Thứ sáu, Tháng Một 24, 2025
HomeThời SựThống nhất trình Quốc hội dự án đường sắt tốc độ cao...

Thống nhất trình Quốc hội dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Chiều tối 6/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Động lực cho phát triển kinh tế – xã hội

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến, tốc độ 350km/h và giao các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Theo ông Thắng, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã đánh giá, bối cảnh trong nước, quốc tế và tình hình phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, đồng thời đã nêu rõ lý do tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam chưa được Quốc hội thông qua vào năm 2010, do còn có ý kiến băn khoăn về tốc độ, phương án khai thác, nguồn lực đầu tư.

“Với nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2010; nợ công ở mức thấp khoảng 37% GDP; dự kiến thời điểm triển khai xây dựng vào năm 2027, quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỷ USD nên nguồn lực để đầu tư không còn là trở ngại lớn”, ông Thắng nói.

Thống nhất trình Quốc hội dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam - 1

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình (Ảnh: Phạm Thắng).

Mục tiêu của dự án là xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc – Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TPHCM (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố, với chiều dài tuyến khoảng 1.541km.

Về quy mô đầu tư, Bộ trưởng GTVT cho hay sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Cơ quan trình đề xuất hình thức đầu tư dự án là đầu tư công, việc phân chia dự án thành phần được thực hiện khi phê duyệt dự án đầu tư. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD).

Nhu cầu vốn thực hiện dự án rất lớn

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự án phù hợp các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia và cơ bản đáp ứng yêu cầu về hồ sơ và thống nhất sự cần thiết đầu tư dự án.

Thống nhất trình Quốc hội dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam - 2

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra (Ảnh: Phạm Thắng).

Về phạm vi, quy mô đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ, có ý kiến đề nghị làm rõ hướng tuyến theo nguyên tắc “thẳng nhất có thể”, nhất là đoạn đi qua tỉnh Nam Định, để bảo đảm hiệu quả dự án.

Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ hơn phương án kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và hệ thống giao thông khác; kết nối liên thông với mạng lưới đường sắt trong khu vực và quốc tế.

Về hiệu quả kinh tế – xã hội, ông Thanh cho hay, có ý kiến đề nghị làm rõ các cơ sở tính toán về dự báo nhu cầu vận tải, khi thực tế thời gian qua việc dự báo nhu cầu vận tải của nhiều dự án giao thông BOT có sự chênh lệch lớn so với thực tế, dẫn đến thiếu hiệu quả.

Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định Nhà nước cũng cho rằng, dự báo doanh thu và tăng trưởng doanh thu đang ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, đề nghị rà soát kỹ lưỡng để đánh giá đúng thực tế hiệu quả tài chính của dự án và khả năng ngân sách Nhà nước phải bù lỗ trong tương lai.

Về nguồn vốn cho dự án, ông Thanh cho rằng với nhu cầu vốn thực hiện dự án rất lớn. Để đảm bảo nguồn vốn cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để huy động nguồn lực, tăng thu ngân sách Nhà nước, cắt giảm chi thường xuyên (kể cả các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh) và có thể phải chấp nhận bội chi ngân sách Nhà nước tăng lên trong một số năm (điều này dẫn đến rủi ro về nhu cầu vay, khả năng huy động và nghĩa vụ trả nợ trong tương lai).

Vì vậy, theo ông Thanh, cần nghiên cứu, xem xét thận trọng.

Thống nhất chính sách vượt trội, đặc biệt

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đây là dự án có quy mô chưa từng có ở nước ta, chưa có tiền lệ thực hiện, đã được cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến. So với thực trạng ngân sách như hiện nay, vốn đầu tư dự án chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay.

Chính phủ cần tiếp thu ý kiến của UBTVQH, ý kiến thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự án. Trong đó, cần lưu ý tiếp tục rà soát, tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; bổ sung thuyết minh các phương án so sánh để làm rõ cơ sở lựa chọn hướng tuyến.

Thống nhất trình Quốc hội dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam - 3

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên họp (Ảnh: Phạm Thắng).

Ông Hải lưu ý, tổng vốn đầu tư cho dự án đặc biệt lớn, kể cả về chi phí xây dựng và chi phí vận hành, khai thác. Do đó, để đảm bảo khả thi, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, cần đánh giá kỹ lưỡng hơn, đặt trong điều kiện đất nước đang triển khai nhiều dự án hạ tầng cấp thiết, cấp bách.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng thống nhất cần có những chính sách vượt trội, đặc biệt để thực hiện dự án, tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rà soát lại 19 chính sách thuyết minh cụ thể hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng, chỉ đưa vào nghị quyết những chính sách thực sự cần thiết.

UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến tham gia chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án và dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam gửi Quốc hội, Ủy ban Kinh tế hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Quốc hội xem xét.

Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/thong-nhat-trinh-quoc-hoi-du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-20241106224640217.htm

DanTri Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay