Thiết bị hình hộp được trang bị súng máy chậm rãi lăn bánh qua chiến trường phủ đầy tuyết, không có kíp lái bên trong, đánh dấu một cột mốc quan trọng của Ukraine trong bối cảnh pháo kích của Nga trút xuống xung quanh.
Thay vì triển khai binh lính trong cuộc tấn công bộ binh diễn ra sau đó, Ukraine đã triển khai robot chiến đấu được điều khiển từ xa bởi Lữ đoàn Khartiia. Đây là bước tiến mới trong cuộc xung đột vốn được định hình bởi cuộc chạy đua công nghệ từ cả hai phía.
Trong cuộc tấn công hồi tháng trước ở khu vực Kharkov, phía đông bắc Ukraine, Ukraine đã kết hợp các xe tấn công, rải mìn và gỡ mìn cùng với UAV. Đơn vị này cho biết đây là cuộc tấn công mặt đất hoàn toàn bằng máy móc đầu tiên được ghi nhận trong cuộc chiến giữa Ukraine và Nga.
Lữ đoàn cho biết chiến dịch đã mở đường cho một cuộc tấn công bộ binh thành công sau đó.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là tối đa hóa việc chuyển giao các nhiệm vụ trinh sát, rà phá bom mìn và tấn công từ người thật sang các cỗ máy mà chúng tôi có thể chấp nhận mất đi”, người phát ngôn của đơn vị, ông Volodymyr Dehtiarov, cho biết.
Những đơn vị như Khartiia đang áp dụng các đổi mới về công nghệ để bảo vệ mạng sống của các binh sĩ khi cuộc chiến với Nga đã kéo dài gần 3 năm và Kiev đang đối mặt với cuộc khủng hoảng về nguồn lực.
Các cơ quan chức năng Ukraine cho biết có khoảng 43.000 binh sĩ đã thiệt mạng kể từ tháng 2/2022, nhưng một số quan chức phương Tây ước tính con số này có thể cao hơn.
Sự gia tăng của các thiết bị không người lái tấn công giá rẻ đã khiến cuộc chiến sử dụng nhiều pháo binh trở nên chết chóc hơn, theo lời các binh sĩ.
Đứng trong một nhà kho khiêm tốn tại căn cứ Khartiia, một chỉ huy trung đội 21 tuổi với biệt danh “Happy” chỉ vào các kệ chứa phụ tùng cho các phương tiện của họ, bao gồm cả các UAV gắn mìn đã được sử dụng trong cuộc tấn công hồi tháng trước.
“Chúng tiến gần nhất có thể đến các chiến hào của (quân Nga)… và sau đó phát nổ”, Happy cho biết.
Các đội vận hành phương tiện robot thường đóng cách vị trí tấn công ít nhất 2km để tránh thành mục tiêu của UAV Nga, phi công 28 tuổi có biệt danh “Khort” cho biết thêm.
Các đơn vị quân sự khác của Ukraine cũng đang sử dụng công nghệ tương tự, ví dụ như cáng điều khiển từ xa, để cố gắng tạo lợi thế trên chiến trường trước một đối thủ có quân số đông hơn và trang bị tốt hơn.
Hoạt động sản xuất nội địa công nghệ điều khiển từ xa trên mặt đất đang mở rộng tại Ukraine, bao gồm thông qua các công ty khởi nghiệp nhận được hỗ trợ từ quỹ phát triển của chính phủ.
Trên bầu trời, Ukraine cũng đang sử dụng hàng chục hệ thống tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) sản xuất trong nước, theo một quan chức cấp cao hồi tháng 10.
Quân đội Nga cũng đang nhanh chóng thích nghi với tình hình, người phát ngôn Khartiia, ông Dehtiarov cho biết. Điều này buộc các đơn vị của Ukraine như Khartiia phải liên tục đổi mới cả trên và ngoài chiến trường.
“Bất kỳ lợi thế nào… sẽ bị tiêu tan sau vài tuần – hoặc nhiều nhất là vài tháng – khi đối thủ bắt đầu hiểu, phân tích, áp dụng và mở rộng quy mô các công nghệ tương tự”, ông giải thích.
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/thieu-binh-si-nghiem-trong-ukraine-dua-doi-quan-robot-xung-tran-20250117101434983.htm