Diễn đàn Tỉnh trưởng Hành lang kinh tế GMS là cơ chế quan trọng trong hợp tác giữa chính quyền địa phương của 6 nước: Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Diễn đàn Tỉnh trưởng Hành lang kinh tế Khu vực tiểu vùng sông Mê Kông đã tổ chức thành công 7 kỳ, có tác dụng tích cực trong việc thúc đẩy giao lưu và hợp tác ổn định lâu dài giữa Trung Quốc với chính quyền địa phương và giới doanh nghiệp các nước thành viên GMS.
Chủ đề của diễn đàn năm nay là: “Đoàn kết hợp tác, tạo dựng môi trường kinh doanh tốt để phát triển khu vực”. 17 tỉnh trưởng (chủ tịch tỉnh) đến từ 6 quốc gia thành viên GMS đã tham dự diễn đàn. Đại diện của Việt Nam tham dự diễn đàn là Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường.
Trong phát biểu tại diễn đàn, ông Trịnh Xuân Trường nói trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam – Trung Quốc, tỉnh Lào Cai đã và đang nỗ lực thúc đẩy kết nối giao thương kinh tế giữa các vùng của Việt Nam và các nước ASEAN với khu vực Tây Nam (Trung Quốc). Tuy nhiên, những kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa đáp ứng được kỳ vọng của các bên.
Ông Trường khẳng định, Diễn đàn Tỉnh trưởng Hành lang kinh tế Khu vực tiểu vùng sông Mê Kông năm 2024 tiếp tục là cơ chế quan trọng trong hợp tác giữa chính quyền địa phương của các nước trong tiểu vùng; có tác dụng tích cực trong việc thúc đẩy giao lưu, hợp tác, phát triển kinh tế – xã hội tiểu vùng.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cũng đề xuất, thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc, thực hiện tốt kế hoạch hợp tác kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Cụ thể là đẩy nhanh “kết nối cứng” giữa hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, kết cấu hạ tầng cửa khẩu.
Phía Vân Nam sớm tổ chức khởi công và đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng khu vực Bát Xát (Việt Nam) – Bá Sái (Trung Quốc). Phía Lào Cai đẩy nhanh công tác nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn tốc độ cao Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và công tác kết nối ray khổ tiêu chuẩn từ Lào Cai (Việt Nam) đến Hà Khẩu (Trung Quốc), khởi công các dự án này trong năm 2025. Ngoài ra, Lào Cai cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án sân bay Sa Pa nhằm đa dạng hóa phương thức vận chuyển, giảm chi phí logistics.
Đại diện Việt Nam tin tưởng rằng, với quyết tâm cao của các nước GMS, sự nỗ lực của các địa phương sẽ cùng tạo dựng môi trường tốt nhất để thúc đẩy sự phát triển chung thịnh vượng của Khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Tỉnh Lào Cai cam kết luôn tích cực tham gia các hoạt động hợp tác với phương châm “tích cực, chủ động và có trách nhiệm”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tinh-truong-6-nuoc-ban-thuc-day-hop-tac-dia-phuong-tieu-vung-me-kong-185241106225042878.htm