khẩu” bất ngờ chắc chắn là một tín hiệu xấu cho Ukraine, đặc biệt là khi nó diễn ra với tổng thống của một siêu cường thế giới, và là người đứng đầu đất nước trước đó đã có những hỗ trợ đáng kể cho nỗ lực phòng thủ và phản công của Ukraine suốt 3 năm qua.
Chính vì thế, Kiev giờ đây phải đứng giữa thế lưỡng nan đầy khó khăn. Một mặt, nếu phải lựa chọn làm theo ý muốn của Tổng thống Trump và tổ chức bầu cử, Ukraine sẽ phải đối mặt với loạt khó khăn có khả năng dẫn tới bất ổn chính trị lớn trong nước.
Phát biểu tại một diễn đàn ở Kiev (Ukraine) diễn ra vào ngày 11-2, Thị trưởng thủ đô Kiev Vitaly Klitschko đã khẳng định bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng “có thể trở nên rất đau đớn đối với mỗi người dân Ukraine” và cho rằng vấn đề bầu cử có thể trở thành “một thách thức khó khăn” đối với Ukraine khi nó “đi kèm với những lời cáo buộc lẫn nhau” của các đảng phái chính trị, theo trang tin NikVesti.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky – Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, nếu không đáp ứng các yêu cầu của ông Trump, sự hỗ trợ về tài chính và quân sự đắt giá của Mỹ dành cho Ukraine trong những năm qua nhiều khả năng sẽ chấm dứt. Điều này chắc chắn sẽ khiến tình hình chiến trường biến chuyển hoàn toàn bất lợi cho Ukraine.
“Thành thật mà nói: Nếu không có Mỹ, chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, Tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu Tổng cục Tình báo Ukraine, cho biết hôm 19-2, theo báo New York Times.
Điều đáng lưu ý hơn cả là Ukraine đang trong tình thế bị Mỹ gạt ra khỏi các cuộc đàm phán với Nga về chấm dứt chiến sự tại chính quốc gia này. Bối cảnh đó khiến việc Ukraine tìm lối thoát khác khỏi thế lưỡng nan trên càng thêm khó khăn.
Một nước Mỹ mới?
Quan trọng hơn cả, việc Tổng thống Trump bất ngờ công kích Tổng thống Ukraine tiếp tục là một dấu chỉ lớn, báo hiệu cho một bước chuyển mình mạnh mẽ mang tính lịch sử trong chính sách đối ngoại Mỹ sắp tới.
Trong đó, nước Mỹ sẽ không còn hành động với vai trò là “cảnh sát toàn cầu” như đã theo đuổi kể từ sau Thế chiến II. Thay vào đó, nước Mỹ sẽ tiên quyết hành động vì lợi ích của người Mỹ đầu tiên trước bối cảnh chính trị toàn cầu đang thay đổi ngày một chóng mặt.

Tổng thống Mỹ Donald Trump – Ảnh: REUTERS
“Không phải là Tổng thống Trump đang từ bỏ trật tự hậu Thế chiến II. Mà là chúng ta không còn ở thời kỳ hậu Thế chiến II nữa và chúng ta phải chấp nhận rằng bối cảnh địa chính trị đã thay đổi”, báo Wall Street Journal dẫn lời bà Victoria Coates, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, nhận xét.
Những sự thay đổi này một lần nữa báo hiệu rằng mối quan hệ nồng ấm giữa Mỹ với các nước đồng minh nhiều khả năng sẽ kết thúc, và chính phủ các bên sẽ phải chi nhiều hơn cho quân đội của họ trong khi vẫn phải dành ưu đãi kinh tế để duy trì sự ủng hộ của Washington.
“Ông Trump đang thực hiện phương hướng đối ngoại có từ thời Tổng thống Dwight Eisenhower, người đã lo lắng vào năm 1959 rằng thái độ thờ ơ của châu Âu đối với an ninh của chính mình đang biến ‘Chú Sam’ thành ‘Chú Ngốc'”, ông Justin Logan, giám đốc nghiên cứu chính sách tại Viện Cato (Mỹ) bình luận.
Chú Sam (Uncle Sam) là một biệt danh cho nước Mỹ. Theo giai thoại, nó bắt nguồn từ một người tên Samuel Wilson chuyên cung cấp thịt bò đòng thùng cho quân đội Mỹ trong chiến tranh Mỹ – Anh năm 1812. Ông Wilson đã đóng lên các thùng thịt chữ “U.S.”, vốn là viết tắt cho chữ “United States”, nhưng những người lính đã gọi chệch thành Uncle Sam, từ đó biệt danh Chú Sam ra đời và được chấp nhận rộng rãi như một cách để chỉ Mỹ.
Đọc tiếp
Về trang Chủ đề
Nguồn: https://tuoitre.vn/luong-nan-cua-ukraine-khi-ong-trump-chi-trich-cong-khai-zelensky-2025022014565967.htm