Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 24-12, nội dung đề thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu lớp 12 và có một số câu hỏi thuộc kiến thức lớp 10, 11. Đề thi được xây dựng theo ma trận gồm có các cấp độ tư duy: biết, hiểu, vận dụng.
2 môn thi bắt buộc, 1 bài thi tự chọn
So với các năm trước, đề thi sẽ có những thay đổi nhằm đạt yêu cầu kiểm tra năng lực, phẩm chất người học, tỉ lệ câu hỏi có tính phân hóa sẽ tăng so với các năm trước, trong đó có các câu vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tế cuộc sống.
Đặc biệt ở các môn thi trắc nghiệm, ngoài dạng câu hỏi quen thuộc có nhiều phương án lựa chọn, sẽ có thêm các dạng thức mới như câu đúng/sai, câu trả lời ngắn. Việc tính điểm trong bài thi trắc nghiệm cũng thay đổi, không chia đều số điểm cho mỗi câu hỏi trong đề thi mà có mức điểm khác nhau.
Thí sinh là học sinh lớp 12 dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ phải thi hai môn bắt buộc là toán, ngữ văn và một bài thi tự chọn có hai môn được lựa chọn trong số các môn còn lại là vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ – công nghiệp, công nghệ – nông nghiệp, tin học, ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, kinh tế và pháp luật. Thí sinh được chọn thi môn ngoại ngữ khác với ngoại ngữ được học tại trường phổ thông.
Kỳ thi sẽ diễn ra trong 3 buổi (1 buổi thi toán, 1 buổi thi ngữ văn và 1 buổi thi bài tự chọn gồm 2 môn thi tự chọn). So với năm trước kỳ thi giảm 1 buổi và giảm 2 môn thi.
Lần đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT có thêm phương thức vận chuyển đề thi từ địa điểm hội đồng ra đề thi tới điểm in sao đề thi của 63 tỉnh thành qua hệ thống đường truyền mã hóa và bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ.
Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ vào các khâu trọng yếu của quy trình tổ chức kỳ thi.
Phương thức vận chuyển đề thi mới này giúp chuyển đề thi gốc nhanh, kịp thời, giảm bớt được thời gian và nhân sự vận chuyển đề thi như phương pháp truyền thống đang áp dụng; đồng thời đây cũng là bước chuẩn bị từ sớm, từ xa và quan trọng trong việc thực hiện phương án thi theo lộ trình chuyển đổi hình thức từ thi trên giấy sang thi trên máy tính đã công bố.
Địa phương chịu trách nhiệm
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được giao cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm toàn bộ các khâu từ in sao đề thi, coi thi, chấm thi, xét tốt nghiệp THPT. Bộ GD-ĐT tiếp tục cử cán bộ, giảng viên của các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng thuộc khối đào tạo giáo viên làm công tác thanh tra thi tại các địa phương.
Tiếp tục duy trì và tăng cường các giải pháp kỹ thuật ở khâu bố trí giám thị coi thi, bảo quản đề thi, niêm phong bàn giao túi bài thi. Đặt camera giám sát 24/24 nơi để tủ đề thi, bài thi. Tăng cường trách nhiệm của người tham gia bảo quản đề thi, bài thi tại các hội đồng thi.
Việc chấm thi do hội đồng chấm thi tại địa phương chủ trì chấm bài thi trắc nghiệm và tự luận. Sở GD-ĐT địa phương chịu trách nhiệm chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, tài chính; hệ thống máy tính, máy quét ảnh và các thiết bị phụ trợ đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn hằng năm của bộ, phối hợp với lực lượng công an, bảo vệ đảm bảo an ninh, an toàn cho việc chấm thi.
Miễn thi và xét đặc cách, bảo lưu
Bộ GD-ĐT quy định miễn thi môn ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT với các trường hợp: thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn ngoại ngữ, người có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ do bộ công nhận tương đương với khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam (đạt từ 3 trở lên và có giá trị sử dụng đến ngày làm thủ tục dự thi).
Thí sinh đạt yêu cầu miễn thi môn ngoại ngữ để xét tốt nghiệp không được quy đổi điểm để tính vào tổng điểm xét tốt nghiệp. Trường hợp đủ điều kiện miễn thi ngoại ngữ nhưng muốn dự thi để sử dụng kết quả môn ngoại ngữ để tuyển sinh đại học, cao đẳng thì phải sử dụng điểm thi thực tế để tính điểm xét tốt nghiệp THPT.
Năm trước, với các trường hợp miễn thi ngoại ngữ, Bộ GD-ĐT cho phép quy ra điểm 10. Trong đó người có chứng chỉ IELTS 4.0 hay 8.5 đều được 10 như nhau. Điều chỉnh mới vẫn có tính khuyến khích học sinh học ngoại ngữ nhưng đảm bảo công bằng hơn giữa các thí sinh.
Thí sinh được miễn tất cả các bài thi tốt nghiệp THPT trong các trường hợp sau:
Người được triệu tập tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế hoặc Olympic khu vực các môn văn hóa với các điều kiện: được triệu tập vào học kỳ 2 lớp 12, xếp loại cả năm lớp 12 đạt hạnh kiểm tốt và học lực từ khá trở lên;
Người trong đội tuyển tham gia cuộc thi Olympic quốc tế hoặc Olympic khu vực về khoa học kỹ thuật, văn hóa – văn nghệ với các điều kiện: được triệu tập vào học kỳ 2 lớp 12 và có xếp loại cả năm lớp 12 đạt hạnh kiểm và học lực từ trung bình trở lên.
Đánh giá toàn diện
Cách tính điểm xét tốt nghiệp như sau: Tổng điểm thi (gồm điểm 4 môn thi và điểm khuyến khích nếu có chia 4) cộng với điểm trung bình các năm học, rồi chia 2, sau đó cộng với điểm ưu tiên (nếu có).
Những thí sinh đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT, không bị kỷ luật hủy kết quả thi, các môn thi đều đạt trên 1,0 theo thang điểm 10 và có điểm xét tuyển đạt 5,0 trở lên thì được công nhận tốt nghiệp.
So với năm trước, việc sử dụng kết hợp điểm đánh giá quá trình (học bạ) và kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp theo tỉ lệ 50-50. Điều chỉnh này để đánh giá sát hơn người học chương trình giáo dục phổ thông 2018 (gồm nhiều năng lực khác mà bài thi tốt nghiệp không đánh giá hết được).
Hai đề thi tốt nghiệp
Thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2018 dự thi với đề thi được ra theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2006 (chương trình cũ) dự thi với đề thi ra theo chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2006 đã tốt nghiệp được lựa chọn dự thi với đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 hoặc chương trình giáo dục phổ thông 2006 để sử dụng kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-kiem-tra-nang-luc-pham-chat-hoc-sinh-20241224235329713.htm