Thưởng Tết và lương tháng 13 là các khoản thu nhập được người lao động mong chờ mỗi dịp cuối năm. Dù là khoản thưởng phát sinh ngoài thu nhập từ tiền lương, tiền công hàng tháng, theo quy định pháp luật, đây vẫn thuộc nhóm thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Điểm đáng chú ý là khoản thưởng Tết và lương tháng thứ 13 năm 2025 sẽ không tính vào quyết toán thuế của năm 2024 mà sẽ được chuyển sang tính vào phần thu nhập của năm 2025. Quy định này giúp người lao động không bị gộp phần thưởng vào thu nhập năm 2024, tránh việc phải chịu mức thuế cao hơn do nhảy bậc thuế.
Theo quy định hiện hành, thuế TNCN từ tiền lương, tiền công được tính theo biểu thuế lũy tiến từng phần, gồm 7 bậc thuế 5-35%. Và khoản tiền thưởng Tết và lương tháng 13 cũng thuộc nhóm thu nhập phải tính thuế.
Tuy nhiên, người lao động chỉ phải nộp thuế sau khi trừ các khoản giảm trừ gia cảnh (cá nhân và người phụ thuộc) mà vẫn đạt đến mức phải nộp thuế TNCN.
Theo Thông tư 111/2013 của Bộ Tài chính, thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được tính theo hai trường hợp chính.
Cách tính thuế TNCN từ tiền thưởng Tết 2025
* Đối với người lao động ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên
Dựa vào Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công, thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được tính theo công thức:
Số thuế TNCN = Thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công x Thuế suất
Trong đó:
– Thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công là khoản thu nhập được xác định bằng thu nhập chịu thuế theo hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư 111/2013/TT-BTC trừ đi các khoản giảm trừ bao gồm:
+ Các khoản giảm trừ gia cảnh áp dụng theo quy định tại Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14. Theo đó, mức giảm trừ đối với bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với người phụ thuộc của người nộp thuế là 4,4 triệu đồng/tháng/người.
+ Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện.
+ Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.
– Thuế suất: Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công được áp dụng theo Biểu thuế lũy tiến từng phần quy định tại Điều 22 Luật Thuế thu nhập cá nhân, cụ thể như sau:
Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.
Trong đó:
– Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
+ Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
+ Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.
– Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện quy định nêu trên.
* Đối với người lao động không ký hợp đồng lao động hoặc hợp đồng dưới 3 tháng
Thu nhập từ tiền công, tiền lương, hoặc khoản thưởng sẽ bị khấu trừ 10% trước khi trả cho người lao động nếu tổng thu nhập từ 2 triệu đồng trở lên/lần chi trả.
Công thức khấu trừ: Thuế thu nhập cá nhân = Thu nhập chịu thuế × 10%
Tuy nhiên, đây chỉ là phần thuế TNCN tạm khấu trừ, bởi phần thưởng Tết, lương tháng 13 của năm trước mà người lao động nhận vào tháng 1 của năm tiếp theo sẽ được quyết toán thuế vào năm tiếp theo.
Đối với người lao động ký hợp đồng ngắn hạn nếu bị khấu trừ 10% thuế có thể thực hiện thủ tục quyết toán để xin hoàn thuế nếu thu nhập cả năm chưa đến mức chịu thuế.
Nguồn: https://kenh14.vn/tien-thuong-tet-2025-se-tinh-thue-thu-nhap-ca-nhan-nhu-the-nao-215250116140642697.chn