Thấy rõ tính cấp thiết của vấn đề, nhiều lần Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải làm ngay, làm triệt để, “vừa chạy vừa xếp hàng”.
Chỉ 30 ngày sau Hội nghị toàn quốc tổ chức quán triệt thực hiện Nghị quyết số 18, ngày 30/12/2024, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã công bố Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của 13 cơ quan ở Trung ương, sau sáp nhập.
Trung ương làm trước để địa phương hưởng ứng với mục tiêu chung là hoàn thành và báo cáo Trung ương phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý I/2025.
Ở đây không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị. Gắn liền với tinh gọn tổ chức bộ máy là cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, theo tinh thần “đúng vai thuộc bài”, không buông lỏng, nhưng cũng không chồng chéo chức năng nhiệm vụ, phân biệt rõ vai trò lãnh đạo của Đảng và chức năng quản lý của Nhà nước.
Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kiên quyết giảm và không thành lập mới các tổ chức trung gian; giải thể hoặc sắp xếp lại các tổ chức hoạt động không hiệu quả.
Ban đầu không ít ý kiến băn khoăn cho rằng, công việc nặng nề, phức tạp, nhạy cảm sao lại làm gấp gáp. Nhưng khi vào cuộc, ai cũng thừa nhận “không thể chậm trễ hơn được nữa”. Dù mới đi được chặng đường rất ngắn, nhưng mọi công việc đều hanh thông do triển khai đồng bộ và quyết liệt, không tổ chức, cá nhân nào có thể đứng ngoài.
Lịch sử Việt Nam từ khi có Đảng cho thấy, việc đề ra đường lối chủ trương đúng đắn mang tính quyết định cho mỗi cuộc cách mạng, nhưng đi liền với đó, phải có tổ chức bộ máy tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để hiện thực hóa đường lối chủ trương ấy.
Nhớ lại giai đoạn 1936-1939, từ thực tiễn, Đảng Cộng sản Đông Dương đã chủ trương lập Mặt trận Nhân dân Phản đế Đông Dương, năm 1936 (tháng 3/1938, đổi thành Mặt trận Dân chủ Đông Dương) để tập hợp mọi lực lượng yêu nước, dân chủ, tiến bộ, đấu tranh chống chủ nghĩa phát-xít và bảo vệ hòa bình thế giới.
Vì thế, ngày 26/3/1937, Ban Trung ương Đảng Cộng sản ban hành Chủ trương tổ chức mới của Đảng, trong đó nêu rõ: “Hoàn cảnh mới, nhiệm vụ mới bắt buộc Đảng ta phải có con đường chánh trị mới, con đường chánh trị mới lại bắt buộc phải có một đường tổ chức mới” (Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, NXB Chính trị quốc gia, H 2005, tr 222). Đường chánh trị mới lúc bấy giờ là liên hiệp hành động với các đảng phái, các đoàn thể, dân chúng để chống chính sách thuộc địa của đế quốc, đòi tự do dân chủ. Kết quả là thực dân Pháp phải thi hành một số cải cách xã hội cho nhân dân ta.
Quá trình thực hiện đường lối của Đảng, tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị thường xuyên được cải tiến, đổi mới, nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập, trong đó có những vấn đề được đặt ra trước thời kỳ đổi mới.
Tại Đại hội lần thứ V (1982), Đảng chỉ ra rằng: “Chỗ yếu kém trong cơ cấu tổ chức của Đảng và Nhà nước từ trung ương đến cơ sở nói chung hiện nay là bộ máy tổ chức cồng kềnh, nặng nề mà hiệu lực lại thấp, chế độ trách nhiệm không rõ ràng; sự phân định về chức năng, trách nhiệm, quyền hạn giữa cơ quan đảng, cơ quan nhà nước và các đoàn thể, giữa cấp trên và cấp dưới, giữa cơ quan quản lý với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, sự nghiệp, giữa cá nhân và tập thể đều chưa thật rõ. Việc chia tách hoặc sáp nhập tổ chức, thành lập tổ chức mới trong nhiều trường hợp còn tuỳ tiện” (Văn kiện Đảng toàn tập, tập 43, tr 264).
Từ yêu cầu của thực tiễn, trong 40 năm đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận để lãnh đạo, khắc phục những yếu kém, bất cập nêu trên.
Dù đạt kết quả đáng ghi nhận, nhưng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, chồng chéo; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Để vững tin bước vào kỷ nguyên mới phát triển giàu mạnh thì việc tinh gọn tổ chức bộ máy phải làm trước hết, làm đồng thời với quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, đặc biệt là công tác nhân sự. Đó là yêu cầu của hoàn cảnh mới, nhiệm vụ mới trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đây là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước vì đã nhiều Đại hội của Đảng từ các nhiệm kỳ trước từng đặt ra vấn đề này, đặc biệt là từ Đại hội XII đến nay.
Nguồn: https://nhandan.vn/tinh-gon-to-chuc-bo-may-doi-hoi-tu-cuoc-song-post857758.html