Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
HomeGiáo DụcThiếu giáo viên dạy trẻ đặc biệt

Thiếu giáo viên dạy trẻ đặc biệt

Theo thông tư nói trên, trình độ chuẩn của giáo viên (GV) là có bằng cử nhân trở lên ngành giáo dục đặc biệt hoặc đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo GV mầm non, phổ thông cùng với chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm về giáo dục hòa nhập hoặc chứng chỉ nghiệp vụ giáo dục đặc biệt theo quy định của Bộ GD-ĐT.

NGHỀ “HOT” NHƯNG HIẾM NGUỒN TUYỂN

Thiếu nhân sự ngành giáo dục đặc biệt là tình hình chung trong bối cảnh thiếu GV hiện nay. Ông Hoàng Hà, Giám đốc và đồng sáng lập Công ty cổ phần Viện tâm lý giáo dục Hanamiki (có Trung tâm tư vấn và hỗ trợ hòa nhập Hanamiki), cho biết hiện nay nhiều trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (gọi tắt là trung tâm) đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng GV đáp ứng đúng các yêu cầu theo Thông tư 20/2022/TT-BGDĐT. Thực trạng này ảnh hưởng lớn đến khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của phụ huynh và học sinh trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt.

Thiếu giáo viên dạy trẻ đặc biệt- Ảnh 1.

Học sinh tự kỷ tại một trung tâm tham gia hoạt động giáo dục và trị liệu bằng cách làm vườn

Theo ông Hoàng Hà, thống kê nội bộ từ một số trung tâm cho thấy tỷ lệ tuyển dụng GV có chuyên môn sư phạm giáo dục đặc biệt chỉ đạt dưới 30% so với nhu cầu thực tế. Nguồn ứng viên chủ yếu có chuyên môn tâm lý, công tác xã hội… Các ứng viên này sẽ phải có thêm các chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm về giáo dục hòa nhập hoặc chứng chỉ nghiệp vụ giáo dục đặc biệt theo quy định của Bộ GD-ĐT để được ưu tiên tuyển dụng cho vị trí nhân viên can thiệp sớm. Còn lại, để trở thành GV của các trung tâm này, ứng viên ngoài việc có các chứng chỉ nghiệp vụ giáo dục đặc biệt, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm về giáo dục hòa nhập thì phải có bằng cử nhân trở lên ngành giáo dục đặc biệt hoặc đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo GV mầm non (tối thiểu là tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non), phổ thông (tối thiểu là có bằng cử nhân sư phạm).

Theo ông Hoàng Hà, Trung tâm tư vấn và hỗ trợ hòa nhập Hanamiki hiện chỉ tuyển dụng được một số ít GV tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm giáo dục đặc biệt từ các trường như ĐH Sư phạm TP.HCM hay ĐH Sư phạm Hà Nội, CĐ Sư phạm Trung ương… Đa phần nhân sự mới của trung tâm hiện nay tốt nghiệp các ngành sư phạm mầm non, sư phạm tiểu học, công tác xã hội, tâm lý học… kèm các chứng chỉ chuyên môn như giáo dục hòa nhập, giáo dục đặc biệt hoặc âm ngữ trị liệu.

“Tình trạng thiếu hụt nhân sự ngành giáo dục đặc biệt hiện nay phản ánh thực tế khan hiếm nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyên môn cao. Điều này đặt ra bài toán cần giải quyết về cả nguồn nhân lực và chiến lược đào tạo chuyên môn lâu dài”, ông Hoàng Hà nói.

Theo khảo sát của phóng viên Thanh Niên, lương GV ở các trung tâm này có thể từ hơn 10 triệu tới hơn 20 triệu đồng/tháng, nhưng cung không đủ cầu. Ứng viên có đầy đủ tiêu chí được lựa chọn đơn vị có chế độ đãi ngộ cao nhất (đặc biệt, GV các trường công lập của TP.HCM còn có thêm một số chính sách đặc thù, như tiền thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 08), do đó nhiều trung tâm ngoài công lập không thể chạy đua trả lương cao, nên khó tuyển được GV. Cũng vì thiếu GV nên không thể mở thêm lớp.

PHỤ HUYNH, QUẢN LÝ TRƯỜNG ĐỀU NÓNG RUỘT

Cô Phạm Thị Kim Tâm, Chủ tịch Mạng lưới tự kỷ Việt Nam, nhà sáng lập, quản lý Trường chuyên biệt Tuổi Ngọc (TP.HCM), đồng thời cũng là phụ huynh của một trẻ tự kỷ, chia sẻ: “Tuân thủ quy định tại Điều 23, Thông tư 20/2022/TT-BGDĐT, các trường đều rất cố gắng tuyển dụng GV có bằng giáo dục đặc biệt. Tuy nhiên, số GV này hằng năm ra trường rất ít, một số trường sư phạm không tuyển sinh được, đã đóng khoa Giáo dục đặc biệt. Hiện chỉ có các trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Thủ Đô Hà Nội, ĐH Sư phạm TP.HCM đào tạo ngành này, mỗi năm chỉ có khoảng 150 cử nhân ra trường thì có đủ cung cấp cho tất cả các trung tâm, các cơ sở giáo dục chuyên biệt trong cả nước không?”.

Thiếu giáo viên dạy trẻ đặc biệt- Ảnh 2.

Học sinh Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Nhân Văn (TP.HCM) học về các mặt hàng ở siêu thị

ẢNH TRUNG TÂM CUNG CẤP

Theo cô Tâm, các cử nhân sư phạm giáo dục đặc biệt mới ra trường có rất nhiều cơ hội việc làm, như được giảng viên của các trường nói trên có mở trung tâm riêng, mời về làm hoặc các GV tự mở nhóm lớp riêng. Như vậy các trung tâm, các cơ sở giáo dục đặc biệt càng khó tuyển được GV. Điều này cũng vô tình đẩy lương GV giáo dục đặc biệt lên cao, đến mức các trường ngoài công lập không thể trả được.

Quản lý tại một trung tâm nói: “Thông tư 20 của Bộ GD-ĐT quy định một lớp học trong trung tâm nhận tối đa 12 học sinh, phải có GV. Giả sử một trung tâm có cơ sở vật chất cho 50 HS, mà có nhân sự nghỉ, chỉ còn 1 GV đủ yêu cầu, có lẽ phải cho 38 học sinh kia nghỉ học, dù trung tâm có thể vẫn đủ nhân sự để can thiệp, dạy học tốt cho các em”. (còn tiếp)

Sau đại dịch Covid-19, số trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt gia tăng ?

Sau đại dịch Covid-19, số lượng trẻ em được xác định có nhu cầu giáo dục đặc biệt đã tăng đáng kể. Mặc dù chưa có nghiên cứu chính thức tại VN song ông Hoàng Hà, Giám đốc và đồng sáng lập Công ty cổ phần Viện tâm lý giáo dục Hanamiki, đưa ra một số lý do giải thích hiện tượng này.

Đầu tiên là tác động của đại dịch đến môi trường sống và tâm lý. Trong thời gian giãn cách xã hội, trẻ em phải ở nhà nhiều, ít được tiếp xúc xã hội, thay vào đó dành nhiều thời gian sử dụng thiết bị điện tử. Thứ hai, đại dịch tạo cơ hội để cha mẹ dành nhiều thời gian hơn cho con, qua đó nhận ra những khác biệt hoặc dấu hiệu bất thường về phát triển từ sớm, đưa con đi thăm khám, kiểm tra thường xuyên hơn.

Kế đó, các bộ công cụ chẩn đoán như ADOS-2, M-CHAT-R và tiêu chuẩn DSM-5 ngày càng được sử dụng phổ biến, cho phép phát hiện sớm và chính xác hơn các rối loạn phát triển. Đồng thời, các trung tâm giáo dục đặc biệt và bệnh viện cung cấp dịch vụ đánh giá chuyên sâu đã mở rộng quy mô và chất lượng.

Nhiều khó khăn về GV, công nhân viên trong giáo dục trẻ khuyết tật

Báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM tại Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ giáo dục khuyết tật năm học 2023-2024 cho thấy năm học 2023-2024, toàn TP.HCM có 39 đơn vị giáo dục đặc biệt. Trong đó gồm 20 đơn vị công lập (3 trung tâm và 17 trường chuyên biệt) và 19 đơn vị ngoài công lập (15 trung tâm và 4 trường chuyên biệt). Tổng số học sinh chuyên biệt là 3.312 em; học sinh khuyết tật trí tuệ là nhiều nhất, với hơn 1.800 em. Cũng theo báo cáo trên, năm học 2023-2024, TP có tổng cộng 698 GV và nhân viên (82 cán bộ quản lý; 562 GV và 54 nhân viên hỗ trợ) trong các đơn vị giáo dục đặc biệt.

Về khó khăn liên quan đội ngũ GV, công nhân viên trong giáo dục trẻ khuyết tật năm học 2023-2024, báo cáo cho hay: “Nhân sự không đủ nên các đơn vị phải phân công lực lượng chia nhau choàng gánh công việc, vì thế ít nhiều ảnh hưởng tới hiệu quả công tác chung của đơn vị. Các GV trẻ chưa có kinh nghiệm hoặc chưa nhạy bén để tiếp cận phương pháp dạy học mới dạy trẻ khuyết tật”; “Chưa có chế độ ưu đãi dành cho khối công nhân viên làm việc tại các cơ sở chuyên biệt, ảnh hưởng tới việc ổn định nhân sự của các đơn vị”; “Thiếu chuyên viên tâm vận động, chuyên viên vật lý trị liệu, GV can thiệp sớm nên hoạt động chuyên môn của trường chuyên biệt còn gặp nhiều hạn chế”. Ngoài ra, khó khăn khác còn là “Tìm kiếm các khóa học phù hợp cho GV, nhân viên hỗ trợ giáo dục để nâng cao trình độ chuyên môn”…

Nguồn: https://thanhnien.vn/thieu-giao-vien-day-tre-dac-biet-185241201165311563.htm

ThanhNien Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay