Quân đội Israel ngày 16-1 cho biết các tay súng Hamas đã bắn một quả rốc-két vào Israel nhưng không gây thương vong. Trong khi đó, các cuộc không kích của Israel vẫn tiếp tục diễn ra trong suốt đêm 15-1 và sáng 16-1, khiến ít nhất 81 người Palestine thiệt mạng, theo các quan chức y tế Gaza.
Trước đó không lâu, Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al Thani hôm 15-1 công bố Israel và lực lượng vũ trang Hamas đã nhất trí thỏa thuận ngừng bắn do Qatar và Mỹ làm trung gian hòa giải sau hơn 460 ngày xung đột tại Gaza.
Theo Thủ tướng Al Thani, thỏa thuận ngừng bắn dự kiến có hiệu lực vào ngày 19-1 nhưng các nhà đàm phán vẫn đang làm việc với Israel và Hamas về các bước thực hiện cụ thể.
Theo đó, thỏa thuận này chia làm nhiều giai đoạn. Trong lệnh ngừng bắn ban đầu kéo dài 6 tuần, quân đội Israel sẽ dần rút khỏi Gaza và các con tin bị Hamas bắt giữ sẽ được thả để đổi lấy các tù nhân Palestine bị Israel giam giữ.
Các cuộc đàm phán về giai đoạn thứ 2 sẽ bắt đầu vào ngày thứ 16 của giai đoạn 1. Giai đoạn này dự kiến bao gồm việc thả tất cả con tin còn lại, thực hiện lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và rút toàn bộ lực lượng Israel khỏi Gaza.
Giai đoạn thứ 3 sẽ giải quyết việc trao trả tất cả thi thể nạn nhân và bắt đầu tiến trình tái thiết Gaza do Ai Cập, Qatar và Liên hợp quốc giám sát.
Phát biểu tại Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden tin tưởng thỏa thuận sẽ ngăn chặn giao tranh ở Gaza, tăng cường viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine và giúp các con tin đoàn tụ với gia đình sau hơn 15 tháng bị giam giữ.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Israel Jack Lew cho hay các cuộc đàm phán đã đạt được tiến triển đáng kể sau khi chính quyền ông Biden và ê-kíp của Tổng thống đắc cử Donald Trump hợp tác chặt chẽ.
Đặc phái viên Trung Đông do ông Trump đề cử là ông Steve Witkoff đã có mặt tại Qatar cùng với các đặc phái viên Nhà Trắng để tham dự các cuộc đàm phán. Một quan chức cấp cao của chính quyền ông Biden cho biết sự hiện diện của ông Witkoff đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được thỏa thuận sau 96 giờ thương lượng căng thẳng.
Nếu lệnh ngừng bắn được thực thi, căng thẳng có thể dịu đi trên khắp Trung Đông, nơi chứng kiến xung đột ở Bờ Tây, Lebanon, Syria, Yemen và Iraq cũng như đối đầu trực diện diện giữa Israel và Iran. Liên hợp quốc cùng Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế cho biết họ đang chuẩn bị mở rộng quy mô hoạt động viện trợ.
Phản ứng về thỏa thuận mới, các nhà lãnh đạo Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Jordan, Đức và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất… đều bày tỏ sự hoan nghênh.
Trong tuyên bố trên mạng xã hội, Hamas gọi lệnh ngừng bắn là một thành tựu cho người dân Palestine và là bước ngoặt. Thông qua kênh Telegram, quan chức Hamas Izzat al-Risheq cho biết lực lượng này cam kết thực hiện thỏa thuận.
Ngược lại, tình hình đang trở nên phức tạp hơn ở Israel. Theo kênh Al Jazeera, sau tuyên bố của Hamas, Văn phòng Thủ tướng Israel cáo buộc lực lượng này rút lại một số nội dung của thỏa thuận nhằm đạt được sự nhượng bộ vào phút cuối.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang đối mặt với áp lực lớn phải đưa con tin ở Gaza về nước, song các đối tác liên minh cực hữu trong chính phủ của ông đe dọa sẽ lật đổ chính phủ nếu ông nhượng bộ quá nhiều.
Trước mắt, ông Netanyahu tuyên bố nội các Israel sẽ hoãn cuộc họp phê duyệt thỏa thuận, lẽ ra tổ chức vào ngày 16-1, cho đến khi Hamas chịu chấp nhận tất cả điều kiện.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoa-thuan-ngung-ban-gaza-van-mong-manh-19625011621582971.htm