Thứ bảy, Tháng hai 22, 2025
HomeThời SựThủ tướng: Cần có cơ chế để làm tàu điện ngầm Cần...

Thủ tướng: Cần có cơ chế để làm tàu điện ngầm Cần Giờ về TP.HCM, sân bay Long Thành – Tân Sơn Nhất

Sáng 21-2, phát biểu kết luận tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương về tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các báo cáo, ý kiến.

Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương một số địa phương như Bắc Giang, Quảng Ninh… đặt mục tiêu tăng trưởng cao. Trong đó, Quảng Ninh đặt mục tiêu 16%, cao hơn cả chỉ tiêu Chính phủ giao (12%).

Dựa vào khoa học công nghệ để tăng trưởng kinh tế

Sau khi phân tích một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ các quan điểm chỉ đạo, điều hành. Theo đó, tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững phải dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời phải hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững, bao trùm.

Đặc biệt, theo Thủ tướng, phải phát huy tính chủ động, tích cực, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Làm tàu điện ngầm từ Cần Giờ về TP.HCM... để khơi thông nguồn lực
Thủ tướng nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững phải dựa trên khoa học công nghệ. Ảnh: VGP

Ông cũng yêu yêu cầu nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động trong chỉ đạo điều hành; dồn nguồn lực đầu tư công để tập trung cho các công trình, dự án lớn mang tính xương sống.

Phát huy tinh thần trách nhiệm cao; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương; chủ động đề xuất giải pháp đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Cùng đó là phát huy các vùng động lực tăng trưởng gồm Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng, các cực tăng trưởng như Hà Nội và TP.HCM nhưng cũng không bỏ quên những vùng khó khăn.

Dẫn chứng, Thủ tướng cho hay lợi thế của Tây Nam Bộ là lúa gạo, thủy hải sản; miền núi phía Bắc là rừng, duyên hải miền Trung là biển, Tây Nguyên là các cây công nghiệp.

Phân tích thêm về phát triển kinh tế nông nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng phải ổn định thị trường, nâng cao chất lượng, giữ vững chữ tín, nhất là trong lúc khó khăn.

Dứt khoát phân bổ vốn đầu tư công trong quý I

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật; bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số.

Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, tạo đột phá. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, đẩy mạnh đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tổng số vốn đầu tư công 2025 là 826.000 tỉ đồng, hiện đã phân bổ 741,1 nghìn tỉ đồng, số còn lại 84,8 nghìn tỉ đồng Thủ tướng yêu cầu dứt khoát phải phân bổ ngay trong quý I-2025.

“Nếu chưa xong thì kiên quyết thu hồi, điều chuyển cho nơi khác” – Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu tập trung thực hiện, sớm hoàn thành các công trình trọng điểm. Phấn đấu vượt mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển vào cuối năm 2025.

Một nhiệm vụ khác, ông yêu cầu phải cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài. Đồng thời, khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu; khởi động các dự án lớn, trọng điểm như điện hạt nhân, đường sắt tốc độ cao Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng…

Về vốn đầu tư nước ngoài, phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thuận lợi; tăng cường thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, thúc đẩy các dự án FDI lớn đi vào hoạt động.

Bo-truong-bo-xay-dung-tran-hong-minh.jpg
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Về tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch. Thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững với các đối tác lớn; chủ động đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm; khai thác hiệu quả 17 FTA đã ký kết.

Cùng đó là thúc đẩy đàm phán, ký kết FTA mở rộng thị trường mới với các nước Trung Đông, Mỹ latinh, châu Phi, thị trường Halal…. Hỗ trợ, xử lý tốt các vấn đề tranh chấp thương mại, đầu tư; mở rộng thương mại điện tử xuyên biên giới; thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ tài chính, ngân hàng, logistics… Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, tập trung cơ cấu lại nền kinh tế. Tập trung triển khai các chính sách thí điểm mới về đầu tư, tài chính, đấu thầu, thử nghiệm có kiểm soát; phát huy hiệu quả các quỹ khoa học công nghệ…. tạo điều kiện thuận lợi để các chuyên gia giỏi làm việc cho Việt Nam cũng như thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới nổi.

Cũng theo Người đứng đầu Chính phủ, chúng ta cần xây dựng cơ chế, chính sách khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm. Chẳng hạn như xây dựng tàu điện ngầm từ Cần Giờ về TP.HCM và giữa sân bay Tân Sơn Nhất-sân bay Long Thành. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, dự án, sớm khơi thông nguồn lực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý tăng trưởng kinh tế phải gắn với việc xử lý các vấn đề phát sinh cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đặc biệt là già hoá dân số, cạn kiệt tài nguyên, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…

Thiết lập gói tín dụng hỗ trợ người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ông giao Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa. Phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thiết lập gói tín dụng hỗ trợ người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà và thúc đẩy mạnh tín dụng nhà ở xã hội.

Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí. Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính triển khai kịp thời Nghị định 182/2024 về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư.

tăng trưởng kinh tế 6.jpg
Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho từng Bộ, ngành. Ảnh: VGP

Thủ tướng giao Bộ TN&MT tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp. Thủ tướng giao Bộ Tài chính sớm nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025, đặc biệt thúc đẩy hai trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại TP.HCM và Đà Nẵng.

Bộ Công Thương được giao thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh và các dự án công nghiệp, thương mại lớn; sớm sửa đổi và triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII.

“Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỉ lệ giải ngân năm 2025 đạt tối thiểu 95%. Cùng với bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, triển khai tốt phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát và chương trình xây dựng nhà ở xã hội…” – Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý.

Sẽ trình Bộ Chính trị, Chính phủ chính sách phát triển Khu kinh tế Vân Đồn
Thủ tướng chủ trì họp với các địa phương, đặt mục tiêu vượt qua bẫy thu nhập trung bình
Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Nguồn: https://plo.vn/thu-tuong-can-co-co-che-de-lam-tau-dien-ngam-can-gio-tphcm-san-bay-long-thanh-tan-son-nhat-post835444.html

PLO Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay